Quốc hội thảo luận về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi):

Sách lậu vẫn tràn lan

Thứ Ba, 19/06/2012, 01:45
“Đã buông lỏng một số nhà sản xuất, tự ý nâng số lượng in ấn, thao túng thị trường. Nhà nước cần hỗ trợ để có nhà xuất bản (NXB) trọng điểm thuộc công lập. Về lĩnh vực xuất bản điện tử đang bị bỏ ngỏ, chưa có chế tài để xử lý. Sách lậu, sách có nội dung không lành mạnh, kích động bạo lực đang xuất hiện tràn lan, cần phải có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm. Vẫn còn nhiều vi phạm trong xuất bản do khâu quản lý…” Đó là những nội dung chính đã được các đại biểu phân tích trong phiên thảo luận ngày 18/6.

Sách điện tử vi phạm chưa có chế tài xử lý

“Xuất bản điện tử, lĩnh vực này bị bỏ ngỏ. Hiện tại chưa hề được kiểm soát, trong đó còn chuyển từ sách in sang điện tử. Nếu không kiểm soát thì hậu quả thật khó lường, nguy cơ sản xuất sách gặp nhiều khó khăn”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) thực sự lo ngại. Ông Sang đề nghị, cần quy định nội dung xuất bản điện tử trong dự án luật.

Cũng về sách điện tử, đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP Hồ Chí Minh) nêu vấn đề: sách điện tử, sách kỹ thuật số liên quan đến vấn đề bản quyền. Nhiều sách điện tử in lậu (in lậu còn thu hồi được) chưa có chế tài xử lý. Trong khi đó nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng, vi phạm bản quyền. Hiến kế, đại biểu Minh nêu rõ, cần có khung pháp lý để điều chỉnh xuất bản điện tử, điều kiện thành lập. Rất thông cảm với người dân, ông Minh cho biết, các sạp bán báo vỉa hè đó là nguồn sống của nhiều người từ lâu rồi. Bây giờ quy định phải có giấy phép là “làm khó” người dân.

Nhiều đại biểu lo ngại tình trạng sách điện tử, xuất bản điện tử đang phổ biến tràn lan. Thiết bị đọc điện tử đa dạng, việc kiểm soát theo nội dung truyền thống không còn phù hợp. Dẫn tới sản phẩm không tốt phát tán rộng rãi, ảnh hưởng đến giới trẻ… Có đại biểu đề nghị, xuất bản điện tử là nhu cầu bùng phát cần có khung pháp lý đặc thù. Linh mục Lê Ngọc Hoàn (Nam Định) cho rằng, hiện nay có nhiều sách điện tử không có bản quyền. Một máy có thể in ra rất nhiều tên sách nhưng không được xử lý. Nhiều sách có nội dung không lành mạnh, kích động bạo lực trong giới trẻ. Mặt khác, về góc độ kinh doanh, sách điện tử còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà xuất bản.

Linh mục Lê Ngọc Hoàn kiến nghị: “Cần phải có chế tài đủ mạnh đối với các xuất bản phẩm điện tử vi phạm”. Hiện nay có 20% dân số sử dụng Internet, blok cũng nhiều, vì thế có nhiều thông tin vô tình hay hữu ý của người cung cấp mỗi người một cách hiểu khác nhau nhưng… tất cả đều biết, đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) lo ngại về tình trạng xuất bản điện tử tràn lan.

Xã hội hóa in ấn, tránh phiền hà và tránh xin - cho

“Đã buông lỏng một số nhà sản xuất, tự ý nâng số lượng in ấn. Cần giữ lại một số đơn vị là đơn vị sự nghiệp có thu. Vì đó là lĩnh vực tư tưởng - văn hóa không thể kinh doanh thuần túy, Nhà nước hỗ trợ để có nhà xuất bản trọng điểm”, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến. Theo ông Lộc, cũng nên hỗ trợ nhà xuất bản trong nước mua bản quyền nước ngoài, hướng dẫn đạo đức lối sống cho thanh thiếu niên. Nhiều đại biểu đồng tình với ý kiến này, một số nhà xuất bản thuộc lĩnh vực chính trị (QĐND, CAND…) mới thuộc công lập.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cũng đồng quan điểm, chuyên xuất bản về sách chính trị nên thuộc công lập. “Cả nước có nhiều NXB nhưng chỉ số ít là có năng lực, còn là thiếu đội ngũ biên tập, thiếu vốn, đa số là vốn nhỏ (8 tỉ trở lên mới thành lập NXB). Chỉ nên giữ lại NXB 100% vốn Nhà nước trong lĩnh vực chính trị”, đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) nêu rõ.

Có ý kiến cho rằng, các NXB đang gặp khó khăn trong hoạt động, cần đẩy mạnh xã hội hóa. Nhà nước chỉ nắm những lĩnh vực chủ yếu, mà nên để NXB tư nhân. Giấy phép cho hoạt động xuất bản, in và phát hành quy định 5 - 10 năm là quá ngắn. Vì cần đầu tư lớn với ngành in, thời gian như vậy là chưa đủ để thu hồi vốn.

Để tạo hành lang pháp lý trong hoạt động thực tiễn, xuất bản, đẩy mạnh phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, Linh mục Lê Ngọc Hoàn (Nam Định) nêu những điểm cần khắc phục: “Các cơ sở in tăng nhanh vừa cung vừa cầu, thị trường tăng nhanh khó kiểm soát những sản phẩm in giả. Vấn nạn này  tiếp tay cho không ít người gian dối in giả bằng cấp, sổ đỏ giả, hóa đơn tài chính, nhãn mác…

Để tránh tình trạng in lậu tràn lan, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) kiến nghị, yêu cầu tất cả các cơ sở in xin cấp phép. Nếu chỉ đăng ký kinh doanh như một đơn vị kinh doanh thì kết quả in lậu, in nối bản, sách “bẩn” còn bị lạm dụng. Bà Hải cho rằng, cần phải có thủ tục nhanh gọn, tránh gây phiền hà, tránh xin - cho. In và phát hành phải quản lý đồng bộ thì mới hạn chế được in lậu…

Còn nhiều vi phạm…do quản lý

“Nhiều NXB không kiểm soát được nội dung, các khâu đều do tư nhân làm, có NXB chỉ đóng vai trò góp vốn… vì thế đã cho ra đời tác phẩm gây bức xúc xã hội”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đánh giá. ĐB Sang đề nghị cần phải kịp thời điều chỉnh những vấn đề mà thực tiễn đặt ra, như quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân khi tham gia vào lĩnh vực xuất bản. Về xử lý vi phạm, đại biểu Lù Thị Lừu (Lào Cai) thẳng thắn: Việc in lậu vẫn chưa được ngăn chặn, chức năng quản lý thiếu chặt chẽ, cần bổ sung những hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản”. Về cơ sở in, đại biểu Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) đánh giá, là phát triển nhanh (chỉ có 400/1.500 cơ sở in là chịu sự điều chỉnh của pháp luật). Đó là một lỗ hổng lớn. Từ đó dẫn tới in lậu, in giả, công tác xử lý chưa triệt để, chủ yếu vẫn là xử phạt hành chính, khung hình phạt thấp nên chưa đủ sức răn đe. Bà Lan kiến nghị, các cơ sở in phải đăng ký, cần có mối quan hệ xuất bản - in - phát hành nếu không hoạt động xuất bản sẽ bị lệch hướng.

“Còn nhiều vi phạm trong xuất bản không phải do luật mà do quản lý nhà nước”, đại biểu Phạm Khắc Châu (Quảng Trị) đánh giá, phải tăng cường quản lý nhà nước. Ông Châu đề nghị, không chỉ xử lý cơ sở in, trong khi ta cần quản lý việc xuất bản chứ không phải về in. Phát hành yếu nhất là vùng sâu vùng xa

Quý - Trường
.
.
.