Tiềm ẩn thất thoát, tham nhũng trong quản lý đất đai
- Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí BOT cầu Bạch Đằng
- Kiểm toán Nhà nước đề nghị thu hồi 168 tỷ đồng về quỹ bảo hiểm y tế
- Hoạt động Kiểm toán Nhà nước cần theo sát, phục vụ quản lý, điều hành của Chính phủ
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018. Qua đó cơ quan kiểm toán cho biết công tác quản lý đất trong năm 2018 còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát, tham nhũng. Bên cạnh đó là hàng loạt vấn đề liên quan đến tồn tại của các dự án BT, BOT giao thông… Và không ít sự vụ đã được Kiểm toán chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Kết quả Kiểm toán năm 2018 đã chỉ ra 7/8 dự án BOT có vấn đề. |
Liên quan đến vấn đề quản lý đất đai, KTNN cho biết tại TP. Đà Nẵng đã để xảy ra tình trạng ban hành quyết định thu hồi đất khi dự án chậm triển khai sai thẩm quyền.
“UBND Quận Liên Chiểu tự giao đất cho 2 dự án đầu tư Trường Đào tạo Du lịch và Dịch vụ trên đất thuê 50 năm (20.438m2) từ năm 2009 đến nay chưa triển khai, UBND quận đã ban hành 2 Quyết định thu hồi đất 2 dự án này không đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 37 Luật Đất đai 2003 và Điều 66 Luật Đất đai 2013 mà chưa đề xuất UBND thành phố rút giấy phép đầu tư theo đúng quy định”, báo cáo của cơ quan kiểm toán nêu rõ.
Còn tại Ninh Bình; Thanh Hóa, Thái Bình, KTNN phát hiện có trường hợp sử dụng đất chưa đúng mục đích được giao, thuê đất nhưng các cơ quan có thẩm quyền chưa có biện pháp xử lý theo quy định.
Ngoài ra, có một số đơn vị đang sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh hoặc diện tích sử dụng thực tế cao hơn so với hợp đồng thuê đất nhưng địa phương chưa lập bộ tiền thuê đất theo quy định; còn chênh lệch giữa thời gian sử dụng đất và thời điểm tính tiền thuê đất theo hợp đồng thuê đất dẫn đến thiếu tiền thuê đất phải nộp tại tỉnh Lào Cai.
Tỉnh Quảng Ninh; Quảng Ngãi; Đồng Nai thì được KTNN nêu rõ “chưa điều chỉnh lại đơn giá thuê đất đối với trường hợp hết chu kỳ ổn định đơn giá thuê đất theo quy định”.
Hay tại tỉnh Kon Tum (huyện Ia HDrai), các dự án đầu tư điều chỉnh quy hoạch nhưng chưa xác định giá đất sau điều chỉnh quy hoạch để huy động vào ngân sách; xác định giá đất thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất không thông qua đấu giá hoặc giá khởi điểm đối với trường hợp giao đất qua đấu giá còn thấp hơn giá đất tại bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành là chưa phù hợp quy định.
Cũng theo báo cáo của KTNN, có trường hợp chưa xác định lại tiền thuê đất phải nộp đối với các đơn vị được nhà nước cho thuê đất thu tiền hàng năm nhưng đơn vị cho thuê lại theo hình thức thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê trước ngày 1/7/2014 theo quy định tại Nghị định số 135/2016/NĐ-CP; còn trường hợp xây dựng nhà trên đất nông nghiệp hoặc đất được quy hoạch là đất trồng cây xanh.
Trường hợp này xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk (TP Buôn Ma Thuột). Bên cạnh đó theo KTNN, hầu hết các khu đất doanh nghiệp đang sử dụng thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đô thị đều không thông qua đấu giá và giá trị quyền sử dụng đất định giá không sát giá thị trường gây nên thất thoát ngân sách nhà nước (NSNN).
Nói thêm về kết quả kiểm toán năm 2018, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho hay qua tổng hợp kết quả kiểm toán của 256 báo cáo kiểm toán trong năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỉ đồng, trong đó tăng thu 19.858 tỉ đồng, giảm chi NSNN 23.722 tỉ đồng.
Đặc biệt chuyển 5 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can hai vụ.
Đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 160 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí...
Đáng chú ý, theo KTNN, hiệu quả sử dụng các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư, chất lượng công trình chưa cao, công nghệ chưa thực sự tiên tiến. Kết quả kiểm toán 9 chương trình, 23 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 21.725 tỉ đồng.
Ông Phớc cũng cho biết kết quả kiểm toán cho thấy các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOTcó vấn đề. Cụ thể, qua kiểm toán bảy dự án BT cho thấy việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với quy định của Luật Đất đai. Việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT, đồng thời xác định giá đất theo phương pháp thặng dư cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lý, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường làm thất thoát lớn tài sản, NSNN.
”Đây là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, NSNN. Kết quả kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỉ đồng, trong đó có dự án tỉ lệ xử lý tài chính lên đến 29% giá trị được kiểm toán (Năm 2017 trở về trước, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỉ đồng tại 30 dự án)” – ông Phớc nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phớc, kết quả kiểm toán 8 dự án BOT trong năm 2018 cho thấy hầu hết các dự án thực hiện chỉ định Nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công; xác định sai khiến tăng tổng mức đầu tư; chưa quy định khung giá vé đối với dự án đầu tư của công trình giao thông; nghiệm thu, thanh toán sai... KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/8 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu (Năm 2017 trở về trước, KTNN đã kiến nghị giảm 227,4 năm của 67 dự án).