Tháng 7 trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng

Thứ Tư, 12/07/2017, 08:08
Những ngày đầu tháng 7, trở về nơi “chảo” bom một thời, được tiếp xúc, trò chuyện với các cô, các bác – những cựu nữ thanh niên xung phong tỉnh Quảng Trị anh hùng, chúng tôi không khỏi xúc động...

LTS: Có một mảnh đất diện tích tuy không lớn, số dân không nhiều, nhưng nơi đây có tới 72 nghĩa trang với hàng vạn mộ phần các anh hùng, liệt sỹ luôn nghi ngút khói nhang. 

Và có một mảnh đất mà dịp tháng 7 hằng năm, muôn triệu con tim cả nước luôn hướng về. Mảnh đất thiêng với những thử thách nghiệt ngã và oai hùng ấy chính là Quảng Trị. Tháng 7, tháng của sự tri ân, đặt chân lên nơi đây sẽ thấu hiểu được những giá trị mà các anh hùng liệt sỹ một thời đã tạo nên.

Bài 1: Gặp lại các nữ thanh niên xung phong anh hùng

Trong cuộc kháng chiến vệ quốc năm xưa, mảnh đất thiêng Quảng Trị đã trở thành quê hương của biết bao anh hùng liệt sỹ. Những ngày đầu tháng 7, trở về nơi “chảo” bom một thời, được tiếp xúc, trò chuyện với các cô, các bác – những cựu nữ thanh niên xung phong tỉnh Quảng Trị anh hùng, chúng tôi không khỏi xúc động.

Kiên cường trong cuộc chiến

Với chúng tôi, những người hậu sinh, khi đặt chân lên mảnh đất anh hùng Quảng Trị cảm nhận rõ công lao vô bờ bến của các anh hùng liệt sỹ, thanh niên xung phong một thời. Trong đó, có các nữ thanh niên xung phong tỉnh Quảng Trị. Chiến tranh đã cướp đi hoài bão, tuổi thanh xuân của các cô, các chị. Chiến tranh kết thúc, có người được trở về quê hương, song cũng có những người mãi nằm với đất mẹ. 

Trụ sở Hội Thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh Quảng Trị nằm nép mình bên con phố Hai Bà Trưng (Đông Hà). Cô Đỗ Thị Bích, cựu TNXP tỉnh Quảng Trị nhà ở phường 1, TP Đông Hà năm nay đã 61 tuổi, song dường cái tuổi chưa đuổi được sức trẻ của cô.

Đoàn công tác Báo CAND và Công ty TNHH Phát triển du lịch quốc tế Phượng Hoàng trao quà tới các trường hợp cựu nữ TNXP tỉnh Quảng Trị có hoàn cảnh khó khăn.

Với cô Bích, ký ức về những tháng ngày bom lửa, cùng quân và dân Quảng Trị xẻ dọc rừng Trường Sơn cứu nước vẫn còn vẹn nguyên. Sinh ra trong một gia đình có 6 chị em. Là chị cả, nên mọi toan lo trong gia đình đều đặt lên đôi vai cô. Năm 1973, bước sang tuổi 17 - lứa tuổi thật đẹp và rực sắc xuân đối với người phụ nữ, cô gái trẻ Đỗ Thị Bích bắt đầu giác ngộ lý tưởng. 

“Hôm ấy, thấy mọi người trong xóm hò nhau đi khám tuyển bộ đội tham gia đánh giặc, tớ đã giấu gia đình, lén cùng nhóm bạn trong xóm đi đăng ký. Mỗi lần nhớ lại ngày hôm đó, mình lại thấy lâng lâng niềm vui nhà báo ạ!”, cô Bích tâm sự.

Ngày đó, do chưa đủ 18 tuổi và cân nặng chưa được 36kg nên bộ phận khám, tuyển nghĩa vụ quân sự đã “đánh trượt” Bích. Với mong muốn ra chiến trường cho kỳ được, cô gái trẻ nằng nặc đòi các anh, các chú cho tham gia vào lực lượng TNXP. 

Trước sự nhiệt huyết của cô gái, mọi người đã đồng ý cho Bích tham gia Hội TNXP mặt trận Nam Lào. Nhiệm vụ của Bích trong những ngày tham gia mặt trận Nam Lào là cùng đồng đội hỗ trợ lực lượng công binh “xẻ núi, bạt rừng”, mở đường từ huyện Mường Phìn, tỉnh Savănnakhẹt (Lào) về dãy Trường Sơn, giúp bộ đội đánh giặc.

Bom đạn không chừa một ai, không chừa một không gian địa lý nào. Trong trận mở đường một ngày cuối tháng 9-1974, đơn vị cô bị quân địch tập kích. Trong trận chiến không cân sức ấy, nhiều đồng đội của cô nằm lại với đất mẹ. Và cô bị trọng thương ở hai chân (sau xác định tỷ lệ thương tật 31%). Khi vết thương lành, cô gái trẻ có đôi mắt sáng ấy lại tiếp tục lên tuyến đầu với nhiệm vụ mở đường, tải đạn, chi viện lương thực cho bộ đội Trường Sơn đánh địch. 

Năm 1975, khi đất nước thống nhất, trở về quê nhà, người con gái trẻ xung phong chi viện cho chiến trường năm nào lại bắt tay vào công tác phong trào đoàn thể, xây dựng đời sống văn hóa – tinh thần ở địa phương. Chiến tranh đã khiến người con gái đầu của cô bị thần kinh phân liệt. Khó khăn, vất vả một lần nữa đè nặng lên đôi vai cô. Nhưng không vì thế mà cô chùn bước.

Vững vàng vượt khó khăn

Quảng Trị vào những năm 70 thế kỷ trước, quân địch không ngừng ném bom, bắn phá. Bởi thế, nhiệm vụ chi viện, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến đánh giặc của các TNXP, trong đó có nữ TNXP tỉnh Quảng Trị luôn cấp bách. 

Với tinh thần “tim có thể ngừng đập, nhưng không để tiền tuyến bị cắt đứt liên lạc, sự chi viện”, các nữ TNXP luôn vượt khó, cùng quân và dân ta làm nên chiến thắng vĩ đại năm 1975. 

Cô Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Chủ tịch Chi hội cựu TNXP huyện Gio Linh (Quảng Trị) - cựu nữ TNXP mặt trận Tây Trường Sơn tuy bị nhiễm chất độc da cam trong những lần “nếm mật, nằm gai” ở mặt trận Tây Trường Sơn 1971-1975, thế nhưng, với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, khi trở về quê hương, cô luôn đau đáu làm sao để giúp đỡ các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn, xóa đói, giảm nghèo. 

Chẳng thế mà, thời gian qua, nhiều tổ chức, nhà hảo tâm thông qua cô, qua Chi hội cựu TNXP huyện Gio Linh để đến với những mảnh đời đáng thương. Chi hội của cô cũng đã trực tiếp đỡ đầu hộ gia đình bà Lê Thị Liễu, 77 tuổi, ở xã Gio Châu (Gio Linh) là dân quân du kích, cựu TNXP mặt trận Trường Sơn bị nhiễm chất độc da cam, neo đơn.

Cô Minh vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cô là người con thứ 4 trong một gia đình có 5 anh chị em ở huyện Gio Linh. Người anh thứ 2 của cô trong một trận đánh ở Phan Thiết (Bình Thuận) vào năm 1967 đã anh dũng hy sinh. 

Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc cũng như phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, năm 1971, cô gái trẻ Nguyễn Thị Hồng Minh tuy mới 19 tuổi đã chủ động viết đơn xung phong lên đường cùng bộ đội đánh giặc. 

“Tới đây, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sỹ, Chi hội sẽ tổ chức dâng hương, thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sỹ, cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, với mong muốn sẻ chia khó khăn với các gia đình”, cô Minh tiếp lời.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Hồng Loan, Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Quảng Trị cho hay, hiện toàn tỉnh có 2.613 nữ cựu TNXP/4.626 hội viên, trong đó có hàng trăm trường hợp cựu nữ TNXP quả cảm một thời hiện neo đơn, sống cuộc sống khó khăn.

Trước những khó khăn trên, thời gian qua, với sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành, các cấp, đặc biệt là các đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm, nhiều phần quà đã được chuyển tận tay tới các gia đình cựu TNXP. 

Chỉ tính riêng năm 2016, số tiền và hiện vật ủng hộ các gia đình cựu TNXP là hơn 1,3 tỷ đồng. Những phần quà “nghĩa tình đồng đội” trên đã góp phần tiếp thêm nghị lực tinh thần cho các cựu TNXP, nhất là các cựu nữ TNXP có hoản cảnh khó khăn, nhân rộng phong trào vươn khó, giúp nhau làm kinh tế giỏi, bền vững, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội ở địa phương.

Trong chuyến đi thiện nguyện nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ tại tỉnh Quảng Trị đầu tháng 7 vừa qua, đoàn công tác của Báo CAND và Công ty TNHH Phát triển du lịch quốc tế Phượng Hoàng cũng đã trao 11 phần quà, mỗi phần trị giá 1 triệu đồng tới các gia đình cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn động viên, chia sẻ kịp thời tới gia đình các cựu TNXP.

Trần Huy
.
.
.