Căng thẳng “cuộc chiến” chống sách lậu
Những chiêu thức “qua mặt” người mua sách
Cùng với một loạt đầu sách bị làm lậu, hình ảnh, video được ghi lại sau gần nửa tháng cùng nhân viên tự đi thu gom bằng chứng và sách bị làm lậu của Trí Việt, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty First News - Trí Việt cho biết, đến thời điểm hiện tại, số sách lậu phát hiện nhiều đến mức không… chở nổi về.
Kết quả ban đầu từ đợt tự kiểm tra này của đơn vị cũng cho thấy, có đến 287 đầu sách trong tổng số gần 1.000 đầu sách của Trí Việt đang bị in lậu, bày bán công khai tại các nhà sách, kể cả nhà sách của trường đại học. Đơn vị cũng phát hiện có đến vài chục đầu sách bị in lậu có giá bìa cao hơn giá sách thật từ 10.000 đồng đến vài chục nghìn đồng.
Câu chuyện sách in lậu, sách vi phạm bản quyền bán tràn lan, thậm chí bị phát hiện có giá cao gấp đôi so với giá thật không còn là chuyện mới mẻ. Thủ thuật này khá đơn giản nhưng người đọc bị “qua mặt” dễ dàng vì sách gốc giá trên 80.000 đồng, còn sách lậu được photo, chia thành 2 cuốn, bán trên 100.000 đồng.
Cuốn sách “Đắc nhân tâm” bị phát hiện có đến 13 phiên bản sách lậu và nhiều cuốn giá cao hơn sách thật ít nhất từ 10.000 đồng/cuốn. Với chiêu thức này, người bán hàng ham rẻ, tích cực bán sách lậu hơn sách thật vì được chiết khấu nhiều. Người mua sẽ nhầm tưởng được mua sách giảm giá nhưng số tiền thực trả so với sách thật không giảm. Nếu các cửa hàng không giảm giá, người mua sách còn dùng sách lậu với chi phí cao hơn sách thật.
Một điểm đáng chú ý khác là nhiều sách bị phát hiện in lậu có hình thức bên ngoài không khác nhiều với sách thật. Nếu không phải là người làm sách hoặc quan tâm nhiều đến sách, người mua rất dễ nhầm.
Thực tế, từ rất nhiều năm trước và cho đến tận hôm nay, sách lậu vẫn là vấn nạn khiến đội ngũ những người làm sách bức xúc. Trước Trí Việt, hàng loạt nhà xuất bản, công ty làm sách bức xúc trước tình trạng “sách của nhà” bị ngang nhiên in lậu đã tích cực nhập cuộc đi… bắt sách lậu.
Một số đơn vị như Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Giáo dục…, sau mỗi vụ phối hợp với cơ quan chức năng bắt được một khối lượng lớn sách lậu còn thông tin rộng rãi đến các cơ quan báo chí nhưng sách lậu vẫn tung hoành.
Nhà xuất bản Giáo dục, sau một thời gian tự kiểm tra nhiều cửa hàng ở nhiều địa phương bán sách kết hợp với nhiều kênh khác nhau cũng “tá hỏa” công bố sách bị làm lậu lưu hành trong trường học.
Không chỉ giới hạn ở sách tham khảo, sách trong chương trình học in lậu, chất lượng kém, sai chính tả, sai nội dung cũng nằm trên bàn của học sinh.
Nhiều tác giả, người sở hữu tác quyền tác phẩm phát hiện sách bị in lậu, ngang nhiên bày bán trên thị trường nhưng bất lực.
Gia đình nhà văn Sơn Tùng khi phát hiện cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh” bị in trái phép đã được báo giới hết lòng ủng hộ đấu tranh nhưng cũng rơi vào im lặng. Tuy nhiên, đỉnh điểm về sự hoành hành của sách lậu phải kể đến việc giải thưởng Sách hay trao giải nhầm cho những đầu sách vi phạm bản quyền năm 2014, bị phản ứng dữ dội từ dư luận.
Một vụ phối hợp với cơ quan chức năng thu giữ sách lậu khối lượng lớn. |
Bức xúc nhưng… bất lực?
Thực tế, sau nhiều năm liên tiếp bỏ công sức đấu tranh với vấn nạn sách lậu nhưng không mang lại kết quả thiết thực, phần lớn các nhà xuất bản, đơn vị làm sách ngậm ngùi chấp nhận “sống chung cùng sách lậu”.
Lý do là tâm sức, tiền của bỏ ra đi rình bắt sách lậu thì nhiều, song việc xử lý hành chính không đủ sức răn đe. Ngay cơ quan quản lý nhà nước là Cục Xuất bản cho đến Hội xuất bản, trong các đợt tổng kết hoạt động cuối năm đều nhận định sách lậu đã trở thành vấn nạn song không tìm được giải pháp ngăn chặn vì chế tài xử phạt quá nhẹ.
Năm 2014, vụ kiện đầu tiên về in sách lậu được xét xử tại Hà Nội. Đơn vị khởi kiện, Công ty TNHH Văn hóa sáng tạo Trí Việt đã phối hợp với cơ quan chức năng bắt được cơ sở gia công in Huy Thi tại Hà Nội in lậu 2.500 cuốn sách “Quẳng gánh lo đi và vui sống”, “Bảy thói quen để thành đạt”.
Vụ việc trở thành tâm điểm chú ý vì chưa có tiền lệ nào về việc kiện người làm sách lậu ra tòa tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, tòa đều tuyên Trí Việt thua kiện với lý do toàn bộ số sách in lậu đã bị tịch thu, tiêu hủy, chưa được lưu thông trên thị trường nên chưa thể gây sụt giảm doanh thu cũng như uy tín, danh dự của Trí Việt.
Không đồng ý với phán quyết này và cho rằng Huy Thi vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, bản quyền và bức xúc vì thực tế sách lậu vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường, Trí Việt tuyên bố tiếp tục làm thủ tục kiến nghị theo trình tự giám đốc thẩm với quyết tâm đấu tranh với đầu nậu đến cùng, dù rằng biết chắc chắn đơn vị sẽ thua thiệt.
Ông Nguyễn Văn Phước còn tuyên bố, treo thưởng từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng cho mọi người tố cáo in lậu sách, đồng thời sẽ nhờ đến Đại sứ quán Mỹ, lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam. Lý do là nhiều đầu sách bị làm lậu trên thị trường là của các đơn vị làm sách của nước Mỹ. Với vụ kiện Huy Thi, trong trường hợp giám đốc thẩm không thành, Trí Việt sẽ tiếp tục nhờ đến cán cân công lý cấp… quốc tế.
Về phía Hội Xuất bản Việt Nam, trong bản kiến nghị gửi Quốc hội và nhiều cơ quan khác về việc sửa đổi nhiều quy định về hoạt động xuất bản trong Bộ luật Hình sự 2015 mới đây cũng khẳng định in lậu đang là vấn nạn gây nhiều tác hại cho sự phát triển của đời sống xã hội Việt Nam nói chung, xuất bản nói riêng.
Hội cũng đề nghị có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn, kể cả xử lý hình sự với các đầu nậu. Về giải pháp trước mắt, Cục Xuất bản và Hội Xuất bản Việt Nam đang có nhiều động thái tích cực, gửi công văn về các địa phương yêu cầu phối hợp trong việc chống in lậu. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào ý thức tự giác và các bản cam kết của chủ cửa hàng, chắc chắn, sách lậu sẽ còn hoành hành lâu dài.