Diễn biến mới tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và Trầm Bê
Chiều 11-1, phiên toà xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh và Trầm Bê và 44 đồng phạm về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" bắt đầu làm rõ dòng tiền vay của Sacombank chuyển trả cho hai chi nhánh BIDV Sở giao dịch 2 và chi nhánh Hải Vân.
- Đề nghị thu hồi các khoản tiền đã chi trả các đại gia trong vụ án Phạm Công Danh
- Trầm Bê: “Phạm Công Danh có tài sản đảm bảo nên tôi cho vay”
- Phạm Công Danh dùng khoản vay hàng ngàn tỷ để trả nợ “đại gia”
- Nhiều "đại gia" vắng mặt trong phiên tòa xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh
Chiều 11-1, phiên toà xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng xây dựng (VNCB), TGĐ Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (59 tuổi, nguyên phó Chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank) và 44 đồng phạm về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" bắt đầu làm rõ dòng tiền vay của Sacombank chuyển trả cho hai chi nhánh BIDV Sở giao dịch 2 và chi nhánh Hải Vân.
Theo hồ sơ vụ án, sau khi vay được 1.800 tỷ đồng tại Sacombank, ngay ngày hôm sau (27-4-2013), Phạm Công Danh đã chuyển 1.700 tỷ đồng đến BIDV chi nhánh Sở giao dịch 2. Trong đó, Danh sử dụng hết 1.633 tỷ đồng để trả cho hai món nợ (1.700 tỷ đồng và 900 tỷ đồng) mà các công ty của Danh vay tại hai chi nhánh BIDV từ năm 2012.
Số tiền còn lại trên 166 tỷ đồng, Danh chuyển về tài khoản cá nhân mở tại VNCB để sử dụng cùng các khoản tiền khác.
Bị cáo Phạm Công Danh được dẫn giải đến toà |
Tại toà, trả lời VKS, đại diện BIDV ông Đoàn Ánh Sáng (Phó TGĐ BIDV) khẳng định hai khoản nợ trên là của Tập đoàn Thiên Thanh vay chứ không phải các công ty con của Phạm Công Danh vay.
Trong tài sản đảm bảo thì có 5 chứng nhận quyền sử dụng đất của 5 công ty. Đối với khoản vay này, ông Phạm Công Danh đã tất toán, BIDV thu tiền từ tài sản đảm bảo là tiền gởi của Tập đoàn Thiên Thanh mở tại Sở Giao dịch 2 BIDV.
VKS đặt câu hỏi: “Các cơ quan tố tụng đã chứng minh được đường đi của khoản tiền 1.800 tỷ đồng VNCB vay Sacombank 1.800 tỷ để trả cho BIDV. Giả sử đây là nguồn tiền do phạm tội mà có ông nghĩ như thế nào về việc khắc phục hậu quả này?”.
Trả lời, ông Sáng nói rằng ông không biết nguồn tiền này ở đâu, đến hạn trả nợ tài khoản doanh nghiệp đang có nợ vay thì BIDV chỉ biết thu nợ.
Theo VKS, các cơ quan tố tụng đã truy ra đường đi của nguồn tiền để trả nợ cho BIDV. Sắp tới việc xử lý như thế nào thì các cơ quan tố tụng sẽ xem xét...
Liên quan việc làm khống hồ sơ 6 pháp nhân vay tiền của Sacombank, trước đó, trong phần xét hỏi, dàn lãnh đạo cấp dưới của VNCB gồm Mai Hữu Khương (thành viên HĐQT, Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Quốc Viễn (Trưởng ban kiểm soát VNCB)… cùng một loạt nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh bao gồm các bảo vệ, lái xe… được ông Danh thuê đứng tên làm giám đốc đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo buộc.
Những người này, xin HĐXX xem xét họ đều là những người làm công ăn lương, chỉ làm theo sự chỉ đạo của cấp trên nhưng cáo trạng buộc họ phải liên đới bồi thường các khoản thiệt hại do bị cáo Danh gây ra là quá thiệt thòi cho họ.
Đối chất trước toà, ông Phạm Công Danh khẳng định lời khai của các bị cáo nguyên là cấp dưới, nhân viên của mình là hoàn toàn đúng. “Vì các nhân viên tin tưởng tôi nên đồng ý đứng tên trong các công ty và các hợp đồng vay. Họ không được hưởng lợi gì, không đòi hỏi gì, có những khoản bồi dưỡng như cáo trạng nêu là tôi tự nguyện chứ họ không đòi hỏi xin HĐXX xem xét, hoàn cảnh những người này rất khó khăn”, ông Danh nói.
Ngày mai, phiên toà tiếp tục.