Bài cuối: Khúc tráng ca bất tử

Thứ Năm, 13/07/2017, 08:10
Hiệp định Giơnevơ năm 1954 đã quyết định lấy vĩ tuyến 17 tỉnh Quảng Trị làm ranh giới quân sự tạm thời chia cắt đất nước ta làm hai miền Nam – Bắc. 21 năm chia cắt là quãng thời gian biến nơi đây trở thành chiến trường khốc liệt với sự hy sinh anh dũng của bao người con đất Việt vì độc lập thống nhất dân tộc. 

Chiến tranh qua đi, Quảng Trị đã trở thành mảnh đất thiêng. Để rồi, vào dịp tháng 7 hằng năm, dòng người lại nườm nượp đổ về tri ân các anh hùng, liệt sỹ.

Thắp nén tâm nhang tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ

Tháng 7, tháng của sự tri ân người có công với cách mạng, là quãng thời gian mà người dân cả nước thể hiện lòng biết ơn tới những người con đất Việt đã dâng hiến tuổi thanh xuân, không quản hiểm nguy, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. 

Những ngày qua, trên khắp các con đường đổ về Thành cổ Quảng Trị luôn tấp nập các đoàn khách. Mọi người đến đây để ôn lại truyền thống hào hùng của quân và dân ta trong 81 ngày đêm (năm 1972) kiên cường bám trụ, đánh đuổi kẻ thù. 

Mảnh đất chưa đầy 2km² này trong 81 ngày đêm “mùa hè đỏ lửa” năm đó đã phải hứng chịu hàng trăm ngàn tấn bom đạn. Bom đạn đã xóa sạch tất cả, khiến nơi đây trở thành nấm mồ chung của biết bao anh hùng, liệt sỹ.

Cơn gió Lào hầm hập đã đổi hướng. Tiết trời hôm nay, như chiều lòng du khách về với Quảng Trị. Không khí mát mẻ hơn so với những ngày cuối tháng 6. Thành cổ Quảng Trị trầm mặc nằm bên dòng sông Thạch Hãn hiền hòa. Đại diện các đoàn khách xếp hàng dài, chờ đến lượt đăng ký vào thăm, viếng Thành cổ. 

Khách đến thăm, viếng Thành cổ Quảng Trị nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Anh Lê Ngọc Dũng, nhân viên Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị tất bật với công việc hướng dẫn viên. Dừng chân tại “Đài tưởng niệm trung tâm” – biểu tượng ngôi mộ tập thể của các anh hùng, liệt sỹ, anh Lê Ngọc Dũng chậm rãi ôn lại ký ức hào hùng cũng như những đau thương mất mát một thời của quân và dân ta. 

Chúng tôi thấy trên đôi mắt của các bác, các anh, các chị trong đoàn công tác chợt ngấn lệ. Ai cũng cảm thấy xót xa xen lẫn sự cảm phục trước sự hy sinh anh dũng của các thế hệ ông, cha đi trước. 

“… Trong 81 ngày đêm năm đó, quân địch đã ném xuống nơi đây hàng vạn tấn bom, đạn. Không gì có thể tồn tại được. Nơi đây đã trở thành một nghĩa trang tập thể…”, nghe đến đây, anh Dũng cũng như các thành viên trong đoàn khách lặng người. 

Thành cổ Quảng Trị đã trở thành quê hương, là nơi nằm lại của cả những người có tên và những người chưa biết tên. Nhiều người đến giờ vẫn còn nằm sâu trong lòng đất. Mặt trời dần tròn trên đỉnh đầu, dòng người đến với Thành cổ Quảng Trị mỗi lúc một đông. Mọi người đến đây để thành kính dâng nén tâm nhang tưởng nhớ đồng đội, tưởng nhớ tấm gương, sự hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ. 

Hòa lẫn trong dòng người đến Thành cổ hôm nay còn có đoàn cựu binh chiến trường Bình – Trị Thiên năm xưa đến từ huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Năm nay đã ngoài 70 tuổi và nhiều lần trở về chiến trường xưa, song lần này cùng đồng đội về với Thành cổ Quảng Trị, bác Nguyễn Xuân Bùi (ở xã Trung Ý, huyện Nông Cống), thương binh ¾, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, lại dội về những cảm xúc khó tả. 

Bác Mùi bảo, được sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, đoàn cựu binh của bác đã trở lại Quảng Trị vào những ngày tháng 7 này. Cũng như các thành viên trong đoàn, bác về đây để thắp nén nhang tưởng nhớ tới đồng đội khi xưa đã một thời sát cánh cùng mình đánh giặc.

Ở Thành cổ Quảng Trị có những ngày, có đến cả trăm đoàn với hàng vạn lượt khách đến thăm, viếng. Họ là những người thân, đồng đội, là các cơ quan, tổ chức đoàn thể, nhà trường… tất cả về đây để nghiêng mình, kính cẩn thắp nén tâm nhang để tưởng nhớ một thời hào hùng của quân và dân ta.

Còn mãi khúc ca hùng tráng

Có lẽ không nơi đâu trên dải đất chữ S nước ta có nhiều nghĩa trang và phần mộ liệt sỹ như mảnh đất anh hùng Quảng Trị. 72 nghĩa trang với hàng vạn mộ phần các anh hùng, liệt sỹ đã trở thành chứng tích lịch sử oai hùng, kiên cường chống giặc ngoại xâm không bao giờ phai. 

Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên một khu đồi nằm gần trục đường Hồ Chí Minh, thuộc huyện Gio Linh. Con đường dẫn vào nghĩa trang trong những ngày này, đâu đâu cũng thấy các đoàn khách, người thân các anh hùng, liệt sỹ. 

Cả vạn mộ phần trong nghĩa trang được chia làm các khu riêng biệt. Các anh hùng, liệt sỹ đến từ Hà Nội một khu, đến từ Yên Bái, Tuyên Quang một khu v.v… Các anh – những anh hùng, liệt sỹ ở cùng quê hương được tụ về cùng nhau. Mùi trầm hương ngan ngát cả một vùng. 

Chúng tôi không khỏi bồi hồi trước hình ảnh các mộ phần tọa lạc khắp quả đồi nơi đây. Một số em nhỏ người địa phương tranh thủ mấy ngày nghỉ hè ra đây phụ giúp các đoàn khách châm hương, đốt vàng mã. Dẫu không nói ra, song trên những đôi mắt thơ ngây ấy ánh lên sự cảm phục, mong muốn làm điều gì đó trước tấm gương hy sinh của các thế hệ ông, cha đi trước.

Cả nước trong những ngày này đang hướng tất cả tấm lòng, nghĩa cử về mảnh đất Quảng Trị - nơi có bao người con đất Việt đang yên nghỉ ở đây khi mười tám, đôi mươi. Bình quân, mỗi ngày có từ 20-50 đoàn khách đến với các điểm di tích, nghĩa trang trên địa bàn. 

Mọi người đến với các điểm di tích, nghĩa trang - chứng tích sống một thời hoa lửa để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, để hành hương về nguồn cội, về với ký ức. Để rồi những ngày này, trở thành ngày lễ thiêng liêng. 

Mang trong mình tâm trạng bồi hồi, bác Nguyễn Hồng Phúc, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 304, Quân khu 4 cùng đi với đoàn cựu binh của huyện Nga Sơn, Thanh Hóa khi đến Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 xúc động cho biết: “Ngày ấy, mình tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (năm 1971). Trong chiến dịch năm đó, đã có nhiều đồng đội của mình ngã xuống và được an táng ở đây. Để tỏ lòng tri ân, hôm nay mình cùng các cựu binh về đây thắp nén nhang, châm điếu thuốc cho đồng đội đã bị bom đạn vùi trong đất…”, bác Phúc ngước đôi mắt về phía xa rồi chia sẻ. 

Cũng theo bác Phúc, trong chuyến đi về với mảnh đất anh hùng Quảng Trị lần này, ngoài Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9, đoàn của bác còn đến thăm, viếng Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị cùng một số điểm di tích lịch sử khác trên địa bàn. Toàn bộ chi phí, phương tiện đi lại trong chuyến đi này, các bác cựu binh được chính quyền địa phương hỗ trợ.

Vâng! Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những tàn tích, dư âm về cuộc chiến vẫn còn đó trên mảnh đất anh hùng Quảng Trị. Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9, dòng sông Thạch Hãn… những địa danh, chứng tích ấy đã trở thành tượng đài lịch sử, là khúc tráng ca bất tử còn mãi với thời gian.

Trần Huy
.
.
.