ĐBSCL trước những biến đổi của thiên nhiên:

Kỳ 1: Không thể ngăn chặn sạt lở

Thứ Hai, 16/10/2017, 08:19
Không chỉ bị thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nạn sạt lở diễn ra ngày càng khốc liệt, sinh kế của gần 20 triệu dân cũng như sự phát triển bền vững cả vùng châu thổ trù phú được xem là vựa lương thực, vựa thủy sản và trái cây của cả nước còn bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). 

Theo dự báo, 40% diện tích của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể chìm trong nước vào cuối thế kỷ này. Các chuyên gia lo ngại nếu giải pháp ứng phó không đúng và thích hợp, dù đã tốn kém nhưng thiệt hại vẫn xảy ra. Để đảm bảo phát triển bền vững, ĐBSCL đang điều chỉnh giải pháp ứng phó theo hướng “thuận thiên”, trên tinh thần chủ động hài hòa các yếu tố đất, nước và con người...

300ha đất… “đi tong”

Những ngày trung tuần tháng 10-2017, PV Báo CAND đã về vùng quê biển xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri (Bến Tre). Hơn 2km bờ đê biển bị sạt lở sâu vào đất liền khoảng 10m; 25 hộ dân bị ảnh hưởng về nhà ở, sản xuất; hơn 5 ha hoa màu bị sóng biển cuốn trôi. Chủ tịch UBND xã Trần Văn Lâm lo lắng cho biết sạt lở càng ngày càng trầm trọng.

Ở Cà Mau, tình trạng sạt lở ven biển Đông vài ba năm trở lại đây đã ở mức báo động đỏ. Lãnh đạo xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn - một trong những điểm sạt lở nóng nhất tỉnh kể hơn chục năm trước, rừng phòng hộ ven biển của xã gần 7.100 ha nhưng nay đã giảm đi khoảng 1.000 ha. 

Theo Chi cục Thủy lợi Cà Mau, tỉnh có 48km bờ biển sạt lở ở mức độ nguy hiểm, trong đó 24,5km sạt lở ở mức rất nguy hiểm. Mấy tháng qua, ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kết hợp triều cường đã làm nhiều đoạn rừng phòng hộ bị mất 50-80m, với chiều dài 10km. Tỉnh đã kiến nghị trên hỗ trợ khẩn cấp 200 tỷ đồng đầu tư xây dựng kè, khắc phục các đoạn sạt lở nguy hiểm.

Tại kè đê biển thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải và phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu, sóng biển đã làm vỡ hoặc gây sạt lở gần 130m và làm tăng nguy cơ vở đê biển khu vực này bất cứ lúc nào. 

Tỉnh Bạc Liêu đã phải công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai do hai tuyến kè này có vai trò rất quan trọng trong ngăn triều cường, sóng biển, sạt lở để bảo vệ cho hơn 8.000 hộ dân và hàng chục nghìn hecta đất sản xuất trong đê…

Sạt lở bờ sông Vàm Nao, huyện Chợ Mới (An Giang) khiến 16 căn nhà cùng lúc trôi xuống sông.

Theo Bộ NN&PTNT, toàn ĐBSCL hiện có 49 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài 266km; trong đó 40 khu vực thường xuyên bị xói lở, với tốc độ từ 10-45m/năm, tập trung tại khu vực thuộc Gò Công Đông (Tiền Giang); Ba Tri, Bình Đại (Bến Tre); Nhà Mát, Gành Hào (Bạc Liêu); bờ biển Đông thuộc huyện Ngọc Hiển, bờ biển Tây thuộc huyện Trần Văn Thời, Năm Căn (Cà Mau); An Minh, An Biên (Kiên Giang). 

Trong khi đó sạt lở bờ sông diễn ra khá phức tạp dọc theo sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch. Theo số liệu thống kê mới nhất, toàn vùng có 513 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 520km. 

“Nóng” nhất là khu vực bờ sông Tiền (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp); bờ sông Vàm Nao (huyện Chợ Mới, An Giang); bờ sông Bò Ót (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ); bờ sông Cổ Chiên (huyện Càng Long, Trà Vinh); kênh Xáng Mái Dầm (huyện Châu Thành, Hậu Giang).

Khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về, tình trạng sạt lở bờ sông càng đáng báo động. Suốt gần chục năm nay, chính quyền nhiều tỉnh miền Tây phải liên tục cảnh báo người dân chạy “hà bá”. 

Theo khảo sát của Bộ NN&PTNT, từ năm 2010 đến nay, diễn biến sạt lở bờ sông, bờ biển tại ĐBSCL khá phức tạp và có xu thế ngày càng gia tăng, tốc độ xói lở đã vượt tốc độ bồi, làm diện tích khu vực ĐBSCL bị mất trung bình mỗi năm khoảng 300ha.

Tăng cấp và lan rộng

Điều khiến cả vùng châu thổ Cửu Long không khỏi lo ngại chính là diễn biến sạt lở tăng cấp và không có dấu hiệu chững lại. Nạn sạt lở bờ sông không chỉ diễn ra ở các tỉnh vùng thượng nguồn của lũ, mà lan dần xuống các tỉnh hạ nguồn. 

Tại Vĩnh Long, ngày gần cuối tháng 8-2017, gần 20 căn nhà tại khóm 3, phường Thường Phước, thị xã Bình Minh, cặp bờ sông Hậu bị sạt lở, nhiều căn sụp hoàn toàn. Sạt lở ăn sâu vào đất liền gần 20m, xuất hiện nhiều vết nứt mới.

Tại Cần Thơ, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, giai đoạn 2010-2016, thành phố có 125 điểm sạt lở, chiều dài sạt lở khoảng 4.463m, với 63 căn nhà bị hư hại hoàn toàn. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2017, thành phố xảy ra 28 điểm sạt lở với chiều dài 1.583m. 

Ngoài ra, Cần Thơ còn có trên 106 vị trí có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài đoạn có nguy cơ khoảng 52.788m. “Diễn biến sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn ngày một nghiêm trọng, phức tạp, gia tăng cả về cường độ và số lượng. 

Đặc biệt, các đoạn sông, kênh, rạch chảy qua các khu vực đông dân cư, các kênh rạch có mật độ giao thông thủy lớn, những đoạn sông cong, các cửa phân lưu, nhập lưu, nơi giao thoa giữa dòng chảy sông và dòng triều… gây thiệt hại lớn về sinh mạng, mất đất, nhà cửa, tài sản, cơ sở hạ tầng xây dựng hai bên bờ sông, kênh, rạch”, ông Thống lo ngại.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang cho biết, sạt lở bờ sông, rạch trên địa bàn ngày càng phức tạp. 

Từ đầu năm 2017 đến nay đã xảy ra trên 50 điểm sạt lở mới với tổng chiều dài 7.220m. Tỉnh đang đầu tư 16,9 tỷ đồng xử lý 18 điểm sạt lở lớn và kiến nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp gần 500 tỷ đồng xử lý 7 điểm sạt lở nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của người dân.

Từ đầu năm 2017 đến nay, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã phải công bố tình trạng thiên tai do sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu; Cà Mau, Bạc Liêu cũng công bố thiên tai do sạt lở làm mất đê biển và rừng phòng hộ. 

Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL nhận định, trong 25 năm qua, sạt lở tại ĐBSCL có khuynh hướng nổi trội hơn bồi đắp và nhất là trong 10 năm trở lại đây, sạt lở ngày càng gia tăng, lan ra trên diện rộng.

Tại một hội nghị mới đây được tổ chức tại TP Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã chỉ ra những thách thức làm cản trở sự phát triển của ĐBSCL, đó là diện tích đất rừng bị suy giảm, việc gia tăng thời vụ và sản xuất nông nghiệp quá sức phục hồi của đất; quy hoạch, đầu tư phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên kết vùng; khai thác nước ngầm quá mức làm mặt đất sụt lún cùng với nước biển dâng làm tăng nguy cơ ngập lụt.

Thêm vào đó, việc bố trí các khu dân cư chưa hợp lý cùng với khai thác bùn, cát và thiếu hụt lượng phù sa, bùn cát bổ sung dẫn đến sạt lở. Quản lý chồng chéo, thiếu phối hợp, nhu cầu khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn gia tăng mạnh, làm giảm dòng chảy mùa kiệt, giảm lượng phù sa; mặn lấn sâu vào nội đồng; hạn hán gia tăng trong khi khả năng chống chịu của đồng bằng còn thấp…

Nhóm PV
.
.
.