Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 20 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1944 - 22/12/2009)

15 năm lặng lẽ cuộc tri ân

Thứ Ba, 15/12/2009, 14:59

Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, hai dân tộc Việt - Lào đã cùng chung một vận mệnh sát cánh bên nhau. Nhiều cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam đã ngã xuống trên mảnh đất Triệu Voi.

Hơn 15 năm triển khai chương trình tìm kiếm, cất bốc, nhiều hài cốt liệt sĩ đã được về yên nghỉ nơi đất mẹ thân yêu. Đóng góp vào sứ mệnh thiêng liêng, công việc tri ân cao cả đó, có các chiến sĩ của Đội quy tập liệt sĩ Quân khu II (QTLSQK II)…

Hơn 2.000 hài cốt liệt sĩ được về với đất mẹ

Đội QTLSQK II thành lập tháng 8/1994, biên chế 30 cán bộ, chiến sĩ, với nhiệm vụ chính là tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại chiến trường Bắc Lào, bao gồm 6 tỉnh: Phong Sa Lỳ, U Đom Xay, Xay Nhạ Bu Ly, Luông Pha Băng, Luông Nậm Thà và Bo Kẹo. Những năm chiến tranh, đây là chiến trường ác liệt, hàng vạn chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã kề vai sát cánh cùng quân dân các bộ tộc Lào chiến đấu, trong số đó có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh. Hàng năm, cứ sau Tết Nguyên đán, Trung tá Lê Văn Tân - Đội trưởng lại cùng anh em trong Đội QTLSQK II lên đường. Công việc tìm kiếm, xác định địa điểm an táng liệt sĩ kéo dài cả năm, nhưng mùa khô mới tiến hành khai quật, cất bốc.

Lễ truy điệu và an táng liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại nghĩa trang Độc Lập (Điện Biên).

Để xác định được điểm an táng, cán bộ, chiến sĩ của Đội phải trèo đèo lội suối cả tháng trời; giữa đại ngàn nước bạn, các anh cứ theo bản đồ, cắt góc phương vị mà đi với bao nguy hiểm rình rập, đối mặt với thú dữ, rắn rết, thổ phỉ, đói rét, bệnh tật. Ăn uống kham khổ do sinh hoạt chủ yếu trong rừng, xa khu dân cư, gạo gùi theo, còn thực phẩm kiếm tại chỗ được gì ăn nấy. Sốt rét thì ai giỏi lắm cũng chỉ kháng bệnh được 3 tháng. Y sĩ Trần Văn Trung, chàng trai quê Phú Thọ kể: "Có chuyến hạ lán trại giữa rừng, cả đội bị sốt rét quật cho tơi tả. Nhưng cứ nghĩ đến những người anh, người bác, người ông mình vẫn nằm cô quạnh giữa rừng sâu núi thẳm, chúng tôi lại như có thêm nghị lực, động viên nhau tiếp tục công việc".

Trung tá Tân nhớ có lần được nhân dân bản Nà Nhẹ, huyện Nậm Bạc (Luông Pha Băng) thông báo có điểm an táng liệt sĩ, các anh đã tổ chức tìm kiếm ròng rã hơn một tháng trời, đào bới khối lượng đất đá khổng lồ trong diện tích khoảng 500m2. Nỗi vất vả đó được bù đắp khi các anh tìm được 10 bộ hài cốt liệt sĩ; đó là ngôi mộ tập thể của Bộ đội tình nguyện khi tấn công một đồn Pháp ven sông Nậm Bạc đầu năm 1952.

Đại úy Nguyễn Cảnh Thanh, cán bộ Đội QTLSQK II xúc động kể lại, không ít lần khai quật, các anh gặp di hài liệt sĩ chưa phân hủy, mà dân gian gọi là mộ kết. Nếu gần địa điểm dân cư, anh em đành đắp lại mộ, đánh dấu điểm an táng để năm sau quay lại, nhưng nếu quá xa, các anh đành phải đưa liệt sĩ đi hỏa táng. Lại có trường hợp do an táng lâu, xương cốt đã mủn hết, chỉ còn lại những di vật, như: Giầy, dép cao su, bình tông, bát sắt, xẻng, cuốc, bao tiếp đạn… thể hiện đúng là hài cốt quân tình nguyện. Mỗi khi gặp những trường hợp như thế, anh em trong đội đều cố gắng vét bằng hết lớp đất đen mà di cốt liệt sĩ đã hóa.

Tìm kiếm, cất bốc vất vả bao nhiêu thì đưa hài cốt an toàn về với Tổ quốc cũng gian nan bấy nhiêu; ba lô gùi hài cốt trên vai, các anh hành quân bộ nhiều ngày đường về vị trí tập kết. Trung tá Đồng Quang Thông, trong lần vượt sông Nậm U, anh bị lũ cuốn đi gần 1 cây số, nhưng quyết không buông ba lô đựng hai bộ hài cốt liệt sĩ. Có lẽ nhờ vong linh liệt sĩ phù hộ, nên sau khi uống no một bụng nước anh thoát chết do mắc vào chạc cây. Mười lăm năm làm nhiệm vụ ở những nơi xa xôi, khó khăn nhất của 6 tỉnh Bắc Lào, bước chân cán bộ, chiến sĩ Đội QTLSQK II đã đi qua hàng chục ngàn kilômét, để tìm kiếm, cất bốc, đưa hơn 2.000 hài cốt liệt sĩ về với đất mẹ thân yêu…

Thắm đượm nghĩa tình người dân các bộ tộc Lào

Trung tá Lê Văn Tân tâm sự: Người dân các bản vùng cao nước bạn hầu hết đều nghèo, nhưng khi các đội công tác đi qua, bà con không tiếc bất cứ thứ gì; làm nhiệm vụ bên nước bạn mà các anh có cảm tưởng như về với đồng bào mình. Tình cảm các mẹ, các chị không khác gì tấm lòng của các êm, các mế ở một bản làng nào đó của Lai Châu hay Sơn La.

Đi đến đâu, đội quy tập cũng gặp những tình cảm chân tình của nhân dân các bộ tộc Lào với bao câu chuyện xúc động về tình cảm của người dân Lào với Bộ đội Việt Nam. Gia đình anh Sổm Chăn ở Nậm Bạc, Luông Pha Băng, gần nửa thế kỷ ba thế hệ tiếp nối nhau chăm sóc phần mộ một Bộ đội Việt Nam chiến đấu, bị thương, sau đó hy sinh tại bản. Có trường hợp như ở bản Nà Nhẹ, huyện Nậm Bạc (Luông Pha Băng), được nhân dân cung cấp tin và đánh dấu điểm an táng liệt sĩ. Nhưng mùa khô khi đội công tác có thể trở lại, điểm an táng đã biến thành một dòng suối cạn lổn nhổn đá hộc. Dù thiên tai bất thường, nhưng dân bản vẫn cảm thấy như có lỗi với Bộ đội Việt Nam; bà con huy động cả trăm người ra đào bới, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Công việc chỉ dừng lại khi phát hiện bên khe cạn cách đó vài trăm mét, có tấm tăng vốn dùng để khâm liệm liệt sĩ…

Tôi mở cuốn sổ nhật trình úa vàng, sờn góc của Đội công tác. Đây là một trong những cuốn sổ nằm trong ba lô của Trung tá Lê Văn Tân hơn 15 năm, với hàng trăm chuyến công tác sang các tỉnh Bắc Lào. Trong cuốn sổ ấy, tôi đọc được dòng chữ Việt nắn nót của Thiếu tá Tu Xùng - một sĩ quan An ninh tỉnh Luông Pha Băng: "Bộ đội Việt Nam đã chiến đấu và hy sinh để giúp nước Lào phồn vinh. Thế hệ chúng tôi phải làm tất cả để xứng đáng với sự hy sinh đó; làm tất cả để tình hữu nghị đặc biệt thủy chung của hai dân tộc chúng ta mãi mãi trường tồn như dãy Trường Sơn hùng vĩ"…

Vũ Mạnh Hà
.
.
.