Những dấu chân nặng tình đưa các anh về đất Mẹ

Chuyện chưa kể về những "mách bảo" của liệt sĩ trên đất nước Triệu Voi

Thứ Sáu, 21/07/2017, 14:49

Hơn 40 năm trước, quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam đã sát cánh cùng nhân dân Lào, đấu tranh chống lại kẻ thù chung. Đến nay, có thể còn hàng ngàn liệt sĩ vẫn đang nằm lại trên đất bạn Lào, công việc tìm kiếm của các Đội quy tập hài cốt liệt sĩ Quân khu 4 đã và đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ, thường trực những rủi ro, hiểm nguy trong những cánh rừng sâu thăm thẳm...

Bài 1: Cuộc hành trình tìm trong ký ức

Đi gần cả ngày đường, chúng tôi về tận vùng đất chảo lửa Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị để gặp “người hùng bản địa” - Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Hữu Lưu, một "thổ dân" của nhân dân các bộ tộc Lào anh em. 

Hơn 15 năm gắn bó với công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, anh từng trực tiếp ăn rừng, ngủ bụi với anh em trên đất nước bạn Lào. Với anh Lưu, nguồn tin từ trong lòng dân là quan trọng nhất, nhằm dẫn đường cho những bước đi tìm kiếm đồng đội. Nguồn tin từ trong nhân dân cũng là nguồn tin chính xác nhất, mà anh và những người đi tìm đồng đội hằng mong muốn, chờ đợi. Có hàng chục, hàng trăm câu chuyện cảm động từ việc nhân dân các bộ tộc Lào cung cấp thông tin chính xác cho các đội quy tập của ta.

Cán bộ Đội quy tập hài cốt liệt sĩ Quân khu 4 kiểm tra một kỷ vật khi cất bốc hài cốt liệt sĩ trên đất Lào

Trên gương mặt rám nắng, chai sạn từ gió Lào, đẫm sương đêm từ những tán rừng, anh kể lại ký ức một thời gian dài băng rừng lội suối đi tìm đồng đội. Đó là những câu chuyện trắng đêm học tiếng của anh em, chuyện làm tốt công tác dân vận, được dân mến, dân yêu, dựa vào lòng dân mà khai thác nguồn tin... 

Trong đó anh nhớ mãi câu chuyện ở ngôi làng Xa-ki-phin, huyện Xê-pôn, tỉnh Xa-vẳn-na-khệt năm 2005. Theo nguồn tin của người dân trong khu vực hang đá có tới 24 liệt sĩ, từng có bia bảng rõ ràng. Đội quy tập đã mất tới 4 lần đào mà không có kết quả. May mắn một hôm có người cho biết trong làng có ông Bun-mi, là người biết các phần mộ của bộ đội Việt Nam hy sinh. 

Theo nguồn tin này, đội quy tập đã nhanh chóng tìm đến nhà ông Bun-mi để đặt vấn đề giúp đỡ. Ông Bun-mi ngày ấy đã 78 tuổi, sức khỏe rất kém, nhưng rất nhiệt tình giúp anh em trong đội. Trong lúc Bun-mi cung cấp thông tin, anh Lưu không quên kiểm tra lại trí nhớ của ông lão để xem thực hư thế nào. 

Anh Lưu hỏi: “Vì sao bố biết có 24 ngôi mộ trong hang động? Ông Bun-mi khẳng định: “Mình nhớ chứ, mình còn nhớ rất rõ: Hôm ấy mình đưa vợ vào hang để ẩn náu và nhờ bộ đội cứu chữa cho vợ, nhưng sau 7 ngày thì vợ mình bị nhiễm trùng không thể qua khỏi, mình đã chôn vợ mình ở vị trí thứ 25 cùng khu vực và cùng dãy với mộ bộ đội Việt Nam...".

Anh Lưu và anh em trong đội nghe mà lạnh buốt xương sống rồi hạ quyết tâm, bằng mọi cách phải chăm sóc, động viên ông Bun-mi thật tốt, để ông đủ sức khỏe đi chỉ vị trí mộ cho đội quy tập.

Từ nhà ông đến khu mộ cũng hơn 20 cây số đường rừng! Vậy mà chẳng may đến ngày lên đường sức khỏe của ông như yếu hơn, anh em trong đội thay nhau cáng Bun-mi đi hơn 3 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Theo sự chỉ dẫn của ông Bun-mi, 24 ngôi mộ giờ chỉ còn một mặt phẳng, nằm dưới những gốc rễ cây chằng chịt, cỏ cây um tùm, hoang lạnh. Anh em trong đội lần lượt phát quang, cùng Bun-mi xác định vị trí các mộ... 

Tìm kiếm cất bốc hài cốt một liệt sĩ trên đất Lào

Rất may, anh em đặt cuốc xẻng đến đâu thì lần lượt 24 hài cốt liệt sĩ hiện lên đến đó, như muốn phù hộ cho những đồng đội đi tìm hài cốt liệt sĩ, họ khỏe hơn, nhanh chóng hơn. Trước những hài cốt liệt sĩ đã hoai mục, Bun-mi nấc nghẹn: “Tôi có lỗi với bộ đội Việt Nam nhiều quá, lẽ ra tôi phải báo với các anh từ lâu, để các anh đưa liệt sĩ tình nguyện Việt Nam về với Đất Mẹ sớm hơn”...

Ngồi bên những người lính trẻ từng băng rừng lội suối trên đất bạn Lào để tìm hài cốt liệt sĩ, chúng tôi được nghe câu chuyện của Trung úy, QNCN Trần Đình Toản về người mũi trưởng Vi Văn Cường như có một kênh kết nối siêu hình nào đó. 

Được nguồn tin của nhân dân cho biết, ở bản Nậm Ngặt, huyện Mường Mộc, tỉnh Xiêng Khoảng có hài cốt liệt sĩ, anh em đã đào hết một buổi sáng không có kết quả. Trước lúc ra về anh em ngồi nghỉ chân thì mũi trưởng Vi Văn Cường cứ bần thần đi qua đi lại, bất chợt anh tìm được miếng tôn, rồi đào sâu thêm thấy cả tăng, cả võng rồi hài cốt liệt sĩ... 

Niềm vui trong trái tim các anh như muốn vỡ òa vì ngay tại vị trí đó đã tìm được 14 hài cốt liệt sĩ còn nguyên vẹn, đầy đủ tên tuổi. Với anh Toản, đây là nguồn tin quý báu và may mắn nhất trong hành trình gần 7 năm trời đi tìm đồng đội.

Những “mách bảo” của đồng đội

Câu chuyện qua dòng Sê Pôn của những người lính quy tập hài cốt liệt sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị nghe đầy yếu tố tâm linh! Hôm ấy trời đã chập choạng tối, xe các anh qua sông Sê Pôn thì bánh trước xe ô tô mắc kẹt lại, xe không thể chuyển bánh. Các anh lội xuống thì chỉ thấy một gờ đất thấp, vậy mà làm thế nào xe cũng không thể qua được. Lái xe xuống lòng suối vật lộn một hồi lâu không có kết quả, liền báo với anh Lưu, xe không thể qua sông, đề nghị chỉ huy tổ chức cứu kéo. 

Một kỷ vật của liệt sĩ

Đại tá Lưu nhanh chóng cho em trong đội mang cuốc xẻng xuống để hạ thấp gờ đất cho xe qua. Anh em vừa xúc nhát đất đầu tiên thì thấy những sợi tăng ni-lông tua tủa dưới dòng nước, liền lúc đó có người hô lên: “Có tăng bộ đội!”. Các anh liền lặn xuống lần tìm thì hóa ra một bộ hài cốt đang nằm dưới lòng sông. Anh em trong đội nhanh chóng lặn sâu xuống dòng nước đưa hài cốt liệt sĩ lên bờ. Vừa cất bốc xong, cũng là lúc trời bắt đầu tối, những người lính quy tập mộ thắp hương, báo cáo với liệt sĩ để đưa anh về, thì lúc này xe cũng dễ dàng lăn bánh mà không hề hỏng hóc, hay hư hại nhẹ...

Có người từng ví von lực lượng đi tìm hài cốt liệt sĩ là lực lượng “đi mò kim đáy bể!”. Nhưng có gian khổ, cực nhọc đến đâu, các anh vẫn luôn miệt mài đi tìm hài cốt đồng đội, bởi nặng lòng với những người đã ngã xuống vì nhiệm vụ quốc tế thiêng liêng. Câu chuyện cách đây 17 năm ở bản Năng Le, huyện Sê Pôn, tỉnh Xa-vẳn-na-khệt luôn in đậm trong tâm trí những người lính Đội quy tập 584, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị. 

Hôm ấy đoàn đi có 7 người, vừa vượt qua sông Sê-pôn, đoàn dừng nghỉ chân ở dưới tán cây rừng. Đoàn vừa nằm nghỉ được một lúc, thời gian chưa đủ để ai đó say giấc, vậy mà anh Bun-khốt, ở bản Năng Le - người dẫn đoàn, nằm ở dưới gốc cây sung, quay sang nói với anh Lưu: “Này anh Lưu, dưới gốc cây tôi nằm có bộ đội đấy, anh ấy bảo: “Sao các anh đi tìm liệt sĩ mà không đưa tôi về với?”. Bun-khốt nói bằng tiếng Lào nhưng cả đội ai cũng hiểu, Đại tá Lưu còn nói lớn: “Địa hình thế này thì làm sao mà chôn liệt sĩ, chắc anh nằm mơ đấy hả? “Không, không tôi nghe thấy các liệt sĩ cầu xin đưa anh về thật mà!”. 

Vì kế hoạch đường còn dài, Đại tá Lưu chủ quan: “Các anh khỏe thì cứ đào thử xem, tôi không tin điều đó!”. Tin vào điều mình vừa nghe thấy, Bun-Khốt đặt những nhát cuốc đầu tiên, rồi mọi người bỏ cả nghỉ trưa cùng chung tay cuốc xới. Chỉ thoáng chốc có ai đó thốt lên: “Trời đất, thắp hương mà báo cáo với các anh đi, liệt sĩ nằm ở đây...”. Ngay dưới gốc cây sung to Bun-Khốt nằm là một bộ hài cốt liệt sĩ còn nguyên vẹn tăng bạt. 

Đồng đội ở Đội quy tập Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, thắp hương tưởng niệm một liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam mới được quy tập trên đất nước Triệu Voi.

Theo Đại tá Trần Hữu Lưu, từ ngày nhận nhiệm vụ gần như không có sơ đồ nào về thông tin các phần mộ được bàn giao, mà chỉ dựa vào nguồn tin từ nhân dân, cựu chiến binh Việt Nam và Lào. Vì thế, đội đã tập trung làm công tác dân vận thật tốt để dựa vào nhân dân, để tranh thủ khai thác thông tin từ bà con nhân dân. Không chỉ những bô lão, người đi làm rẫy, người đào bới phế liệu... mà tất cả lòng dân phải đồng thuận, để cưu mang giúp đỡ anh em trong đội. 

Với các anh, chuyện nhường gạo muối, quần áo, thuốc chữa bệnh cho bà con là chuyện cần quan tâm nhất của mỗi người lính đi quy tập. Đã có hàng chục tấn gạo, muối; hàng ngàn bệnh nhân sốt rét của đồng bào Lào được các anh chăm sóc cứu chữa; nhiều ngôi nhà, các trường học được sữa chữa, xây mới. 

Có dân vận tốt, cũng làm cho bà con hiểu thêm về sự hy sinh của bộ đội tình nguyện Việt Nam năm xưa, sự vất vả của bộ đội quy tập liệt sĩ hôm nay đã làm cho bà con nhân dân nước bạn cảm động, yêu mến, đền đáp. Và những người lính làm nhiệm vụ hôm nay luôn được nhân dân các bộ tộc Lào cưu mang, đồng hành, cùng tri ân đền đáp công lao to lớn của Quân tình nguyện Việt Nam năm xưa.

(Còn nữa...)

Hồng Vân - Văn Hạnh
.
.
.