Nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế giữa đại dịch

Thứ Ba, 30/11/2021, 08:08

Thời gian qua, bên cạnh tập trung phòng, chống ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tranh thủ lợi thế là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có sân bay quốc tế Phú Bài, cảng nước sâu Chân Mây, khu di sản văn hóa thế giới... cùng với phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, Thừa Thiên-Huế đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế, thu hút đầu tư giữa đại dịch.

Khu kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô với vị trí địa chính trị, kinh tế rất quan trọng, thuận lợi trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối thuận lợi với giao thông huyết mạch của đất nước. Chân Mây - Lăng Cô là một trong những KKT ven biển của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ thành lập, được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, hiện KKT Chân Mây - Lăng Cô có 50 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 82.000 tỷ đồng, trong đó có 12 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 56.000 tỷ đồng. Bên cạnh sự tăng lên về số lượng và quy mô các dự án đầu tư, chất lượng cũng có sự thay đổi lớn, một số nhà đầu tư trong và ngoài nước có thương hiệu đã đến đầu tư và hoạt động như: Tập đoàn Banyan Tree của Singapore, Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group), Tập đoàn Á Đông, Tập đoàn Phương Trang... Đến nay, KKT này đã có 24 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 2 dự án đang triển khai. Tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 13.600 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng hơn 4.000 lao động, doanh thu bình quân hàng năm khoảng 3.500 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 280 tỷ đồng.

Nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế giữa đại dịch -0
Các thiết bị làm nhà máy điện gió được nhập từ nước ngoài về tại cảng Chân Mây.

Dự kiến, thời gian tới, KKT Chân Mây - Lăng Cô sẽ cần hơn 30.000 lao động. Với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, làn sóng người dân từ các tỉnh, thành phía Nam trở về địa phương ngày càng tăng. Vì vậy, tỉnh đang tạo mọi điều kiện thuận lợi, kết nối với các doanh nghiệp để người dân trở về quê có việc làm ổn định, sớm an cư lập nghiệp.

Ông Lê Văn Tuệ, Trưởng ban Quản lý KKT Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, cảng biển Chân Mây nằm trên địa bàn xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) là một khu chức năng quan trọng trong KKT Chân Mây - Lăng Cô, là khu bến chính của cảng biển Thừa Thiên-Huế. Cảng có vị trí chiến lược rất thuận lợi để phát triển thành cảng đầu mối hàng hải quan trọng của khu vực miền Trung bởi tiếp cận với tuyến QL1A, nằm giữa hai sân bay quốc tế Phú Bài và Đà Nẵng. Gần đây, bình quân hàng năm, hàng hóa qua cảng Chân Mây đạt hơn 2,2 triệu tấn, chủ yếu là dăm gỗ, than, clinker… xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Số tàu du lịch qua cảng bình quân mỗi năm hơn 50 lượt, với lượng khách và thủy thủ trên 150.000 lượt khách.

Những ngày cuối tháng 11/2021, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng các tàu hàng trọng tải lớn khoảng 50.000 DWT vẫn liên tục chở hàng cập cảng Chân Mây và bốc hàng từ cảng để xuất đi nước ngoài. Hàng trăm công nhân, người lao động của các bến cảng đều đảm bảo các quy định phòng, chống dịch. Nhờ việc kiểm soát chặt, đến nay vẫn chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 tại hệ thống cảng biển ở Thừa Thiên-Huế.

Ông Huỳnh Văn Toàn, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây cho biết, dù còn 1 tháng nữa mới hết năm 2021 nhưng đến thời điểm hiện tại, kế hoạch của đơn vị đã vượt chỉ tiêu đề ra. Trong thời gian tới, tại địa bàn Thừa Thiên-Huế sẽ có nhiều dự án lớn đi vào hoạt động, như nhà máy sản xuất găng tay y tế 10 tỷ chiếc/năm, sợi 800 tấn/năm; 2 dự án sản xuất ôtô với công suất khoảng 220.000 xe/năm, dự án sản xuất đồ chơi Billion Max với công suất 20 triệu sản phẩm/năm... Vì vậy, nhu cầu xuất hàng qua cảng Chân Mây rất lớn, ước khoảng 7 triệu tấn hàng qua cảng.

Có một thực tế sẽ xảy ra đó là các bến cảng số 1, 2 và 3 như hiện nay sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu. Trước tình hình đó, cuối tháng 11/2021, Ban Quản lý KKT, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế đã kêu gọi đầu tư xây dựng thêm 3 bến cảng mới ở cảng Chân Mây để phục vụ hàng hóa tổng hợp và container, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Việc đề xuất này phù hợp theo phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (nhóm 3) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ GTVT. Trong đó, cảng Chân Mây được quy hoạch là khu bến cảng tổng hợp, container kết hợp phục vụ tàu khách du lịch quốc tế; tiếp nhận tàu hàng trọng tải từ 30.000-50.000 DWT, tàu container có sức chứa đến 4.000 TEU, tàu khách đến 225.000 GT đang được lãnh đạo Bộ GTVT chấp thuận.

Việc nghiên cứu để triển khai đầu tư xây dựng thêm các bến số 4, 5, 6 với chiều dài cầu cảng mỗi bến 270m nhằm tiếp nhận hàng container, tổng hợp cho tàu trọng tải đến 50.000 DWT là phù hợp với định hướng phát triển cảng biển đến năm 2030. Trước mắt, giai đoạn 2022-2024 sẽ kêu gọi đầu tư bến số 5 và 6, với diện tích mỗi bến hơn 10ha (phần lớn là mặt nước). Kinh phí dự kiến khoảng 850 tỷ đồng/bến.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, địa phương vẫn đang tập trung nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, hạn chế mức thấp nhất lây lan ra cộng đồng. Đồng thời, trong thời gian gần đây, tỉnh cũng tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy, phát triển kinh tế. Điển hình nhất, mới đây giữa tháng 11/2021, UBND tỉnh có các quyết định về việc thành lập 3 KCN với số vốn khoảng 3.000 tỷ đồng. Trong đó, KCN Gilimex được thành lập tại thị xã Hương Thuỷ có quy mô diện tích khoảng 460ha với tổng vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng.

Ngoài ra, KCN Phú Bài giai đoạn IV, đợt 1 tại thị xã Hương Thuỷ có quy mô diện tích khoảng 85,87ha và KCN Tứ Hạ giai đoạn 1, thị xã Hương Trà với quy mô diện tích khoảng 37,6ha. Thời hạn hoạt động của các KCN là 50 năm, kể từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu…

Hải Lan
.
.
.