Có thể xuất hiện một vòng xoáy lạm phát - tỷ giá mới

Thứ Sáu, 29/05/2015, 08:44
“Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập” là chủ đề của Báo cáo kinh tế thường niên 2015 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR thực hiện công bố ngày 28/5 tại Hà Nội.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, kinh tế đang hồi phục từ từ nhưng tăng trưởng không cao. Một đặc điểm nữa là lạm phát thấp, tạo dư địa cho ổn định kinh tế vĩ mô và xu hướng lạm phát thấp sẽ tiếp tục kéo dài hết năm nay.

Nhưng ông cũng đặt câu hỏi, liệu xu hướng lạm phát có bị phá vỡ hay không? Với tình hình DN hiện nay, liệu DN đã thực sự theo đà phục hồi khi số DN thua lỗ kéo dài, không tiếp cận được vốn, DN phá sản, ngừng hoạt động vẫn cao.

Bên cạnh đó, khu hướng FDI vẫn dẫn dắt tăng trưởng đầu tư nhưng dòng vốn FDI vẫn duy trì khuynh hướng chững lại. Lạm phát thấp có dư địa cho nới lỏng chính sách tài khóa. Nhưng với nguồn thu ngân sách thiếu hụt như năm nay, thâm hụt ngân sách cao bất thường do nguồn thu giảm mạnh còn chi vẫn chưa kiểm soát chặt.

Nhiều khả năng Chính phủ phải sử dụng các biện pháp bù đắp thâm hụt, như phát hành thêm trái phiếu chính phủ, dùng quỹ dự trữ cho ngân sách vay… sẽ tác động làm tăng lạm phát và cũng sẽ tăng thêm áp lực cho tỷ giá.

Bản báo cáo lưu ý những yếu tố sẽ gây ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu và Việt Nam. Mỹ dự kiến sẽ điều hành thắt chặt chính sách tiền tệ bằng công cụ lãi suất trong tháng 6/2015 có thể gây ra áp lực nhất định lên tỷ giá hối đoái đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Đồng USD mạnh lên sẽ gây áp lực cho điều hành chính sách tỷ giá. Nếu đồng USD tăng mạnh thì các khoản nợ nước ngoài phải trả bằng USD có thể sẽ phải gánh chi phí nợ cao hơn.

Phan Đức
.
.
.