Sơn Đồng nơi tài hoa hội tụ

Thứ Năm, 07/11/2019, 05:20
Nằm ở ngoại thành, cách trung tâm thủ đô Hà Nội gần 30 cây số về phía Tây, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã có lịch sử hình thành từ nghìn năm nay. Đây là vùng đất cổ, giàu truyền thống văn hóa, truyền thống khoa bảng, và cũng từ lâu nức tiếng với nghề điêu khắc tượng phật và làm đồ thờ cúng tâm linh.


Truyền thống văn hóa và khoa bảng

Theo sử liệu ghi chép lại, khởi điểm xa xưa của làng Sơn Đồng bắt đầu là hai xóm Thượng Gạch, có từ thời Hai Bà Trưng. Đến triều đại nhà Đinh và nhà tiền Lê, vùng đất này có hai vị tướng từng tham gia đánh dẹp 12 sứ quân giúp vua thống nhất đất nước. Đó là tướng Vương Thanh Cao và Đào Trực. 

Ngôi đình làng Sơn Đồng được xây dựng từ thời Lý - Trần thờ tướng Vương Thanh Cao, đến nay đã được trên nghìn năm. Riêng ông Đào Trực trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược (năm 981) là Thượng tướng quân tiên phong. Sau khi cùng Triều đình đánh tan cuộc xâm lược của nhà Tống phương Bắc, ông về làng mở trường dạy học cho dân. 

Đồng thời cho di dời một bộ phận người dân ở Đức Thượng (nơi tiếp giáp thị trấn Phùng ngày nay) về thôn Thượng Gạch, lập nên làng mới mang tên Sơn Đồng. Với ý nghĩa hình ảnh cây ngô đồng mọc trên đỉnh núi, như là một biểu tượng của văn hóa. Sau khi ông Đào Trực mất, dân làng lập đền thờ trên chính ngôi nhà của ông, sau này gọi là Đền Thượng Đức thánh làng.

Ở Sơn Đồng hiện nay vẫn còn chiếc cổng làng được xây dựng từ thế kỷ 17. Chiếc cổng này đặc biệt ở chỗ trên nóc đắp hình chiếc mũ của ông quan văn, có ghi ba chữ “quan miện lý” nghĩa là Làng đội mũ quan, và đôi câu đối “Khanh Sỹ đa do Thử/ Tư dân trực vi hành”, dịch nghĩa là: các Khanh Sỹ từ đây mà ra giúp nước/ người dân thì cứ thẳng đường mà tiến. Mấy thế kỷ nay, chiếc cổng làng như một chứng tích lịch sử, phản ánh tinh thần hiếu học, ý chí vươn lên của các thế hệ người dân Sơn Đồng cả trong quá khứ và trong hiện tại.

Theo cuốn Danh nhân Đại khoa huyện Hoài Đức, do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành, trong hơn 6 thế kỷ, từ năm 1246 (nhà Trần) đến năm 1889 (nhà Nguyễn) ở Sơn Đồng đã có 9 vị đỗ Tiến sĩ qua các kỳ thi,  trong đó 8 người đỗ chính khoa, 1 người đỗ Ân khoa. Nhiều người được bổ các chức sắc quan trọng, được phong tước cao trong các triều đình phong kiến. 

Đó là Thám hoa Vương Hữu Phùng năm Bính Ngọ (1246) đời vua Trần Thái Tông. Tiến sĩ Hoàng Nhân Bản (1466) đời vua Lê Thánh Tông; Hoàng Giáp Nguyễn Hữu Phu (1442) đời vua Lê Thái Tông; Tiến sĩ Nguyễn Văn Quảng (1640) đời vua Lê Thần Tông; Hoàng Giáp đình nguyên Nguyễn Viết Thứ (con cụ Nguyễn Văn Quảng) hai lần đỗ tiến sĩ các năm 1664 và 1676, đời vua Lê Huyền Tông; Tiến sĩ Nguyễn Trí Cung (1703) đời vua Lê Huy Tông; Tiến sĩ Nguyễn Chí Vị (1712) đời vua Lê Dụ Tông; Tiến sĩ Nguyễn Trung Khuyến (1889) đời vua Thành Thái nhà Nguyễn.

Nghệ nhân Sơn Đồng đang tạc tượng tại xưởng.

Không chỉ có các bậc danh nhân đại khoa, ở Sơn Đồng còn có 4 vị quan võ tiếng tăm trong đó có quan tổng binh Nguyễn Thời Trung và quan tổng binh Nguyễn Công Phái được phong tước Hầu. Các vị khoa bảng ở Sơn Đồng sau khi đỗ đạt đều ra làm quan giúp  nước, đều để lại tiếng thơm cho hậu thế. Ngày nay về Sơn Đồng ta vẫn được nghe câu chuyện về ngôi nhà “nhất dạ tất thành” làm trong một đêm. Đây là chuyện có thật, nói lên lòng biết ơn, tình nghĩa của những con người thanh liêm dù ở chức cao vọng trọng.

Chuyện thế này: Cụ Nguyễn Viết Thứ người làng Sơn Đồng bấy giờ đang giữ chức Hình bộ thượng thư, Tham tụng, Tể tướng của phủ Chúa (thời Lê - Trịnh) thì có một chuyện xảy ra ở thôn Đông Lao cũng ở huyện Hoài Đức cách Sơn Đồng không xa có ông Nguyễn Công Triều làm quan Trấn phủ xứ Sơn Tây. Vì muốn giúp quê xây dựng đền, chùa, nên khi vâng lệnh Vua đi đắp đê ở khu vực Sơn Tây, ông Triều có mượn con voi của triều đình, tranh thủ về kéo gỗ, giậm nền nhà. Chẳng may con voi bị chết. 

Theo luật triều đình bấy giờ, muốn thoát tội thì phải đền, bằng cách làm con voi bằng tre to đúng bằng con voi thật, đổ đầy tiền vàng vào đấy nộp cho triều đình thì thoát tội, bằng không thì bị xử rất nặng. Thực tế toàn bộ gia sản của ông Nguyễn Công Triều bấy giờ có đổ vào cũng không đủ cho bốn cái chân voi. Bí quá ông Nguyễn Công Triều tìm đến Tể tướng Nguyễn Viết Thứ cầu cứu. Cụ Nguyễn Viết Thứ rất ái ngại, vì nể tình ông Nguyễn Công Triều về tuổi tác, lại là đồng hương nên nhận lời tìm cách giúp đỡ.

Cụ Thứ vốn gần gũi với Chúa Trịnh Căn, rảnh rỗi Chúa lại mời cụ đánh cờ. Một lần hai người chơi cờ, cụ Thứ giả thua liền ba ván. Thấy vậy chúa Trịnh Căn hỏi: “Sao khanh hôm nay lại đánh cờ như vậy?”. Cụ Thứ nói: “Thần đang có một việc khó xử”. Chúa hỏi: “Chuyện gì thì cứ nói ra”. 

Bấy giờ cụ Thứ mới bảo: “Có anh nông dân đi cày thuê, hôm dắt con trâu của chủ đi cày không may bị gió, trâu chết, nhà chủ lại bắt đền con trâu, thấy tội quá”. Chúa nghe thì bảo: “Nó nghèo thế thì lấy gì mà đền, thôi cứ giải hòa, không phải đền”. Lúc đó cụ Thứ liền quay sang hỏi Chúa: “Dạ, thế việc của Nguyễn Công Triều, ý Chúa thế nào ạ?”. Chúa nghe rồi cười, bảo: “Thôi không bắt đền nữa”. Thế là Nguyễn Công Triều thoát tội.

Nghe tin nhờ cụ Thứ nói đỡ mà mình thoát tội, một lần biết cụ Thứ về quê,  ông Nguyễn Công Triều mang theo vàng bạc đến xin gặp để trả ơn. Lúc ông Nguyễn Công Triều đến thì trời vừa chập tối, cụ Thứ đón tiếp niềm nở nhưng nhất quyết không nhận những thứ ông Triều mang đến. 

Biết không thể lay chuyển được cụ Thứ, ông Triều nhìn quanh ngôi nhà rồi nói: “Tổ tiên là tổ tiên chung,  mà quan lớn ở ngôi nhà xuyềnh xoàng thế này, cho tôi làm một cái nhà để thờ tổ tiên”. Cụ Thứ không muốn nhận, nên nói thách là nếu làm xong trong một đêm thì nhận, vì cụ nghĩ không thể làm được ngôi nhà trong một đêm.

Nghe vậy Nguyễn Công Triều lập tức xin phép ra về, ngay trong đêm huy động hàng trăm người, chia làm nhiều tốp, tốp đắp nền nhà, tốp xây tường gạch, tốp dỡ hậu cung của ngôi nhà mới dựng nhưng chưa lợp, vận chuyển lên Sơn Đồng rồi lắp ráp và dựng lại trên nền mới… Đến khoảng 4 giờ sáng thì ngôi nhà 5 gian, 2 chái dài 18m đã hoàn thành. Chính cụ Thứ cũng kinh ngạc, vì ngôi nhà chỉ làm trong một đêm. Trải qua mấy trăm năm, ngôi nhà vẫn còn vững chắc, nguyên vẹn đến ngày hôm nay.

Nức tiếng một làng nghề

Sơn Đồng từ lâu đã nổi tiếng là một làng bách nghề. Trong đó có nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển từ thời Hai Bà Trưng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến ngày nay nghề phát triển nổi tiếng nhất ở Sơn Đồng là điêu khắc gỗ, làm tượng phật và các đồ thờ cúng. Sản phẩm sơn thếp vàng, thếp bạc, tô tượng ở Sơn Đồng nổi tiếng khắp cả nước. Đồng bộ với điêu khắc, còn có lối vẽ hoa văn cổ, tranh thờ… Đây cũng là nét riêng độc đáo ở Sơn Đồng.

Ông Nguyễn Viết Quý 77 tuổi, một nghệ nhân, người có am hiểu về lịch sử văn hóa làng Sơn Đồng cho biết: ông tổ của làng nghề điêu khắc, tạc tượng ở Sơn Đồng đến nay chưa xác định được. Nhưng từ khi cụ Đào Trực mất (sau năm 981), dân làng đã tạc tượng cụ, bức tượng thờ vẫn còn cho đến ngày nay, chứng tỏ khi đó trong làng đã có người biết tạc tượng. Nếu căn cứ vào đấy thì nghề tạc tượng ở Sơn Đồng đã có ngót nghìn năm.

Xưởng sản xuất đồ thờ cúng tại hộ gia đình.

Trong quá trình phát triển, ở thời kỳ nào Sơn Đồng cũng có những nghệ nhân tài giỏi. Có những nghệ nhân từng được các vua nhà Nguyễn ban thưởng vì có công. Không chỉ người Việt mà đến cả người Pháp cũng nể phục. Điển hình như các ông Nguyễn Viết Kim, Nguyễn Bá Đấu, Nguyễn Đức Dậu… Về Hội họa cổ dân gian, vẽ tranh thờ ở Sơn Đồng có hai nghệ nhân là ông Trần Đình Nhung và ông Nguyễn Viết Quý.

Riêng ông Nguyễn Viết Quý trong mấy chục năm qua đã vẽ hàng nghìn bức họa ở các nơi thờ tự. Tiêu biểu nhất là các bức vẽ ở nơi thờ các Vua Hùng (Đền Hùng, Phú Thọ), Đền thờ Bác Hồ ở đảo Cô Tô, vẽ ở đền thờ Hai Bà Trưng ở Đồng Nhân (Hà Nội), vẽ đền thờ Chu Văn An ở Thanh Trì, vẽ Tứ trấn ở đền Voi Phục. Tháng giêng năm 2019, dù đã ở tuổi 77 ông còn vẽ tranh thờ ở đình Hương Canh, Vĩnh Phúc nơi thờ Ngô Quyền và con trai là Ngô Xương Ngập…

Theo ông Quý, cái khó của vẽ tranh cổ là phải dựa vào điển tích, phong thủy, hà đồ lạc thư, chức tước của nhân vật để vẽ điểm nhấn. Như nơi thờ vua thì dùng màu vàng, tể tướng là màu đỏ, tiến sĩ thì dùng màu xanh, chứ không thể tùy tiện, lẫn lộn được.

Về Sơn Đồng bất cứ vào thời điểm nào, ta cũng cảm nhận được nơi đây như một công xưởng lớn, tiếng cưa, tiếng đục đẽo vang khắp ngõ xóm. Dọc theo các đường ngõ trong làng là san sát các cửa hàng trưng bày đồ mỹ nghệ, tượng phật, đồ thờ cúng…

Theo khảo sát của Hiệp hội làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, thì hiện nay sản phẩm các loại đồ thờ cúng của làng đã có mặt ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ  tịch UBND xã Sơn Đồng, cho biết hiện cả xã có 2.500 hộ dân, thì có tới 65% số hộ theo nghề kinh doanh thủ công mỹ nghệ. Trong đó một nửa làm nghề điêu khắc gỗ. Cả xã hiện có 300 xưởng sản xuất với 5.000 lao động lành nghề, trong đó có nhiều nghệ nhân giỏi. 

Được biết mặc dù đã có Hiệp hội làng nghề mỹ nghệ, nhưng chủ yếu vẫn tập trung sản xuất ở hộ gia đình. Từng hộ gia đình với truyền thống và kinh nghiệm mà phát huy thế mạnh của mình, tự truyền nghề đào tạo thợ và làm đủ các mặt hàng như ngai, ỷ, giá gương, các loại kiệu (bát cống, song hành, kiệu mẫu, long đình), các loại hoành phi, câu đối, cuốn thư, ô sa, cửa võng, các loại đồ thờ và tượng phật.

Ông Nguyễn Viết Hùng cho biết thêm, nhờ làng nghề phát triển mà thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 40-50 triệu đồng/người/ năm. Thu hút nhiều lao động, người dân có công ăn việc làm ổn định, đời sống văn hóa xã hội phát triển, an ninh trật tự được giữ vững. 

Hà Văn Thể
.
.
.