Xuất khẩu dưa hấu gặp nhiều khó khăn

Thứ Ba, 29/12/2015, 08:20
Chuẩn bị vào vụ cao điểm tiêu thụ dưa hấu cận Tết, để tránh tình trạng ùn ứ, được mùa mất giá như đã xảy ra tại vụ trước, ngày 28- 12, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng này.
 Với sản lượng vẫn như năm trước, tình trạng ùn ứ vẫn có khả năng xảy ra, đặc biệt, khi thương nhân Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu tìm nguồn nhập từ các nước Đông Nam Á khác, thay vì nhập 95 – 98% từ Việt Nam như trước, đây là một tín hiệu nữa cho thấy Việt Nam cần tổ chức tốt hơn nữa khâu sản xuất để chủ động đầu ra.

Theo báo cáo vắn tắt của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Với đặc tính ngắn ngày, dễ chuyển đổi, nên dưa hấu thường được đưa vào trồng tăng vụ, sản lượng hằng năm khoảng 1,5 triệu tấn, chủ yếu tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 1 – 1,1 triệu tấn (phổ biến ở Tiền Giang, Trà Vinh, An Giang, Long An, Sóc Trăng); khu vực Nam Trung Bộ (sản lượng ước khoảng 300 – 350 nghìn tấn, tập trung chủ yếu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên).

Tổng sản lượng dự kiến của mùa vụ 2015/2016 không biến động nhiều so với năm ngoái, trong đó riêng vụ Đông – Xuân này ước đạt 550 nghìn tấn. Hiện dưa hấu tiêu thụ ở thị trường trong nước chiếm khoảng 80% tổng sản lượng, còn lại là xuất khẩu, chủ yếu sang Trung Quốc, Lào, Campuchia, trong đó 90% xuất sang Trung Quốc, chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Tại thời điểm này, giá bán dưa hấu hiện nay tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung Bộ đang dao động từ 5.500 – 6.000 đồng/kg. Với giá bán này, nông dân hiện đang có lãi khoảng 50 – 60 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, tình hình sẽ thay đổi khi vào chính vụ.

Theo thông tin từ Vụ Thương mại biên giới và miền núi, ách tắc xảy ra do phía Trung Quốc chỉ quy định duy nhất cặp cửa khẩu Tân Thanh – Pò Chài được nhập nông sản, với lý do đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về kiểm tra, kiểm định; mặt khác đây là cửa khẩu người Trung Quốc được hỗ trợ miễn thuế 8.000 NDT (tương đương 28 triệu đồng/người/ngày), nên thương nhân Trung Quốc ưu tiên chọn.

Mặc dù cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu liên tục được nâng cao, từ sức chứa khoảng 100 xe năm 2013 đến 2015 đã lên đến 700 – 800 xe, nhưng lượng đổ về quá nhiều, thậm chí có ngày lên đến gần 2.000 xe, nên ùn vẫn cứ ùn. Lượng dưa không phải quá nhiều, nhưng các mặt hàng nông sản khác xuất qua đây ngày càng nhiều (từ kim ngạch 179 triệu USD năm 2010 đến gần 1 tỷ USD năm nay). Do đó, lãnh đạo Vụ này kiến nghị cần có giải pháp mở thêm những điểm thông quan mới, bởi chỉ tập trung vào một khu vực này thì mở rộng đến đâu vẫn cứ tắc.

Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh – người chủ trì hội nghị. Thứ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị chức năng Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Ngoại giao để đàm phán với phía Trung Quốc mở thêm điểm thông quan.

Cùng với đó, việc tiến hành hội nghị kết nối cung – cầu giữa doanh nghiệp đầu mối hai nước cũng được thúc giục tiến hành, để thống nhất về quy chuẩn, tránh cảnh nông dân Việt Nam dưa to dưa nhỏ đều lót rơm chở hết lên biên giới, chịu cảnh bị thương nhân Trung Quốc loại đến 1/3, vừa tốn công, vừa tốn của.

Vũ Hân
.
.
.