'Cú sốc' tỷ giá và những tác động tới thị trường tài chính

Thứ Năm, 20/08/2015, 08:36
Ngày 19/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD (mức điều chỉnh tăng 1%), đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%. 


Như vậy, tính từ đầu năm nay, đây là lần thứ 3, NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá, mỗi lần lên 1%. Cùng với 2 lần nới biên độ, mỗi lần thêm 1%, từ +-1% lên +-3%, đồng Việt Nam đã mất giá tới 5% trong chưa đầy 9 tháng.

Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng mới ở mức 21.890 VND/USD và biên độ tỷ giá +/-3%, thì tỷ giá trần sẽ lên mức 22.547 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.233 VND/USD. Giải thích về động thái “mạnh tay” của mình, NHNN cho rằng sau hai lần điều chỉnh vừa qua, tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước không chỉ từ nay đến cuối năm, mà cả những tháng đầu năm 2016, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Ngay sau khi NHNN công bố tỷ giá mới, thị trường ngân hàng đã chứng kiến sự tăng giá đồng bạc xanh hàng loạt của các nhà băng. Cụ thể, tại Ngân hàng Vietcombank, đồng USD được niêm yết giá ở mức 22.280-22.380 đồng, tăng 245 đồng ở chiều mua vào và tăng 275 đồng ở chiều bán ra. Ngân hàng Vietinbank mua bán đồng USD với giá 22.280 - 22.350 đồng, tăng 210 đồng ở chiều mua vào và tăng 245 đồng ở chiều bán ra. Tại BIDV, đồng USD được mua vào với giá 22.280 đồng và bán ra với giá 22.380 đồng, tăng 230 đồng chiều mua vào và tăng 275 đồng chiều bán ra. 

Tại Ngân hàng ACB, đồng USD được mua vào, bán ra ở mức 22.300-22.400 đồng. Tại Eximbank, tỷ giá đang là 22.250-22.450 đồng. Techcombank là ngân hàng bán ra đồng USD với giá cao nhất - 22.480 đồng, tăng 374 đồng. Trong khi đó, giá mua vào của ngân hàng này đang là 22.280 đồng, tăng 230 đồng so với giá trước điều chỉnh… Song song với thị trường chính, USD tự do cũng "nóng" theo, giá mua vào được đẩy lên 22.370 đồng và giá bán ra là 22.500 đồng.

Một trong những mặt hàng “phản ứng nhanh” với tỷ giá mới là vàng. Sau động thái điều chỉnh tỷ giá của NHNN, kim loại quý trong nước đã trở nên loạn nhịp, liên tục thay đổi chóng mặt. Vào buổi sáng, vàng đã nhảy vọt lên, tăng hơn 1 triệu đồng/lượng so với cùng giờ phiên trước, chính thức lên 35 triệu đồng/lượng, dù thị trường thế giới không biến động nhiều. 

Cùng với việc tăng giá, biên độ mua bán cũng bị kéo giãn tới 700 nghìn đồng mỗi lượng. Tuy nhiên, mức tăng này đã không giữ được lâu, khi từ sau 9 giờ, giá vàng bắt đầu hạ nhiệt dần và rơi khỏi mốc 35 triệu đồng/lượng, cuối cùng, mất hơn nửa triệu đồng/lượng trong vòng hơn 30 phút. Chênh lệch giữa hai thị trường trong nước và thế giới tiếp tục đứng ở ngưỡng cao 4,5 triệu đồng/lượng.

Với thị trường chứng khoán, tỷ giá tăng đã nhấn hai sàn giao dịch chìm trong sắc đỏ. Hàng loạt cổ phiến ngành ngân hàng cùng lao dốc khiến chỉ số VN-Index mất tới hơn 10 điểm, dừng lại ở mức 570,18 điểm. Tuy nhiên, khi bước sang phiên buổi chiều, thông tin UBCKNN đã ban hành Thông tư 123 hướng dẫn về việc nới room, cộng với thông tin tốt khác là giá xăng giảm đã ngay lập tức có ảnh hưởng tích cực. Hết thời gian giao dịch, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 577,82 điểm, giảm 2,40 điểm (-0,41%). HNX-Index đứng ở mức 79,67 điểm, tăng 0,07 điểm (0,09%).

Bình luận về việc tăng mạnh tỷ giá của NHNN, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng việc NHNN nới rộng biên độ giao dịch USD/VND ngay ngày 12/8/2015, ngay sau khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá USD/CNY là hành động nhanh và gần như không có tiền lệ tại Việt Nam. Điều này cho thấy NHNN đang sẵn sàng xử lý các thách thức trên thị trường.

Điều chỉnh tỷ giá để chủ động dẫn dắt thị trường

Đây là khẳng định của Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng với phóng viên Báo CAND chiều 19/8. Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Việc điều chỉnh biên độ tăng lên +/-2% ngày 12/8 là giải pháp bước đầu nhằm ứng phó với việc CNY đột ngột giảm giá. Nếu như điều chỉnh luôn một lần vào thời điểm Trung Quốc điều chỉnh giảm giá đồng CNY, thị trường sẽ cho rằng, việc điều chỉnh này chỉ nhằm ứng phó với biến động của CNY, do đó sẽ tiếp tục kỳ vọng NHNN điều chỉnh tỷ giá, ảnh hưởng bất lợi tới sự ổn định của thị trường ngoại tệ. Tại thời điểm đó, NHNN đã cân nhắc mức điều chỉnh biên độ thêm 1% là phù hợp, kịp thời và cũng để tránh những kỳ vọng sai lệch của thị trường.

Sau khi NHNN điều chỉnh tăng biên độ, thị trường có xu hướng dần ổn định nhưng tâm lý thị trường trong nước còn nặng nề do lo ngại các hệ lụy của việc Fed sẽ sớm tăng lãi suất. Bởi vậy, nhằm chủ động dẫn dắt thị trường, NHNN quyết định điều chỉnh tăng cả tỷ giá BQLNH và biên độ thêm 1% ngày 19/8. Với việc điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và với biên độ +/-3% sau hai lần điều chỉnh vừa qua, tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

“Với quyết tâm bình ổn thị trường, NHNN đã chuẩn bị đầy đủ các giải pháp, công cụ cần thiết và sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định tỷ giá và thị trường trong biên độ đề ra”, bà Hồng khẳng định.

Hà An

Tăng áp lực lên nợ công và lạm phát

Mức phá giá tới 5% là đáng lo. Trước khi đồng tiền mất giá thì nợ công đã đáng lo rồi, giờ sẽ làm trầm trọng hơn. Không phải chỉ tính sổ sách giá trị tiền đồng tăng lên, mà ngoài ra, gánh nặng nợ công sẽ còn tăng lên trên thực tế, vì Chính phủ không in ra bằng USD được mà phải mua trên thị trường, phải tăng in tiền đồng để mua ngoại tệ. Còn lạm phát, ảnh hưởng rõ ràng. Năm trước mình xuất siêu, năm nay nhập siêu. Mà tỷ giá nhập khẩu cao, thì lượng tiền Việt Nam, cùng giá trị hàng nhập khẩu sẽ tăng lên. Và giá trị đó đi vào rổ hàng hóa sẽ làm tăng lạm phát.

(Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu)

Lệ Thúy
.
.
.