Mạo danh cán bộ Viettel lừa đảo xin việc chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng

Thứ Tư, 31/08/2016, 09:58
Làm việc tại bộ phận điện thoại viên trực thuộc Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Viễn thông Viettel, Hải Anh nắm rõ về bộ máy tổ chức và quy chế hoạt động của cơ quan nên sau khi nghỉ làm, liền nảy sinh ý định lừa đảo những người có nhu cầu xin vào Viettel làm việc, chủ yếu là những người bạn học hoặc cùng quê.

Ngày 30-8, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội cho biết, vừa phối hợp cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa (Hà Nội) điều tra làm rõ vụ án lừa đảo xin việc vào Tổng Công ty Viễn thông Viettel. Đồng thời, ra quyết định khởi tố Trịnh Hải Anh (31 tuổi), trú tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Phạm Văn Khương (30 tuổi), làm nghề in ấn, photocopy về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Theo Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng Phòng PC50, ngay sau khi nhận được đơn trình báo của bị hại về việc bị Trịnh Hải Anh, giới thiệu là nhân viên ở Tổng Công ty Viễn thông Viettel lừa đảo chiếm đoạt tiền… các trinh sát của Đội 3 (PC50) đã tiến hành điều tra, xác minh phát hiện Tổng công ty Viễn thông Viettel không có nhân viên nào có tên là Trịnh Hải Anh. 

Các giấy thông báo tiếp nhận thử việc do người bị hại cung cấp không phải là văn bản của Viettel. Trưng cầu giám định các giấy tờ này tại Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP Hà Nội đã kết luận hình dấu, chữ ký trên các văn bản là giả, được tạo ra bằng phương pháp in màu kỹ thuật số.

Trịnh Hải Anh và Phạm Văn Khương.

Tại cơ quan Công an, Trịnh Hải Anh khai nhận bản thân không có khả năng xin việc cho mọi người vào Viettel.  Sau khi nhận tiền của bị hại, Hải Anh sử dụng chi tiêu cá nhân hết. Để có được các quyết định, thông báo tiếp nhận làm việc giả mạo, Hải Anh tìm gặp Phạm Văn Khương là bạn học cũ đang làm nghề photocopy, in ấn, nhờ tạo ra các văn bản giả trên máy tính. 

Khi nhận văn bản mẫu từ Hải Anh, Khương sử dụng phần mềm photoshop, bóc tách hình dấu ghi “Tổng Công ty Viễn thông Viettel – Chi nhánh Tập đoàn Viễn thông Quân đội” và hình chữ ký của hai lãnh đạo cao cấp của Viettel để tạo ra 14 văn bản các loại như quyết định, thông báo tiếp nhận, nội dung do Hải Anh soạn thảo. Các văn bản này được tạo bằng phương pháp in phun màu. 

Theo khai nhận của Khương,  khi đến nhờ làm các giấy tờ trên, Hải Anh nói là đang làm việc tại Viettel, cần in tài liệu để đưa cho nhân viên được tuyển dụng. Kiểm tra máy tính của Khương, cơ quan điều tra phát hiện có nhiều tài liệu có hình dấu, chữ ký, nội dung liên quan đến việc tuyển dụng làm việc tại Viettel, thể hiện họ tên của các nạn nhân nhờ Hải Anh xin việc.

Cơ quan điều tra làm rõ, từ tháng 1-2009 cho đến tháng 11-2009, Trịnh Hải Anh ký hợp đồng có thời hạn với Công ty CP truyền thông Kim Cương, đơn vị cung cấp nhân sự cho Viettel và được làm việc tại bộ phận điện thoại viên trực thuộc Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Viễn thông Viettel. 

Vào thời điểm này, Hải Anh nắm rõ về bộ máy tổ chức và quy chế hoạt động của cơ quan nên sau khi nghỉ làm, liền nảy sinh ý định lừa đảo những người có nhu cầu xin vào Viettel làm việc, chủ yếu là những người bạn học hoặc cùng quê.

Nạn nhân V.T.H, một người bạn học của Hải Anh kể lại: Tháng 7-2016, chị H đặt vấn đề nhờ Hải Anh xin việc cho mình. Hải Anh nhận sẽ giúp chị H vào làm tại Phòng giao dịch Viettel Thanh Xuân với chi phí 70 triệu đồng. Chị H đồng ý, chuyển hồ sơ và tiền vào tài khoản ngân hàng của Hải Anh. 

Sau khi nhận đủ tiền, ngày 10-8, qua tin nhắn Zalo, Hải Anh gửi cho chị H một bản ảnh chụp danh sách trúng tuyển, trong đó có tên chị H ghi ngày 4-8. Cuối danh sách có hình dấu tròn đỏ ghi “Tổng công ty Viễn thông Viettel – Chi nhánh Tập đoàn Viễn thông Quân đội” và chữ ký của Tổng giám đốc công ty. Đợi mãi không thấy nơi tuyển dụng gọi đi làm, liên lạc với Hải Anh cũng tắt điện thoại, chị H biết mình bị bạn học lừa đảo.

Với thủ đoạn tương tự như trên, tháng 4-2015, Trịnh Hải Anh còn nhận của hai người bạn là chị L.T.H và T.K.T tổng số 95 triệu đồng để xin việc cho 2 chị vào làm việc tại Viettel. Để người bị hại tin tưởng, Hải Anh đưa cho họ quyết định tiếp nhận thử việc, có hình dấu đỏ và chữ ký của Tổng giám đốc công ty, sau đó tìm  nhiều lý do để trì hoãn việc đi làm của các bị hại.

Minh Hiền
.
.
.