Chuyện người “gieo chữ” ở vùng cao Trà Ka

Thứ Ba, 18/09/2018, 08:43
Xã vùng cao Trà Ka, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam, nằm giáp ranh với huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi, đường sá đầy cách trở. Nhưng, vượt qua bao khó khăn, giáo viên ở miền đất này vẫn ngày ngày bám trường, bám lớp để góp phần vào sự nghiệp “trồng người”…

Điểm trường thôn 3, xã Trà Ka cách trung tâm xã chừng 3km theo đường chim bay, nhưng chúng tôi phải đi xe máy băng rừng gần nửa giờ đồng hồ, vượt qua nhiều dốc cao đầy đá lởm chởm; phải đi qua cây cầu tạm bắc qua dòng sông Tang, nơi thượng nguồn đổ về sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi, mới tới nơi. 

Anh cán bộ xã Trà Ka đi cùng chúng tôi cho biết, tại thôn 3 có 2 điểm trường cấp học mẫu giáo và cơ sở 5 của Trường Phổ thông bán trú tiểu học Võ Thị Sáu. 

Tại điểm trường mẫu giáo, ấn tượng đầu tiên ập vào mắt chúng tôi là tấm biển to được treo trang trọng có dòng chữ “Ngôi trường là nhà, cô giáo là mẹ, các cháu là con”. 

Trò chuyện cùng chúng tôi, cô giáo Trần Thị Long Anh (23 tuổi, quê ở xã biển Tam Tiến, huyện Núi Thành) chia sẻ, từ ngày ra trường, cô đã lên vùng cao của huyện Bắc Trà My để giảng dạy. 

4 năm qua, dù gặp rất nhiều khó khăn vất vả do điểm trường nằm xa khu dân cư, đường sá đi lại khó khăn, song với tấm lòng của một cô giáo trẻ miền xuôi, cô Anh đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình. 

Tại điểm trường mẫu giáo ở thôn 3, xã Trà Ka hiện nay chỉ có một mình cô Anh đứng lớp để chăm sóc, dạy dỗ cho 24 trẻ trong 3 độ tuổi 3, 4 và 5. 

Tại điểm trường cơ sở 5 của Trường Phổ thông bán trú tiểu học Võ Thị Sáu cũng chỉ có 1 giáo viên cắm bản là cô Trần Thị Mỹ Trinh (23 tuổi, quê xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My). 

Trong năm học này cô Trinh đảm nhiệm 1 lớp ghép gồm 8 em lớp 1 và 9 em lớp 2. Do điểm trường mẫu giáo và điểm trường cơ sở 5 cách nhau chừng vài chục mét nên cô Anh và cô Trinh ở cùng nhau trong căn phòng nhỏ ọp ẹp nhằm sẻ chia những khó khăn, vất vả mà người giáo viên vùng cao gặp phải.

Ông Nguyễn Ngọc Viên, Chủ tịch UBND xã Trà Ka, cho biết: “Địa bàn xã rộng, cách trở lắm. Có thôn phải đi bộ mất hơn 2 giờ đồng hồ mới đến nơi được. Vì vậy, lãnh đạo xã chúng tôi rất thấu hiểu và ghi nhận những đóng góp của các thầy cô giáo miền xuôi lên đây cắm bản, dạy học cho con em người địa phương chúng tôi”. 

Nhân dịp Tết Trung thu đang đến gần, trong 2 ngày 15 và 16-9, gần 40 đoàn viên thanh niên thuộc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khối doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam và các đơn vị trực thuộc đã về xã Trà Ka tổ chức chương trình “Trung thu yêu thương - Nâng bước em đến trường”, trao tặng quà Trung thu, áo quần mới cho các em học sinh mẫu giáo và tiểu học xã Trà Ka; thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách khó khăn của xã. 

Ngoài ra, các đoàn viên thanh niên còn hăng hái tham gia xây dựng công trình khu vui chơi dành cho trẻ em tại điểm trường mẫu giáo thôn 3 và điểm trường chính mẫu giáo xã Trà Ka; lắp tặng hệ thống lọc nước uống miễn phí cho điểm trường mẫu giáo thôn 3… Tổng kinh phí của chương trình này khoảng 60 triệu đồng.

NGỌC THI
.
.
.