Từ bức thư báo tin mộ liệt sĩ đến cuộc gặp gỡ sau gần 40 năm của những người chưa từng quen biết

Chủ Nhật, 15/12/2013, 11:42
Biết tôi là người viết báo, M.T. (tên đã được viết tắt theo yêu cầu của nhân vật) tỏ rõ sự dè dặt. Trong suốt các cuộc tiếp xúc, anh “cấm” tôi không được chụp ảnh; không được nêu tên thật của anh lên mặt báo,… chỉ vì một lý do: “Sợ người ta nghĩ khác về mình”. Từ nước Đức xa xôi, anh đã lặn lội về tận tỉnh Hà Nam chỉ để thực hiện một việc làm, đó là tận tay thắp nén hương thơm cho linh hồn người liệt sĩ mà cách đây 38 năm, anh đã tình cờ phát hiện được và báo cho thân nhân gia đình!

Sau khi tôi chấp nhận những “điều kiện” mà M.T. đưa ra, anh mới bắt đầu hé lộ câu chuyện mà anh cho là nguồn cơn từ một con Kỳ Nhông. Năm 1976, sau khi thống nhất đất nước, anh và gia đình từ Phú Thọ quay trở về sinh sống tại Đà Nẵng. Mùa hè đến, cậu bé M.T. (lúc đó mới 12 tuổi), lại từ Đà Nẵng về nghỉ hè tại nhà người thân của mình ở xã Quế Châu, huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam). Trong một buổi chiều chơi đùa cùng lũ bạn, M.T. quyết đuổi bắt một con Kỳ Nhông to và rất đẹp cho bằng được. Con Kỳ Nhông ấy thoắt chạy, băng qua rẫy sắn và chui vào một gò đất nổi phía trong những bụi tre rậm rạp – nơi rất ít người qua lại. M.T. tinh nghịch, bẻ một cành tre và cúi sát xuống đất, hí hoáy chọc vào lỗ hòng bắt được con vật làm mình thích thú. Và cũng trong cái khoảnh khắc diệu kỳ ấy, M.T. ngước mắt lên rồi nhìn thấy một miếng tôn nhỏ, cũ kỹ, được treo trên một chiếc cọc tre. Tò mò, M.T bước đến gần hơn và đọc được những dòng chữ viết vội bằng màu sơn đỏ với thông tin: “L.sĩ Trần Trung Tùy. Quê quán: xã Nhân Hòa – huyện Lý Nhân – tỉnh Hà Nam Ninh”.

Trước những dòng chữ ấy, cậu bé vốn vô tư, hiếu động như M.T cũng chợt trầm tư, ngẫm ngợi một điều gì đó chưa thật rõ ràng. Suốt đêm hôm ấy, M.T. về nhà, nằm ngủ mà cứ phút chốc lại giật mình thon thót. Và đến sáng sớm hôm sau, M.T. dậy sớm, quyết định viết một lá thư gửi về địa chỉ cho thân nhân gia đình của người liệt sĩ, mà mình vô tình phát hiện ra được. Thế rồi mùa hè cũng hết, M.T. quay trở về Đà Nẵng và tiếp tục học tập. Những năm sau đó, M.T. đi học và làm việc liên tục ở nhiều nơi như Campuchia, Liên Xô, rồi chuyển sang sống ở nước ngoài cho đến tận ngày nay.

Sau hàng chục năm xa quê hương, những bươn trải của cuộc sống đã khiến cho anh M.T. không có điều kiện mà nhớ và thực hiện được hết những tâm nguyện thời thơ ấu của mình. Vào một ngày tháng 11/2013 mới đây, anh chợt nhớ lại câu chuyện về nấm mộ người liệt sĩ năm nào, và thắc mắc tự hỏi, không biết bức thư ngày trước có đến được địa chỉ cần gửi không; và thi hài của người liệt sĩ ấy đã được hồi hương hay chưa? Thế là từ Đức, anh quyết định viết tiếp một bức thư gửi về tỉnh Hà Nam, trong đó, có ghi rõ địa chỉ liên lạc cùng số điện thoại của mình. “Ít ngày sau đó, tôi nhận được ngay một cuộc gọi và tôi quyết định trở về Việt Nam để thăm thân nhân gia đình, thắp cho người Liệt sĩ năm xưa ấy một nén nhang. Có như vậy, tôi mới thỏa được tâm nguyện của mình” – anh M.T. thổ lộ.

Chị Trần Thị Mai Liên, em gái của liệt sĩ Trần Trung Tùy chính là người đầu tiên nhận được bức thư của anh M.T. đã gửi năm nào. Hồi ấy, chị đang làm công việc tạp vụ ở ngoài UBND xã. Khi thư chỉ được gửi về địa chỉ chung là UBND xã Nhân Hòa, cán bộ xã đã mở thư ra xem và lập tức chuyển lại cho chị và gia đình. “Lúc đó, cầm thư trên tay, nước mắt tôi tự nhiên cứ trào ra, hai tay thì run run đọc từng dòng chữ viết còn nguệch ngoạch. Tôi không thể tin nổi, gia đình tôi lại có diễm phúc như vậy” – chị Liên nhớ lại. Ngay sau đó, chị Liên có viết nhiều bức thư gửi lại cho anh M.T. nhưng không thấy có hồi âm (sau này mới biết là những bức thư ấy không đến được tay anh M.T.).

Gia đình chị Liên bên phần mộ của liệt sĩ Trần Trung Tùy tại nghĩa trang xã Nhân Hòa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Theo chị Liên, anh trai của chị - liệt sĩ Trần Trung Tùy, gia đình nhận được giấy báo tử chỉ với những dòng thông tin ít ỏi: hy sinh năm 1972, tại mặt trận phía Nam. Vì vậy, từ ngày ấy, gia đình chị cũng gắng đi hỏi nhiều nơi, nhưng tuyệt nhiên không có thêm bất cứ thông tin gì. Chị Liên tâm sự: “Anh tôi cũng giống như bao nhiêu người khác, hy sinh vì Tổ quốc là một điều hết sức cao cả. Nhưng lúc đó, đất nước thống nhất rồi, thì gia đình chỉ có một ước mơ là đưa anh ấy được về yên nghỉ tại đất mẹ. Có như thế mới an lòng cho được!”.

Ấy vậy nhưng “cái khó bó cái khôn”. Nhận được thông tin từ bức thư của anh M.T, gia đình chị mừng rỡ, hạnh phúc bao nhiêu, thì sau đó lại tủi hổ, nghẹn lòng bấy nhiêu. Bố mẹ chị Liên sinh được 7 người con, liệt sĩ Tùy là con cả trong nhà, dưới là chị Liên (lúc đó chưa có gia đình) và 5 em thơ dại. Mẹ chị mất sớm, còn bố, thì do sức khỏe không tốt, nên việc lao động, làm lụng là hết sức hạn chế. Vì vậy mà hồi ấy, gia đình chị thuộc vào hàng cực kỳ khó khăn. Đến cơm độn sắn cũng không đủ nấu ngày hai bữa cho cả nhà ăn, lấy đâu ra tiền chi phí mà đi vào đón anh trai về. Thế nên, sự dằn vặt đối với chị và cả gia đình chị cứ kéo dài mãi cùng với cái nghèo. Và, phải đến tận năm 2011, đúng 35 năm sau cái ngày nhận được thông tin quý báu kia, bằng sự chung sức, đồng lòng của tất cả anh em ruột thịt, chị Liên mới cùng gia đình mình đưa được hài cốt của liệt sĩ Trần Trung Tùy về với quê hương, đất mẹ.

Hôm anh M.T. về thăm lại gia đình liệt sĩ Tùy, cô bé gái, con của chị Liên đã ra đứng đón sẵn từ lâu ở mãi tít đầu làng. Bước chân xuống xe, anh M.T., chị Liên, anh Lâm, cậu Hải,… – những người chưa từng gặp nhau bao giờ, cứ òa lên mà khóc. Rồi họ ôm chầm lấy nhau, như những người anh em ruột thịt trong một nhà, sau bao nhiêu năm cách trở, biền biệt. Nghe tin anh M.T. về thăm, cụ Xướng (bố của liệt sĩ Tùy, năm nay đã ngoài 90 tuổi), tuy đôi tai đã nghễnh ngãng, đôi chân đã run rẩy, nhưng vẫn cố bấu víu vào người đứa cháu nội để ra tận nơi ôm lấy người ân nhân của gia đình. Trong suốt chiều dài của khoảng lặng ấy, tôi chỉ nghe thấy những tiếng sụt sùi, những cái nắm tay không rời. Và phải đến khi những nén hương thơm đã bớt đượm mùi khói, mọi người mới có thể bình tĩnh mà ngồi ôn lại câu chuyện năm xưa, từ bức thư tình sâu nghĩa nặng ấy.

Mọi người trong gia đình liệt sĩ Trần Trung Tùy, đều gọi anh M.T. bằng các danh xưng như “chú”, “cậu”. Còn người bố già run rẩy, thì gọi anh M.T. bằng “con”

Cảnh Vũ
.
.
.