Tỷ giá sẽ ổn định đến cuối năm

Thứ Ba, 20/10/2015, 18:21
Không có yếu tố gây áp lực lớn lên tỷ giá, trong khi mùa kiều hối đang đến gần… được cho là sẽ giúp cho tỷ giá USD/VN đồng ổn định từ nay đến cuối năm.

8 tháng, VND đã bị mất giá tới 5%. Vậy những tháng còn lại của năm 2015, liệu đồng bạc xanh có tiếp tục mạnh lên là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Vì vậy, nhận định tỷ giá sẽ “bình yên” mới được Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) công bố đã gây được chú ý.

Đưa ra lý do cho nhận định của mình, VCBS dẫn Thông tư 15/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định khá chặt chẽ việc mua - bán ngoại tệ. Việc siết chặt hơn quy định về giao dịch ngoại tệ giúp hạn chế hiện tượng đầu cơ hoặc mua và găm giữ USD trước khi nhu cầu thanh toán phát sinh, từ đó giảm bớt áp lực cầu ngoại tệ. Xét riêng các yếu tố trong nước, VCBS cho rằng không nhìn thấy yếu tố rõ ràng nào có thể gây áp lực lớn cho tỷ giá từ nay đến hết năm 2015. Theo yếu tố mùa vụ, cầu ngoại tệ có thể tăng lên để đáp ứng nhu cầu thanh toán và sản xuất cho các đơn hàng vào dịp cuối năm. 

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, vốn FDI giải ngân và kiều hối được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng tích cực, trong đó 9 tháng đầu năm, tổng vốn FDI giải ngân đạt 9,7 tỷ USD, kiều hối năm 2015 dự báo sẽ đạt khoảng 13 - 14 tỷ USD. 

Ngoài ra, thâm hụt thương mại 2015 cũng được kỳ vọng sẽ không quá đột biến (khoảng 4 - 4,5 tỷ USD và tác động của thâm hụt thương mại đã phản ánh nhiều trong diễn biến tỷ giá 9 tháng đầu năm). Như vậy, trong thời gian tới, VCBS duy trì đánh giá, diễn biến trên thị trường thế giới sẽ là những yếu tố chính ảnh hưởng lên tỷ giá và thị trường ngoại hối trong nước, trong đó tâm điểm là khả năng tiếp tục mất giá của đồng Nhân dân tệ và thời điểm bắt đầu và lộ trình nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Với giả định kinh tế thế giới không xảy ra những cú sốc lớn nằm ngoài dự đoán, tỷ giá có thể sẽ không điều chỉnh thêm trong năm 2015. Tuy nhiên, VCBS cũng đánh giá rủi ro tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục là vấn đề cần cân nhắc trong năm 2016.

Dự đoán kiều hối năm 2015 đạt 13-14 tỷ USD (ảnh minh họa).

Cùng chung nhận định tỷ giá sẽ “yên bình” từ nay đến cuối năm, Bộ phận Nghiên cứu, Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ, Ngân hàng BIDV cho rằng thị trường ngoại hối sẽ diễn biến ổn định hơn trong quý IV/2015 so với quý trước.

Theo Bộ phận Nghiên cứu, yếu tố quan trọng nhất hỗ trợ xu hướng ổn định của tỷ giá là cán cân thanh toán tổng thể thặng dư. Sau khi thặng dư hơn 3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, cán cân thanh toán nhiều khả năng duy trì thặng dư trong nửa cuối năm. Đối với quý IV, cán cân thương mại đang có dấu hiệu cải thiện dần trong quý III, và được kỳ vọng sẽ duy trì diễn biến lạc quan trong quý này. Nhập siêu trong quý IV có thể sẽ thấp hơn hoặc bằng mức bình quân của 9 tháng đầu năm khoảng 400-450 triệu USD/tháng, cả quý ước 0,9-1,2 tỷ USD.

Thêm một nguồn tiền khác có thể hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá là theo chu kỳ, quý IV là mùa cao điểm của thu hút kiều hối, cũng như hoạt động giải ngân FDI hay ODA được đẩy mạnh. Ước tính kiều hối 3-3,5 tỷ USD, giải nhân FDI 3,5-4 tỷ USD, giải ngân ODA 1 tỷ USD.

Ngoài ra, nguồn tiền từ việc chuyển lợi nhuận về nước trong quý cuối năm thường tăng lên, ước 2,7-3 tỷ USD. Trong khi đó, áp lực từ thị trường quốc tế có thể suy yếu trong ngắn hạn khi chưa có thêm những biến động mạnh. Cụ thể hơn, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chờ đến tháng 12/2015 hoặc quý I/2016 thực hiện tăng lãi suất cơ bản với mức độ 0,25%; Trung Quốc cũng không có động thái phá giá mạnh thêm nữa Nhân dân tệ; đồng nội tệ của các quốc gia trong khu vực chững đà giảm giá so với USD. “Có thể thấy, những yếu tố cơ bản trong nước và quốc tế có phần giảm sức ép lên tỷ giá. Tuy nhiên tâm lý thị trường thận trọng và tình trạng găm giữ ngoại tệ vẫn là một nút thắt đối với diễn biến tỷ giá.

Theo đó, vai trò can thiệp của NHNN là vô cùng quan trọng trong việc tháo bỏ nút thắt này. NHNN hiện đang cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong mục tiêu giữ ổn định thị trường và giảm tình trạng găm giữ, khơi thông nguồn cung ngoại tệ. NHNN đã có những bình luận về kết quả phiên họp chính sách của FED trong tháng 9, và khẳng định định hướng ổn định tỷ giá cũng như “tỷ giá đồng Việt Nam đã có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường trong và ngoài nước không chỉ từ nay đến cuối năm 2015 mà cả những tháng đầu năm 2016”- Nhóm nghiên cứu BIDV cho biết

Tuy nhiên, Bộ phận Nghiên cứu cũng lưu ý rằng, các rủi ro đối với biến động tỷ giá vẫn hiện diện và có thể tạo ra áp lực lên tỷ giá như: Chính sách điều hành của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc; nhập siêu nới rộng hơn dự kiến; tâm lý thị trường khá nhạy cảm, dễ xuất hiện những xáo trộn,… “Nếu các yếu tố rủi ro hội tụ thì thị trường hoàn toàn có thể xuất hiện các biến động mạnh hơn dự kiến”, Bộ phận này nhấn mạnh.

Lệ Thúy
.
.
.