7 tỉnh, thành Nam sông Hậu liên kết chống dịch và phát triển kinh tế

Thứ Ba, 19/10/2021, 16:45

Các tỉnh, thành Nam sông Hậu sẽ liên kết phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phát triển kinh tế ở 6 lĩnh vực: y tế, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch, thông tin - truyền thông, giao thông vận tải và lao động - việc làm.

Ngày 19/10, UBND TP Cần Thơ chủ trì hội nghị trực tuyến với 6 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, An Giang và Kiên Giang ( 7 tỉnh, thành Nam sông Hậu), bàn về liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình thực tế.

Trên cơ sở các nội dung theo Nghị quyết 128, TP Cần Thơ đề xuất chương trình liên kết, phối hợp 7 tỉnh, thành Nam Sông Hậu trong 6 lĩnh vực, gồm: y tế, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch, thông tin - truyền thông, giao thông vận tải và lao động - việc làm.

7 tỉnh, thành Nam sông Hậu liên kết chống dịch và phát triển kinh tế -0
UBND TP Cần Thơ chủ trì hội nghị trực tuyến với 6 tỉnh.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng từ trước nay, kinh tế mạnh tỉnh nào “tự bơi” nên sự phát triển của khu vực không vững chắc. “Nếu để tình hình này trong thời gian nữa, đối với phát triển kinh tế trong vùng ngày càng sẽ đi xuống và thua sút các khu vực khác trong cả nước”, ông Lâu nói.

TP Cần Thơ là “chim đầu đàn” cho cả khu vực. Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch từng tỉnh có giải pháp riêng, kể cả những quy định của các tỉnh, thành với nhau còn chưa đồng bộ. Các tỉnh, thành phải hỗ trợ lẫn nhau, Cần Thơ có vai trò chủ trì, kết nối điều phối. Từ liên kết tiểu vùng, tiến tới liên kết cả khu vực ĐBSCL và cả nước.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đồng thuận với quan điểm và các nội dung liên kết, đồng thời đề xuất thành lập Tổ điều phối hợp tác liên kết vùng trong phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.

Các tỉnh, thành phối hợp chặt chẽ trong lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo kết nối đồng bộ, cân đối hài hoà trong tổng thể của vùng, từ đó tạo ra động lực phát triển cân bằng giữa các tỉnh và cả vùng.

7 tỉnh, thành Nam sông Hậu liên kết chống dịch và phát triển kinh tế -0
Các tỉnh, thành trong khu vực đã nới lỏng giãn cách, từng bước khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.

Để có sự thống nhất cao trong chỉ đạo thực hiện liên kết, ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị các tỉnh, thành hợp tác, chia sẻ về kinh nghiệm trong triển khai các giải pháp phòng, chống dịch và khả năng huy động, hỗ trợ nhân - vật lực, kể cả vaccine giữa các địa phương. Ông Thành kiến nghị xúc tiến thành lập Trung tâm đầu mối phân phối, trung tâm logictics cấp vùng. Từ trung tâm này kết nối với các chợ đầu mối, kênh tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước về tiêu thụ.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau đề nghị rà soát mạng lưới vận tải hành khách và hàng hoá liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng và đến TP Hồ Chí Minh. Đồng thời nâng cao hiệu quả của Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ, theo hướng mở các tuyến mới.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị thêm trong lĩnh vực du lịch, cần xây dựng khế hoạch của Cụm liên kết về phục hồi du lịch do tác động của dịch COVID-19, xây dựng các chương trình kích cầu du lịch giữa các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp du lịch.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh, vùng ĐBSCL nói chung và tiểu vùng Nam Sông Hậu nói riêng có thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản nhưng đang đứng trước thách thức lớn của dịch COVID-19. Để bảo đảm tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, cần tăng cường liên kết giữa các chủ thể trong phòng chống dịch, sản xuất, lưu thông, tiêu thụ. 

Về lâu dài, trên cơ sở vừa làm vừa rút kinh nghiệm để có sự điều chỉnh kịp thời và liên kết với các địa phương còn lại của ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ.

Theo VICC Cần Thơ, các tỉnh, thành tiếp tục có chung kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ phân bổ vaccine nhanh chóng về các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL để doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại theo yêu cầu vừa chống dịch, vừa tái sản xuất an toàn.

 
Văn Vĩnh
.
.
.