Đài Loan, Nhật Bản sẽ là thị trường xuất khẩu lao động mũi nhọn

Chủ Nhật, 14/02/2016, 08:02
Năm 2015, dù chỉ đặt ra mục tiêu đưa được 95 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng con số đạt được là trên 116 nghìn. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam xuất khẩu được trên 100 nghìn lao động.


Bước sang năm 2016, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ- TB&XH) tiếp tục đặt mục tiêu là con số trên 100 nghìn lao động, và bên cạnh việc tìm kiếm, mở rộng thị trường thì một số thị trường trọng điểm như: Đài Loan, Nhật Bản vẫn được xác định là mũi nhọn. Cơ hội đi làm tại các thị trường này của người lao động trong năm 2016 sẽ rất rộng mở.

Nhiều cơ hội sang Đài Loan

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2015 thì Đài Loan là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất, với hơn 67 nghìn người (chiếm 57,87%). Nhận định về thị trường xuất khẩu lao động năm 2016, Cục Quản lý lao động ngoài nước vẫn xác định Đài Loan sẽ là thị trường thu hút được số lượng lớn người lao động. 

Việc Đài Loan mở cửa tiếp nhận lại khán hộ công gia đình và thuyền viên tàu cá gần bờ cũng như cho phép các doanh nghiệp mới của Việt Nam tham gia cung ứng lao động cho thị trường này sẽ là nhân tố làm gia tăng số lượng lao động Việt Nam vào làm việc tại Đài Loan thời gian tới.

Nhận định về thị trường trọng điểm Đài Loan, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, lý do quan trọng khiến người lao động chọn xuất khẩu lao động Đài Loan trong năm 2016 là do tổng lượng tiếp nhận lao động nước ngoài của Đài Loan gia tăng hàng năm. Tình hình cung ứng lao động của các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines… có xu hướng giảm dần việc đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tuyển chọn, đào tạo và đáp ứng nguồn cung cấp chất lượng, thị trường lao động Đài Loan sẽ là thị trường lớn trong năm 2016. Bên cạnh đó, mức lương cơ bản ở Đài Loan được đánh giá là thuộc dạng khá và tiềm năng lớn cho lao động Việt Nam, chi phí sinh hoạt rẻ, điều kiện tuyển không yêu cầu cao, thời gian đi nhanh, nền văn hóa tương đồng với Việt Nam…

Thị trường Nhật Bản trong năm 2016 cũng sẽ tiếp nhận một lượng lớn lao động của Việt Nam. Số lượng lao động của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đang tăng dần qua từng năm. Năm 2013 mới có chỉ 10 nghìn, năm 2014 đã xấp xỉ 20 nghìn và năm 2015 con số đó đã tăng thành 27 nghìn. Do đó thị trường này sẽ tiếp tục là một trong những thị trường lớn trong năm 2016. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh thì thị trường Nhật Bản có đặc trưng rất rõ, yêu cầu chất lượng lao động cho thị trường này rất cao. Ví dụ không có thị trường nào yêu cầu tốt nghiệp phổ thông, nhưng Nhật Bản đòi hỏi ít nhất phải tốt nghiệp phổ thông. Người lao động muốn sang đây phải đang làm việc ở một doanh nghiệp nào đó của Việt Nam và làm việc theo đúng ngành nghề khi sang làm việc tại Nhật Bản. Bên cạnh đó là việc đào tạo kéo dài, ít nhất phải 6 tháng. Vì những tiêu chí này mà rất khó tuyển nguồn bởi những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động chủ yếu là lao động ở các vùng nông thôn.

Năm 2016 dự kiến Việt Nam sẽ đưa được hơn 100 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Quyết liệt xử lý các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định

Không chỉ các thị trường lớn như: Đài Loan, Nhật Bản mà ngay tại khu vực Đông Nam Á, sự kiện Việt Nam và Thái Lan ký kết thỏa thuận hợp tác lao động cũng như việc Thái Lan cho phép hợp pháp hóa cho người lao động Việt Nam làm việc cho 4 ngành nghề cũng sẽ là điểm mới cho thị trường tiếp nhận lao động của Việt Nam trong năm 2016.

Bên cạnh đó, khu vực Bắc Phi (Algeria, Angola) cũng đang tiếp tục tiếp nhận thêm lao động từ các doanh nghiệp của Việt Nam. Đối với lao động tay nghề cao, Việt Nam vẫn tiếp tục hợp tác với Cộng hòa Liên bang Đức và Nhật để đưa 100 ứng viên điều dưỡng sang Đức và 200 ứng viên điều dưỡng sang Nhật. Từ đó có thể thấy cơ hội đi làm việc ở nước ngoài cho lao động Việt Nam trong năm 2016 là rất lớn.

Trong năm 2016, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tiếp tục triển khai quy định giảm phí cho những người đi xuất khẩu lao động tại thị trường Đài Loan; triệt để thực hiện chấn chỉnh đối với các thị trường về số lượng đơn vị được doanh nghiệp giao nhiệm vụ, nghiêm khắc xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm những quy định này, đặc biệt đối với các doanh nghiệp thu phí cao hơn mức quy định.

Bên cạnh những kỳ vọng, trong lĩnh vực xuất khẩu lao động còn một số tồn tại cần sớm được giải quyết. Đơn cử như tình trạng tuyển lao động nhưng không đưa được lao động đi. Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phải xử lý 2 doanh nghiệp để cho chi nhánh tuyển lao động đi Nhật nhưng không có hợp đồng đưa lao động đi. Hai doanh nghiệp này đã bị tạm dừng, đồng thời phải có các biện pháp giải quyết quyền lợi cho người lao động. Bộ LĐ-TB&XH đã có những quy định rất chặt chẽ về việc doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện như thế nào để được phép tuyển dụng lao động sang Nhật Bản, các đầu mối...

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh thì tình trạng lao động bỏ trốn cũng đang là vấn đề nhức nhối, đã xử lý nhiều năm nay những vẫn chưa hết. Lao động bỏ trốn nhiều nhất tại các thị trường: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, trong đó đặc biệt là thị trường Hàn Quốc. Còn tại thị trường Đài Loan, số lượng lao động Việt Nam bỏ trốn đang cao nhất trong số các nước cung ứng lao động tại đây. 

“Chúng ta đã có rất nhiều biện pháp từ việc xử phạt hành chính, tuyên truyền vận động đến từng địa phương, xã phường, thậm chí đến từng gia đình nhưng vấn đề đáng nói nhất ở đây là ý thức của lao động Việt Nam. Tới đây, định kỳ 6 tháng Cục sẽ rà soát lao động bỏ trốn, và doanh nghiệp nào để xảy ra tình trạng lao động bỏ trốn nhiều thì sẽ dứt khoát không cho đưa lao động sang thị trường đó”, ông Quỳnh cho biết.

Phan Hoạt
.
.
.