ĐBSCL trước biến đổi bất thường của thiên nhiên

Kỳ cuối: Chủ động chung sống với tự nhiên

Thứ Sáu, 20/10/2017, 08:15
Theo Bộ KH&ĐT, giai đoạn 2016-2020, nhu cầu vốn cho khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu (BĐKH) cho ĐBSCL dự kiến khoảng 105.000 tỉ đồng. 

Khuyến cáo MDP (Kế hoạch châu thổ ĐBSCL) có 58 dự án đầu tư “Không hối tiếc” trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi theo hướng tái cơ cấu vùng ĐBSCL với số vốn là 43.000 tỉ đồng (cũng vẫn chủ yếu là ngân sách nhà nước). 

Cùng với nhu cầu đầu tư cho Tăng trưởng xanh ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025, như vậy tổng số vốn cho vùng ĐBSCL là 153.000 tỉ đồng. Trong khi đó, khả năng cân đối vốn BĐKH 2016 -2020 là 90,8 ngàn tỉ đồng, tăng trưởng xanh 1,63 ngàn tỉ đồng... 

Quan trọng hơn vẫn là chuyển đổi nhận thức từ “chống” sang sống chung, tức “thuận thiên” một cách chủ động.

Hạn chế công trình “chống trời”

Tại Hội nghị bàn về giải pháp giúp ĐBSCL ứng phó với BĐKH, nước biển dâng và sạt lở bờ sông, bờ biển được tổ chức vào cuối tháng 9-2017, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, ĐBSCL hiện có trên 2.500 quy hoạch được lập. Vấn đề này đang gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế - xã hội, lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực của đất nước.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (ĐH Cần Thơ) trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, trình độ quản lý địa phương còn hạn chế thì nên hướng đến ưu tiên cho những giải pháp phi công trình, như vậy có thể tránh được những sai lầm “gây hối tiếc” khi phải đổ ngân sách quốc gia hay vay nợ cho những dự án quá lớn, gây tốn kém trong đầu tư – xây dựng và vận hành – bảo trì hằng năm.

Người dân đầu nguồn sông Cửu Long khai thác bắt thủy sản mùa nước nổi 2017. 

Theo tổ chức Liên minh bảo tồn Thiên nhiên quốc tế, việc sạt lở bờ biển và mất dần các cánh rừng ngập mặn ở các địa phương ven biển ĐBSCL đang báo động. Tuy nhiên, không nhất thiết phải làm đê biển ngăn sạt lở, mà nhân cơ hội này, các địa phương có thể bố trí nguồn vốn bồi hoàn cho các cư dân vùng sạt lở ven biển. 

Di dời họ vào khu vực an toàn để trồng những vạt rừng ngập mặn chắn sóng biển. Giải pháp này còn đảm bảo cân bằng hệ sinh thái rừng cho vùng, thích ứng với BĐKH.

Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, đề xuất phải quản lý khai thác cát chặt chẽ để đảm bảo duy trì bờ sông, bờ biển. Không nên lấp các hố sâu tự nhiên, vì rất tốn kém và không hiệu quả. Biện pháp công trình (như bờ kè) chỉ nên tiến hành ở những nơi cần thiết để bảo vệ tài sản, tính mạng người dân trong ngắn hạn; do vậy phải nghĩ đến chi phí duy tu, thiệt hại khi kè sụp đổ... 

Trồng và phục hồi rừng ven biển rất cần thiết nhưng việc này chỉ khả thi ở những nơi bồi và còn đủ phù sa trong nước; còn nơi đang sạt lở và đặc biệt trong tương lai khi phù sa giảm mạnh, việc này sẽ không còn ý nghĩa.

Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, muốn vượt qua các thách thức lớn về BĐKH, thời tiết cực đoan và suy thoái nguồn nước, ĐBSCL cần sự tái cấu trúc ngành và lĩnh vực cả vùng, nhưng đồng thời cần thận trọng trong sự can thiệp sâu bằng giải pháp công trình làm tác động biến đổi các hệ sinh thái như trong quá khứ. Chính phủ cần ưu tiên các nguồn vốn ODA, các nguồn tài trợ quốc tế để đầu tư công cho các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng; tư vấn hỗ trợ kỹ thuật phục vụ sản xuất, sinh kế của người dân để thích ứng với những thách thức về BĐKH.

Nương vào tự nhiên…

Tán thành xu hướng “thuận thiên” – nương vào tự nhiên để quy hoạch, PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (ĐH Cần Thơ) cho rằng, phát triển “thuận thiên” là phát triển hài hòa với đất - nước - con người. 

“Hài hòa với các giá trị văn hóa riêng của ĐBSCL đã hình thành từ hàng trăm năm nay trong tiến trình khai khẩn vùng đất non trẻ đầy tiềm năng và nhiều thử thách này, không phải đến thời BĐKH thì mình mới kể ra. Đó là giá trị văn hóa cốt lõi về bốn miệt - theo cách nói dân dã của người dân miền Tây Nam bộ, gồm: miệt đồng, miệt vườn, miệt bưng, miệt biển. Từ xưa, bốn miệt này đã rất hài hòa về đất - nước - con người theo lợi thế của 5 tiểu vùng sinh thái”, PGS-TS Nguyễn Văn Sánh nói.

Vẫn theo PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, người dân ĐBSCL đã đóng góp rất lớn cho an ninh lương thực và xuất khẩu, nhưng hiện có khoảng 1,4 triệu hộ trồng lúa đang bị tổn thương vì nghèo khó khi sống trong miệt đồng này. Do vậy cần sớm có chính sách cụ thể để nâng cao sinh kế của họ. Qua đó, tái tạo được các giá trị cốt lõi của các tiểu vùng sinh thái trong bốn miệt bưng - biển - vườn - đồng.

Cùng quan tâm đến “số phận” của ĐBSCL, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đồng quan điểm rằng, cần tìm ra giải pháp thích ứng phù hợp. Hành động thích ứng có thể đúng và cũng có thể sai. Hành động thích ứng sai vừa gây lãng phí nguồn lực vừa gây những tác động tiêu cực không thể sửa đổi được. 

Do đó, cần thiết hạn chế các biện pháp công trình lớn như đắp cửa sông và ngọt hóa, vừa kém hiệu quả, vừa đảo lộn điều kiện tự nhiên, không thể cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất. 

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT đề xuất xây dựng quy hoạch tổng thể, tích hợp để phát triển vùng; có cơ chế điều phối vùng, thống nhất, phù hợp để huy động các nguồn lực phát triển. BĐKH không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để tổ chức, sắp xếp lại vùng. Phát triển hài hòa giữa ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Cần coi nước mặn, nước lợ là nguồn tài nguyên; cân nhắc diện tích trồng lúa; hạn chế khai thác nước ngầm một cách tùy tiện…

Tán đồng quan điểm tiếp tục đẩy mạnh liên kết vùng, tránh cục bộ, địa phương khi bắt tay vào thực hiện các quy hoạch thích ứng với BĐKH, PGS-TS Nguyễn Văn Sánh kể, mới đây, chính quyền ba tỉnh tiểu vùng Đồng Tháp Mười của “miệt bưng” vốn được xem là một trong hai “túi nước” của ĐBSCL, gồm Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An đã cùng các nhà khoa học hội thảo bàn chuyện liên kết để cố gắng bảo tồn các giá trị về hệ sinh thái và văn hóa thích ứng với BĐKH, nhằm phục vụ đời sống người dân và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. 

Lãnh đạo ba tỉnh này đã đồng thuận về quy hoạch không gian - tích hợp - liên ngành với bốn chương trình hành động, trong đó có việc thống nhất nhau cơ chế, tổ chức và chính sách thích hợp để liên kết với doanh nghiệp và người dân theo ngành hàng; liên kết giữa chính quyền ba tỉnh với trung ương và giới khoa học; liên kết trong vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và ra nước ngoài. 

Chính quyền các tỉnh thuộc tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên – “túi nước” còn lại, gồm An Giang, một phần Kiên Giang, Cần Thơ cũng đang vận hành tương tự như vậy để liên kết hai vùng “miệt bưng” này nhằm góp sức “ổn định vùng lũ thượng nguồn ĐBSCL”, một nội dung lớn mà “Hội nghị Diên Hồng” cho ĐBSCL vừa đặt ra.

Phát biểu kết luận “Hội nghị Diên Hồng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ quan điểm: Phải giữ được đất, nước và người mới phát triển và chống chọi với thiên tai. Chúng ta cần có tầm nhìn mới cho phát triển vùng. ĐBSCL không chỉ là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam mà phải là nền kinh tế nông nghiệp thông minh, bền vững, có giá trị gia tăng cao ở khu vực và rộng hơn là châu Á trong tương lai. Tôn trọng tự nhiên, phát triển thuận tự nhiên, chống can thiệp thô bạo vào tự nhiên và phát triển bền vững theo phương châm chủ động sống chung với lũ, mặn, với cả khô hạn, thiếu nước…

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, cần rà soát, hoàn thiện đồng bộ chính sách, chiến lược, quy hoạch; tăng cường năng lực quan trắc, giám sát, cảnh báo, dự báo và hoàn thiện, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu tích hợp về ĐBSCL. Với quan điểm chỉ đạo là cần thay đổi nhận thức vùng ĐBSCL như một thể thống nhất; quá trình chuyển đổi mô hình phát triển phải được xem xét trong tổng thể chung của đồng bằng, trong mối liên kết chặt chẽ với vùng TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong tiểu vùng sông Mê Kông. Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, trung tâm, làm cơ sở xuyên suốt cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng. Nhà nước đóng vai trò định hướng, dẫn dắt.

Nhóm PV
.
.
.