Cảnh báo tình trạng lừa bán phụ nữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Sáu, 29/04/2016, 07:48
Huyện Trạm Tấu là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái, với trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy việc tiếp cận thông tin của người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số của huyện vẫn còn hạn chế. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Trạm Tấu dễ bị dụ dỗ, lừa đảo vượt biên trái phép, để lại vết thương về tinh thần và thể xác khó có thể liền lại.

Mặc dù huyện Trạm Tấu  đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như đưa ra những cảnh báo về thủ đoạn của tội phạm mua bán người nhưng loại hình tội phạm này vẫn diễn biến phức tạp.

Chị Phàng Thị Dê, trú tại xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái là nạn nhân của vụ lừa đảo vượt biên trái phép sang Trung Quốc vào đầu tháng 12 năm 2015, nay đã trở về nhà được hơn 5 tháng nhưng nét mặt chị vẫn còn hoảng hốt khi nhắc lại chuyến đi ấy. 

Một buổi tuyên truyền cho người dân không xuất cảnh trái phép của chính quyền xã Túc Đán.

Trước đó, chị Dê đã nghe lời của một người đàn ông dân tộc Mông giới thiệu mình ở Lào Cai, nói là thương hoàn cảnh của chị vì chồng mất sớm, một mình chị phải nuôi năm đứa con nhỏ nên muốn lấy chị về làm vợ và lo cho mẹ con chị một cuộc sống ấm no và sung sướng hơn mà không phải lao động vất vả. Vì nhẹ dạ cả tin nên chị Dê đã đi theo và bị người đàn ông đó bán sang Trung Quốc. 

Sau khi phát hiện mình bị lừa, được sự giúp đỡ của một hộ dân Trung Quốc, chị Dê đã đến Công an Trung Quốc trình báo sự việc, ngày hôm nay kể lại chị vẫn còn thảng thốt: “Mình sợ lắm rồi, vì nhẹ dạ cả tin mà chút nữa tôi mất đi mạng sống, không được gặp các con. Mình cũng mong muốn các chị em phụ nữ đừng tin lời kẻ xấu để bị lừa, hãy ở nhà yêu thương chồng con và người thân của mình, ở đâu cũng cần phải lao động mới có cuộc sống tốt".

Số phận của những phụ nữ bị lừa bán đều giống nhau, người được trở về với gia đình thì vui mừng trong nước mắt. Còn với những gia đình chưa tìm được con, người thân thì như ngồi trên đống lửa. 

Đã hơn 1 năm nay chị Mè Thị Lẩu, thôn Pa Te, xã Túc Đán, ngày nào cũng trông ngóng tin tức con gái lớn là Lèo Thị Y, sinh năm 2000 nhưng vẫn bặt vô âm tín. Chị Lẩu đau đớn nói: "Không có thông tin gì của nó, tôi lo lắm, không biết giờ nó đang ở đâu nữa, chẳng thấy nó liên lạc với gia đình gì cả, nó còn quá nhỏ. Giờ tôi chỉ mong ngày con trở về, mà không biết khi nào”. 

Theo thống kê của Hội Phụ nữ huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, đến nay trên địa bàn huyện Trạm Tấu có 79 tường hợp là phụ nữ rời khỏi địa phương, xã có số phụ nữ vắng mặt nhiều nhất là xã Túc Đán với 24 trường hợp vắng mặt lâu ngày. 

Qua công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và công tác điều tra giải quyết các vụ việc, giải cứu các phụ nữ là nạn nhân các vụ mua bán trở về của  ngành chức năng thì các đối tượng chủ yếu là người không quen biết ở các địa phương khác gọi điện thoại để làm quen với phụ nữ người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Hoàng Hóa
.
.
.