Kỳ 2: Rừng “sụt lùi”, nước “đói” phù sa

Thứ Ba, 17/10/2017, 08:55
Khi đi tìm nguyên nhân dẫn đến sạt lở tại ĐBSCL, các nhà khoa học “gặp nhau” trong khẳng định: nước “đói” phù sa. 

Tại “Hội nghị Diên Hồng” cho ĐBSCL vào cuối tháng 9-2017 vừa qua, ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang – địa phương có sản lượng nông nghiệp đứng đầu miền Tây thật sự lo ngại trước thực trạng nước “đói” phù sa dẫn đến hàng loạt hệ lụy. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lo ngại trước sự “biến mất” của hàng ngàn hécta rừng trước nạn sạt lở bờ biển…

Tụt giảm gần 1/4

Đầu mùa lũ 2017, khi nhận được tin báo nước về sẽ nhiều hơn mọi năm, nông dân ĐBSCL đã háo hức “đón lũ” bằng cách mở đê, xả cống để “rước” nguồn phù sa dồi dào vào nội đồng. Điều này xuất phát từ thực tế nhiều năm trước đó - nước lũ không về hoặc về rất ít. 

Trong liên tiếp hàng năm như thế, ĐBSCL chịu thiệt thòi rất lớn, trước hết là đối với sản xuất nông nghiệp bởi việc giảm phù sa mịn gây bạc màu đất; đất đai không được bồi đắp. 

Cạnh đó, hiện tượng nước “đói” phù sa dẫn đến hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng khác như: Sạt lở bờ sông, bờ biển; giảm lượng dinh dưỡng mang ra biển, ảnh hưởng năng suất thủy sản ven biển trong vùng Mê Kông. 

Thiếu phù sa trong vùng nước biển ven bờ, giảm bồi đắp và gia tăng sạt lở bờ biển, nhất là đoạn bờ biển bùn phía Biển Đông từ Sóc Trăng đến Mũi Cà Mau và phía Biển Tây từ Mũi Cà Mau đến Hà Tiên; thiếu dinh dưỡng cho hệ sinh thái thủy sinh, ảnh hưởng đến năng suất thủy sản.

Số liệu của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế cho thấy, so giữa 1992 và 2014,  lượng phù sa mịn sông Mê Kông đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn/năm còn 85 triệu tấn/năm. Số liệu phù sa nói trên chưa bao gồm thành phần cát, sỏi di chuyển ở đáy sông, ước lượng khoảng 30 triệu tấn/năm. 

Dự báo sau khi 11 đập ở hạ lưu vực xây dựng xong, lượng phù sa mịn còn lại sẽ bị giảm 50% một lần nữa, tức chỉ còn 42 triệu tấn/năm. Tất cả các nghiên cứu đều thống nhất rằng, hiện nay toàn bộ cát sỏi từ phía thượng lưu vực đã bị chặn, sau khi 11 đập ở hạ lưu vực hoàn tất, 100% cát, sỏi sẽ bị chặn về ĐBSCL.

Người dân ĐBSCL luôn lo ngại nước “đói” phù sa. 

Các nhà khoa học cũng dẫn chứng, trong 160 triệu tấn tải lượng phù sa mịn sông Mê Kông vận chuyển hằng năm, một phần được bồi lắng ở các cánh đồng ngập lũ ở Campuchia và ở ĐBSCL, còn lại ước lượng khoảng 100 triệu tấn phù sa và 16 triệu tấn dinh dưỡng bám vào phù sa được mang ra vùng nước ven biển ĐBSCL. 

Khi lượng phù sa và dinh dưỡng này giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất thủy sản vùng ven biển ĐBSCL. Tình trạng hạn, mặn ở ĐBSCL tồi tệ hơn một cách nghiêm trọng nếu dòng chảy ở các đập thủy điện thượng nguồn về hạ lưu giảm.

Theo TS Dương Văn Ni, Trường ĐH Cần Thơ, nếu không có phù sa thì không thể bồi lắng, tạo “chân” cho bờ biển và bị sóng “tấn công” gây ra sạt lở trên diện rộng. Bờ biển thiếu cát, thiếu phù sa và nếu mất luôn cả rừng phòng hộ thì dù có kè kiên cố đến đâu nhưng bị sóng đánh lâu ngày thì “chân” kè cũng bị xói lở.

“Sụt lùi” và biến mất

Dẫn PV Báo CAND đi trên tuyến kè tạm tại vàm Kim Quy, ấp Kim Quy B, xã Vân Khánh, huyện An Minh (Kiên Giang), Đại úy Phạm Hoàng Đáo, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Kim Quy, chỉ tay về vị trí về hướng biển khoảng 300m cho biết trước năm 2000, xung quanh là rừng đước được bảo vệ chắc chắn. 

Thế nhưng qua thời gian sạt lở liên tục hơn chục năm, đến cuối năm 2013, diện tích rừng phòng hộ xung quanh trạm bị sóng biển cuốn trôi, đất bị ăn mòn vào sát trạm nơi chúng tôi đang đứng.

Tỉnh Cà Mau có ba bề giáp biển, chịu tác động của biến đổi khí hậu, triều cường, sóng dữ gây xói lở bờ biển. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, toàn tỉnh khoảng 2/3 diện tích bờ biển bị sạt lở. Từ năm 2007 tới nay, ven biển bị sạt lở mất hơn 4.000ha đất, đe dọa nhiều khu dân cư ven biển; rừng ven biển cũng “biến mất” dần.

Hôm chúng tôi đến xã Vân Khánh, huyện An Minh (Kiên Giang), thật không thể hình dung được cảnh sống nguy hiểm của nhiều người dân ven biển. 

Ông Lai Khánh Đủ chỉ tay về phía ngôi nhà nằm chơi vơi giữa bốn bề nước biển, cách đất liền hơn 200m kể giọng trầm buồn: “Tôi sống ở đây từ lúc lọt lòng mẹ, lớn lên cùng cơn sóng biển, thế nhưng chưa bao giờ lại thấy nó kinh khủng như thế”. 

Theo lời ông Đủ, sau khi đi nghĩa vụ quân sự về, ông được cấp một nền nhà và khoảng 1.000m² đất rừng để bảo vệ và sản xuất. Thế nhưng, đến nay cả nền nhà và đất rừng đều bị sóng biển “nuốt”. 

Không có tiền dời nhà vào đất liền, ông Đủ đành đi xin cây tràm, cây đước dựng căn nhà tại vị trí cũ nhưng chỉ khác biệt là không còn nền đất mà thay vào đó là nước biển. Hơn 15 năm qua, cây cầu bắt từ nhà ông vào đất liền ngày càng dài ra, đến nay đã dài gần 300 m. 

“Nhiều đêm đang ngủ thì sóng đánh văng cả sàn nhà. Hôm nào, gió chướng thì cả nhà phải vào trú tạm trong đất liền. Giao thừa Tết 2017, cả nhà đang quây quần thì bất ngờ gió lớn nổi lên, sóng dội vào liên tục, căn nhà nghiêng lắc, rồi sàn nhà bong tróc, đồ đạc rơi cả xuống biển. May mắn cả nhà chạy vào bờ được…”, ông Đủ kể lại.

Theo Phòng NN&PTNT huyện An Minh, hiện 20/37km chiều dài bờ biển của huyện bị sạt lở. Trong số 200 hộ dân bị ảnh hưởng, có nhiều hộ dân bị cuốn mất đất sản xuất, nhà cửa đã vào đất liền sinh sống. Những hộ không có điều kiện như ông Đủ, vẫn phải trụ lại trên mặt biển, mưu sinh. Ông Lê Ngọc Tùng, Phó Chủ tịch huyện An Minh cho biết tính đến nay, đã có hơn 400ha rừng “biến mất” do sạt lở. “Sạt lở cứ tiếp diễn như thế này, trong vòng 2 năm nữa diện tích 2.256ha rừng được giao cho 721 hộ dân sản xuất và bảo vệ sẽ biến mất”, ông Tùng lo ngại.

Tại một hội nghị mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết đời sống dân cư ven sông, ven biển tại ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi sự cộng hưởng tác động BĐKH đã làm cho tốc độ sạt lở diễn ra nhanh hơn, gây thiệt hại đến tài sản và đe dọa tính mạng của người dân cũng như các thiết chế hạ tầng kinh tế. Hạn mặn xuất hiện nhiều hơn, một bộ phận người dân sẽ thiếu nước ngọt sinh hoạt trong các tháng mùa khô, điển hình 1 triệu người thiếu nước ngọt đầu năm 2016. 

Vẫn theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, bờ biển các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL dài khoảng 774km, có đến 24 khu vực thường xuyên bị xói lở với tổng chiều dài khoảng 147km, tốc độ xói lở từ 5 - 45 m/năm. Từ năm 2011- 2016, rừng ngập mặn toàn vùng giảm gần 10% (từ 194.723ha năm 2011 nay chỉ còn 179.384ha năm 2016) tương đương 15.339ha. 

“Với tốc độ sạt lở bờ biển như hiện nay đã làm cho diện tích rừng ngập mặn suy giảm khá nhanh. Hiện chỉ còn khoảng 63.000ha, nếu không quyết liệt giữ sẽ dần dần biến mất”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lo ngại.

Nhóm PV ĐBSCL
.
.
.