Nỗi tủi nhục của người dân nghèo bị 'cò' lừa xuất khẩu lao động

Thứ Năm, 13/08/2015, 09:05
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã xuất hiện nhiều phụ nữ đi xuất khẩu lao động ở Ả rập Xê út trở về gia đình vì bị bóc lột sức lao động, đánh đập, hành hạ, bị đối xử tệ, thậm chí thông báo đã chết nơi xứ người… nhằm chiếm đoạt tiền của họ.

Phần lớn lao động Việt Nam được các đối tượng môi giới tổ chức tìm kiếm là những phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, công việc không ổn định… Để tiếp xúc và dụ dỗ, bọn chúng vẽ ra các “bánh vẽ” gồm, công việc nhẹ nhàng không phải mất tiền chi phí đi lao động, mức lương cao (từ 8-10 triệu đồng/tháng).

Khi người lao động “dính bẫy” thì các đối tượng yêu cầu họ giao các giấy tờ tùy thân như, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu làm thủ tục đưa đi hợp tác lao động và đưa số tiền từ 2 đến 3 triệu đồng để khám sức khỏe. Trước khi lên máy bay xuất cảnh thì họ bị chúng bắt ký hợp đồng hợp tác lao động. Nếu người lao động không đồng ý ký hợp đồng thì chúng buộc họ phải đưa tiền bồi thường khoảng 30 đến 40 triệu đồng thì mới cho về nhà.

 Nạn nhân của “cò” xuất khẩu lao động.

Dù đã về nước hơn 3 tháng nhưng khi kể lại nỗi đắng cay, tủi nhục làm giúp việc tại Ả rập Xê út, chị N.T.L. vẫn chưa hết bàng hoàng. Chị được một người phụ nữ quen biết từ trước giới thiệu đi xuất khẩu lao động sang Ả rập Xê út để giúp việc nhà với mức lương khoảng 7,5 triệu đồng. Ngoài ra, cuối tuần chủ nhà còn cho tiền “bo” tổng cộng gần 10 triệu đồng. Nếu so sánh với thu nhập ở Việt Nam của chị 3 tiếng chỉ có 70.000đ thì số tiền này sẽ giúp gia đình chị có cuộc sống ổn định. 

Chị N.T.L. cho biết thêm, khi đến Ả rập Xê út, chị được bọn chúng đưa vào một phòng có nhiều người. Vài ngày sau, chị bị Cảnh sát đến bắt và chị được chuyển đến chỗ khác. 10 ngày tiếp, chị mới được người đàn ông đến đón và đưa về nhà. Tại đây, chị phải hầu 11 người trong gia đình làm tất cả các công việc từ đổ bô đến quét dọn nhà cửa… Từ sáng sớm đến đêm khuya, chủ nhà mới cho nghỉ việc, chỉ ngủ từ 2 đến 3 giờ nhưng đổi lại mỗi ngày khẩu phần ăn của chị chỉ vài cọng khoai tây chiên. Không ăn cơm, không đủ dinh dưỡng, sau vài tháng cơ thể chị hao gầy. 

Điều đáng nói, thời tiết lạnh giá nơi xứ người nhưng gia đình chủ không chút quan tâm và bắt chị phải ngủ dưới thảm chỉ cho lót mảnh vải mỏng. Quá sức chịu đựng, chị đã ngất xỉu rồi tự tỉnh dậy tiếp tục công việc. Khi chị dậy trễ, ông chủ dùng chân đá thẳng vào người, rồi bị bà chủ xởn tóc… Tủi thân, chị điện thoại về gia đình thì bị chủ phát hiện giật lấy điện thoại.

Sau hơn một tháng, chị yêu cầu chủ trả lương nhưng họ không trả. Do bất đồng ngôn ngữ, chị không biết chủ nói gì và tiếp tục làm. Sau 3 tháng làm việc, chị tiếp tục đòi chủ tiền công và họ chở chị đến gặp người phiên dịch. Khi đó, chị mới biết mình bị bọn môi giới bán 120 triệu đồng và chủ chị đã mua chị về làm việc. Đến tháng, chị tiếp tục đòi tiền công thì bị chủ đánh gãy 2 chân và bị ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, chị đã thấy mình nằm trong bệnh viện.

Suốt nhiều ngày chữa trị, chị được Đại sứ quán giúp đỡ trở về Việt Nam mà không có một đồng tiền công lao động cực khổ. Không tiền, thân thể bị tàn phế, gẫy chân phải, trái và cột sống bị chấn thương nặng. Hiện nay, chị vẫn không đi lại như bình thường được và không làm được việc gì phụ giúp cho gia đình.

Còn chị T.T.K.T. (50 tuổi, ngụ xã Trường Đông, huyện Hòa Thành) gặp may mắn hơn chị L. Gia đình chị T. từng buôn bán và làm ăn thua lỗ nên chị mắc nợ. Đang túng tiền, chị thấy 1 băng rôn treo ngoài đường ghi  xuất khẩu lao động và du học các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ả rập Xê út từ 21 đến 53 tuổi, nữ miễn phí hoàn toàn, lương 8 triệu đồng/tháng. Liên hệ số điện thoại….”. Chị liên hệ đăng ký tham gia đi làm để có tiền trả nợ.  

Chị T. kể trong nước mắt, đến Ả rập Xê út chị làm việc nhà cho một gia đình chủ, công việc bắt đầu từ sáng sớm đến tối khuya chủ mới cho nghỉ. Ngoài ra, chủ còn yêu cầu chị đến phục vụ cho những gia đình bạn bè của họ. Sau 2 tháng làm công, chị không được họ trả tiền công. Chị liên hệ với người môi giới thì họ yêu cầu gia đình chị phải đưa 60 triệu đồng thì mới trở về được.

 Nạn nhân của “cò” xuất khẩu lao động.

Muốn kiếm tiền để trả nợ nhưng hoàn cảnh chị T. lại lún sâu vào cảnh nợ nần chồng chất khi nợ cũ chưa trả được lại phải gánh thêm số nợ “chuộc thân”. Hiện nay, công việc hằng ngày của chị vừa bán nước giải khát tại nhà vừa đan bồ bằng tre kiếm sống. Tuy thu nhập ít ỏi nhưng chị cảm thấy an tâm được ở bên gia đình. Cuộc sống vất vả nhưng chị sẽ cố gắng làm nhiều việc hơn để trả nợ.

Cùng lâm vào cảnh tương tự, chị Cao Thị N. (54 tuổi, ngụ ấp Trường Phú, xã Trường Đông, huyện Hòa Thành) tưởng chừng không trở về được Việt Nam vì đi làm ôsin ở Ả rập Xê út.

Khi hỏi thăm người môi giới yêu cầu chị đóng 2 triệu đồng để làm thủ tục đi, không có tiền chị bán nửa công đất nhà kiếm tiền đóng. Do tuổi chị lớn nên người môi giới yêu cầu chị làm hồ sơ khác lấy tên Thái Thị Kim Xuân nhỏ hơn 10 tuổi để đi dễ dàng hơn. Đồng thời, bên môi giới yêu cầu chị ký hợp đồng lao động nếu không ký thì đưa 33 triệu đồng mới được trở về nhà. Lo sợ và cũng không có tiền nên chị ký tham gia. 

Sau 1 tháng chị ở Ả rập Xê út. Ban đầu, chị giúp việc nhà chủ chỉ có vài ngày thì chủ chê không biết tiếng nên trả lại chỗ môi giới. Sau đó, chị mới làm cho chủ khác. Được 4 tháng làm việc nhà, chủ trả tiền công 13.000 Sar/tháng tương đương 7,4 triệu đồng. Khi chủ mất tài sản thì cho rằng chị là kẻ trộm, không biết tiếng bản địa để thanh minh. Kể từ đó, bệnh tim của chị bắt đầu tái phát trở lại và thuốc mang theo lại hết nên bệnh trở nặng.

Thấy bệnh chị không hết mà lại mua thuốc giống như ở Việt Nam không có nên cho chị đi khám bệnh. Đến khi bà chủ thấy chị bệnh không làm nổi nữa trả chị về chỗ môi giới. Tại đây, họ tiếp tục đưa chị đến nhà chủ khác để làm việc tiếp. Do bệnh không có thuốc đặc trị nên chị không làm việc được, chủ mới đánh đập, không cho vào nhà,… Ở nơi sa mạc chị lấy đồ chạy xuống đường gặp người đi đường kêu cứu. Chị được Cảnh sát đến đưa về đồn rồi đưa đến Đại sứ quán. Lúc này, bà chủ điện thoại đến cho hay đã mua vé máy bay cho chị trở về nước. 

Ở Việt Nam, gia đình chị được bên môi giới thông báo là chị đã chết và hỏi gia đình có mang xác chị về không thì đưa 40 triệu đồng. Không có tiền, chồng chị phải thế chấp nhà, đất để có tiền đưa cho con gái chị N. nộp cho môi giới. Đến tháng 6/2015 chị N. về nước thì mới biết căn nhà của mình đã thế chấp lấy tiền cho chị về mà không biết số tiền đó hiện giờ ở nơi đâu?

Tuyết Nhung – Minh Nhật
.
.
.