Dù không tiếp tay cho lâm tặc, lực lượng Biên phòng địa bàn vẫn sẽ bị xử lý

Thứ Ba, 30/08/2016, 12:15
Dù có không tiếp tay, không vi phạm về những hoạt động kinh tế thì trách nhiệm của người chỉ huy, trách nhiệm của người quản lý đơn vị Biên phòng địa bàn để xảy ra vụ phá rừng pơ mu vẫn sẽ bị xử lý...

Sáng 30-8, trao đổi với phóng viên Báo CAND, Đại tá Dương Hoài Nam, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Nam, khẳng định các cơ quan chức năng đã và đang quyết tâm làm sáng tỏ mọi vấn đề liên quan đến vụ phá rừng pơ mu ở khu vực biên giới thuộc xã La Dêê, huyện Nam Giang để trả lời dư luận.

Đại tá Dương Hoài Nam cho rằng sau khi có kết luận điều tra sẽ xem xét xử lý các cán bộ Biên phòng có liên đới vụ phá rừng pơ mu.

Đại tá Dương Hoài Nam cũng cho biết về chức trách, nhiệm vụ thì Cơ quan điều tra cũng đã vào làm việc ngay từ giai đoạn đầu tiên, phối hợp với Cơ quan điều tra hình sự của Bộ Tư lệnh BĐBP.

Bộ Tư lệnh đặc biệt quan tâm đến vụ việc, các đồng chí Phó Tư lệnh không phải 1 mà đã nhiều lần vào thực địa hiện trường vụ phá rừng pơ mu.

Vụ phá rừng pơ mu nằm ở khu vực biên giới nên lực lượng Biên phòng địa bàn sẽ không tránh được trách nhiệm liên đới.

Liên quan đến 3 cán bộ Biên phòng bị tạm đình chỉ công tác là Đồn trưởng, Đồn phó, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nam Giang, Đại tá Dương Hoài Nam nói rằng quyết định đình chỉ là của Bộ Tư lệnh để tạo điều kiện cho công tác điều tra và triển khai quản lý công việc của đơn vị.

3 cán bộ Biên phòng đó là thành phần có trách nhiệm thì tạm thời dừng công tác chỉ huy để bố trí người khác thực hiện công việc của đơn vị. “Việc kỷ luật thì đến giờ phút này chưa có hình thức rõ ràng. Bởi vì đã có kết luận đâu mà kỷ luật. Bao giờ có kết luận trắng - đen rõ ràng thì hình thức kỷ luật sẽ tương xứng”, Đại tá Dương Hoài Nam khẳng định.

Theo Đại tá Nam, dù có không tiếp tay, không vi phạm về những hoạt động kinh tế thì trách nhiệm của người chỉ huy, trách nhiệm của người quản lý đơn vị, tổ chức triển khai mà không kịp thời nắm bắt tình hình, không kịp thời phát hiện để xảy ra vụ phá rừng pơ mu ngay trong khu vực quản lý thì lực lượng Biên phòng địa bàn đương nhiên phải liên đới trách nhiệm, không bàn luận gì hết.

Tuy nhiên, việc xử lý như thế nào thì phải chờ kết luận của Cơ quan điều tra và phải xem lại toàn bộ quá trình quản lý.

Chỉ huy trưởng Biên phòng Quảng Nam cũng cho rằng sau vụ phá rừng pơ mu ở Nam Giang thì việc củng cố lại đơn vị Biên phòng, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ để làm tốt hơn nữa công tác quản lý địa bàn biên giới sẽ được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp khác.

Sau quá trình nỗ lực điều tra của cơ quan chức năng, đến nay vụ phá rừng pơ mu tại huyện Nam Giang đã dần sáng tỏ.

Trong một diễn biến khác, như Báo CAND đã đưa tin, trong sáng 30-8, thêm 5 đối tượng tham gia phá rừng pơ mu tại khu vực biên giới xã La Dêê, huyện Nam Giang đã ra đầu thú.

Tính đến thời điểm này, đã có 14 đối tượng ra đầu thú và 5 đối tượng bị Cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt khẩn cấp vì liên quan đến vụ phá rừng pơ mu tại Nam Giang.
Ngọc Thi
.
.
.