Cô giáo người Dao miệt mài gieo chữ nơi đại ngàn

Thứ Bảy, 24/01/2015, 17:54
Nghề trồng người ở vùng cao vốn dĩ đã nhiều thiệt thòi, nuôi con chữ nơi rừng thẳm núi cao lại càng khó khăn gấp bội. Chỉ có thể bằng lòng yêu nghề, bằng sự hi sinh lớn lao và cao cả các thầy cô mới có thể dốc lòng, dốc sức mà bám trụ với nghề. Cô giáo Dương Thị Hà, (29 tuổi) Trường THCS Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã vượt qua tất cả những thử thách nghề nghiệp để gần mười năm qua cống hiến hết mình cho sự nghiệp cao cả ấy.

Đường từ trung tâm huyện Trấn Yên vào trường THCS Kiên Thành chỉ hơn 10 cây số nhưng phải đi đò sang sông Hồng và vượt qua con đường hẻo lánh, khúc khuỷu trốn mình giữa đại ngàn âm u. Cô giáo Dương Thị Hà là phụ nữ người Dao hiếm hoi ở thôn Đồng Song của xã Kiên Thành. Chuyện cô trở thành người giáo viên đã trở thành niềm tự hào không chỉ riêng của gia đình mà còn của cả thôn.

Cô giáo Dương Thị Hà trong một giờ lên lớp.

Kiên Thành là địa bàn đặc biệt khó khăn, hơn chục năm trước đây con gái học hết tiểu học đã là giỏi thì chuyện cô Dương Thị Hà học đại học là một kỳ tích. Hồi đó, khi đang là học sinh trường THCS Kiên Thành, Hà đã nuôi dưỡng ước mơ được đi học, được đứng trên bục giảng. Hà ngưỡng mộ các thầy cô bao năm bám bản, bám lớp để truyền dạy con chữ. Hồi đó Hà đã hứa với chính thầy giáo chủ nhiệm là dù có khó khăn thế nào đi chăng nữa, cô sẽ không bỏ học, hoàn thành ước mơ để truyền lại chữ cho đồng bào mình.

Nhà cách trường hơn 10 cây số nhưng hơn 10 năm trời, bất kể ngày nắng hay mưa cứ 4h30 sáng, cô gái bé nhỏ đã thức dậy, ăn sáng vội vàng khi cơm nguội, khi củ sắn củ khoai mẹ phần từ đêm để đốt đuốc cuốc bộ, băng rừng 10 cây số đến trường cùng các bạn. Học đến hết trung học cơ sở, số bạn nữ trong lớp lần lượt bỏ học rồi lấy chồng hết cả. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái khoa Sinh- Địa, cô lại quay về Kiên Thành – vùng quê nghèo để hiện thực hoá ước mơ và lời hứa với thầy giáo chủ nhiệm năm nào.

Với sức trẻ và sự nhiệt huyết, cô xung phong vào điểm trường Khe Rộng, một phân hiệu cách xa trường trung tâm. Đây là quãng thời gian khó khăn nhất của một cô giáo mới ra trường và cô chỉ có một mình ở lại tập thể trong căn phòng bé xíu. Sinh hoạt thiếu thốn, nước sinh hoạt phải đi lấy từng can 20 lít hàng cây số. Thân con gái giữa đại ngàn, cô sợ nhất là buổi tối. “Ban ngày lên lớp, còn có học trò và một vài đồng nghiệp nói chuyện, chứ buổi tối, thui thủi trong ngôi nhà mái lá một mình buồn lắm. Có những hôm, trai bản đến gõ cửa trêu mình vừa ngại vừa sợ, chẳng dám mở, nhưng lâu dần cũng quen”.

Khó khăn là vậy nhưng cô Dương Thị Hà vẫn kiên trì bám trường, bám lớp. Thấu hiểu sự học ở vùng cao nhọc nhằn như thế nào nên cô tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của từng học sinh trong lớp, luôn quan tâm động viên các em không được bỏ học. Cô đã tìm cách truyền niềm đam mê con chữ cho học trò qua mỗi bài giảng. Cô thường xuyên lên bản, vận động đồng bào cho các em đi học. Gần 10 năm công tác ở Kiên Thành cô đã vận động được hàng chục học sinh bỏ học tiếp tục quay lại lớp.

“Ở Kiên Thành hầu hết học sinh là người Dao, người Tày, nhiều gia đình bây giờ vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc học hành của con cái; một phần do cuộc sống khó khăn, các em phải nghỉ học sớm để giúp việc gia đình, cũng do nạn tảo hôn ở vùng cao nên nhiều em gái học đến lớp 8 đã có người ngấp nghé dạm hỏi rồi”. Năm học vừa rồi, em Triệu Thị Quyên, người Tày học sinh lớp 7 đã bỏ học. Quyên là một học sinh khá, chăm ngoan. Cô Hà đã lặn lội nhiều lần vào tận nhà Quyên để thuyết phục bố mẹ cô bé cho em đi học. Đả thông tư tưởng mãi rồi bố mẹ Quyên cũng nghe ra và đồng ý cho em trở lại trường.

Thầy Lê Điền Hải, Hiệu trưởng trường THCS Kiên Thành cho biết: “Có năm học, chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học cơ sở rồi nhưng nhiều gia đình bắt con bỏ học để lên nương vì đang vào ngày mùa. Cô Hà phải lội bộ vào các bản để đón từng em học sinh ra thi”. Năm học vừa qua, 2 học sinh lớp 8A do cô Dương Thị Hà chủ nhiệm và trực tiếp dạy môn Địa đã giành được danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện môn Địa lý. Đáng chú ý, 2 em Lê Thị Hồng Lụa và em Trần Thị Khánh Linh đều là người Tày, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, còn có một em học sinh được lọt vào vòng thi tỉnh môn Sinh học.

Lập gia đình đã được một cô con gái ba tuổi xinh xắn và đáng yêu nhưng chẳng mấy khi cả nhà cô được ở gần nhau. Chồng cô là thầy giáo Phạm Trường Thái dạy ở tận huyện Văn Chấn, cách xa hai mẹ con cả trăm cây số. Khó khăn trăm bề dồn lên đôi vai người mẹ trẻ, xa chồng lại bận bịu công việc. Hình ảnh hai mẹ con cô Hà lầm lụi hàng ngày trở nên quá quen thuộc đối với những thầy, cô giáo và người dân ở nơi đây, có lúc người ta còn gọi vui là vợ Ngâu đang chờ bắc cầu.

Cô Dương Thị Hà tâm sự: “Hoàn cảnh vậy mình cũng phải cố gắng, có những lần con còn nhỏ quá lại hay ốm, lại chẳng nhờ được ai dạy hộ, chồng và bố mẹ ở xa, cực chẳng đã mình đành nhờ người này người khác trông giúp con để lên lớp. Lúc xách cặp đi, nhìn con mà ứa nước mắt. Cũng may là cháu rất ngoan, biết thương mẹ nên không quấy khóc nhiều”.

Vất vả là vậy nhưng với bản lĩnh nghề nghiệp, cộng với tính chịu thương chịu khó, rắn rỏi của một người con vùng sơn cước, cô giáo Dương Thị Hà luôn hoàn thành tốt công việc và mọi nhiệm vụ được giao. Thầy Lê Điền Hải, Hiệu trưởng trường THCS Kiên Thành nhận xét: “Dù ở xa gia đình và điều kiện rất khó khăn nhưng cô giáo Hà luôn nhiệt huyết và tận tụy với công việc, với đồng nghiệp. Một tin vui đến với cô giáo Dương Thị Hà là sắp tới đây, cô sẽ vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trường THCS Kiên Thành hiện có một trường tại trung tâm xã và 1 phân hiệu tại thôn Khe Rộng, có 18 cán bộ công nhân viên chức và 7 lớp với 216 học sinh. Trong đó gần 99% là học sinh người dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Tày...
Anh Thư
.
.
.