“Đánh thức” làng nghề truyền thống nhờ mỹ thuật

Thứ Hai, 10/06/2019, 09:30
Làng nghề thủ công Việt Nam có lịch sử phát triển hàng nghìn năm. Các sản phẩm làng nghề không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người dân, mà còn thể hiện tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng làng nghề đang mai một dần.

Tiếc những di sản quý dần rơi vào quên lãng, người gắn bó với hoạt động mỹ thuật bắt đầu tìm cơ hội “đánh thức” các làng nghề. Tuy nhiên, đến hiện tại, những cuộc hợp tác này vẫn chưa hẳn tương xứng với những tiềm năng sẵn có.

Trong số các nghề truyền thống nổi tiếng của Việt Nam, nghề làm giấy dó ra đời sớm, đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau trong xã hội xưa. Các tư liệu lịch sử cho thấy, ít nhất nghề làm giấy đã có ở Việt Nam từ thế kỷ ba sau công nguyên.

Ngày càng nhiều nghề truyền thống tìm lại được vị trí của mình trong đời sống xã hội.

Đó là khẳng định của họa sĩ, nhà nghiên cứu Đào Ngọc Hân. Cũng theo họa sĩ Hân,  giấy dó ở phường Yên Thái, Hồ Tây, Hà Nội  đã từng là mặt hàng triều cống cho triều đình nhà Tống của đời vua Lý Cao Tông (1176-1210).

Trong sách "Dư địa chí" (1435), Nguyễn Trãi cũng đã đề cập đến phường Yên Thái ở Thăng Long gồm các làng Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thọ, Yên Thái, Nghĩa Đô làm ra nhiều loại giấy gồm giấy sắc (để viết sắc của vua ban), giấy lệnh (để viết các lệnh chỉ của vua), giấy bản (phục vụ dân dụng), giấy quỳ...

Khẳng định giấy dó có những công dụng và giá trị quý, khó có thể bị thay thế, họa sĩ Lý Trực Sơn cho hay, giấy dó truyền thống dù mộc mạc, mỏng manh nhưng có tính dai, độ bền, hút ẩm tốt. Một tờ giấy dó trải qua đúng công đoạn, quy trình có thể lưu giữ hàng trăm năm. Với họa sĩ như ông, đây là chất liệu vô cùng quý giá để làm nên những đặc trưng không thể trộn lẫn cho các tác phẩm hội họa của mình.

Đến nay, tranh trên giấy dó vẫn là những tác phẩm được nhiều nhà sưu tập, người chơi tranh tìm mua với giá cao.

Thực tế, câu chuyện của các làng làm giấy dó không phải là trường hợp cá biệt và duy nhất. Nhiều năm nay, người quan tâm đến sự hồi sinh cho làng nghề truyền thống Việt cũng từng khấp khởi vui mừng trước sự phát triển trở lại của khá nhiều làng nghề. Trong đó, làng sơn mài Hạ Thái là một trong số những ví dụ điển hình.

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 17km, làng nghề Hạ Thái, huyện Thường Tín từng nổi danh bởi có những họa sỹ Việt Nam đầu tiên học ở Trường Mỹ thuật Đông Dương sinh sống và làm việc. Các nghệ sỹ đã tìm tòi, phát hiện thêm các vật liệu như vỏ trứng, ốc, cật, tre… để tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo và dấu ấn khó trộn lẫn của sản phẩm sơn mài Hạ Thái.

Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, Hạ Thái là đã trở thành một trong những địa phương nổi tiếng về cung ứng các sản phẩm sơn mài và là một trong những điểm đến dành cho du khách. Sự thành công này có vai trò đóng góp của khá nhiều gương mặt trong giới mỹ thuật, đặc biệt là mỹ thuật ứng dụng.

Tuy nhiên, “lịch sử” hồi sinh làng nghề có vẻ như được lặp lại khi đâu đó, tại Hạ Thái đã bắt đầu thấp thoáng những tiếng thở dài và nghệ nhân người gốc làng Hạ Thái cho rằng, sản phẩm sơn mài Hạ Thái phục vụ nhu cầu cuộc sống có được thị trường nhất định. Nhưng, tinh hoa của làng nghề - tranh sơn mài Hạ Thái thì không hẳn có được sự hồi sinh như mong muốn.

Về vấn đề này, họa sĩ Lý Trực Sơn cũng cho hay, nhiều tinh hoa của làng nghề truyền thống chưa thực sự được phát huy giá trị như cần có trong đời sống xã hội hiện nay. Ví dụ như với giấy dó phục vụ cho sáng tạo hội họa có những đòi hỏi khắt khe hơn so với thông thường.

Ngược lại, khi đáp ứng được yêu cầu của họa sĩ, sản phẩm có giá thành cao hơn nhiều. Tuy nhiên, những sản phẩm như thế buộc phải được tập trung đầu tư cao cả về tâm sức lẫn cơ sở vật chất. Không nhiều nghệ nhân dám mạnh dạn “đặt cược” kinh tế gia đình vào kênh đầu tư này.

Đây là điều đáng tiếc. Bởi qua nhiều “kênh”thông tin, ông được biết, xu hướng hồi sinh làng nghề truyền thống nhưng không quá chú trọng vào số lượng, mà tập trung cho chất lượng. Sản phẩm làm ra có thể ít, song chất lượng cao, giá thành cao. Đây cũng là xu hướng chung của khá nhiều quốc gia, trong đó, Nhật Bản là điển hình mà người làm nghề truyền thống Việt có thể tham khảo.

Họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Đức thì cho rằng, việc kết nối với các họa sĩ theo đuổi mỹ thuật ứng dụng là một trong những cách thức giúp sản phẩm làng nghề truyên thống đa dạng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Những sản phẩm chất lượng cao, mang tính đặc trưng riêng, phục vụ hội họa cũng là một cách thức dù không hẳn giúp làng nghề phát triển đại trà trở lại. Ưu điểm của cách thức này là không cần phải phát triển ồ ạt, sản xuất ít, ít gây ô nhiễm môi trường nhưng mang lại giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, dù phát triển theo kiểu đại trà hay theo hướng sản xuất ít mà hiệu quả kinh tế cao thì không thể phát triển tự phát, mà cần có sự kết hợp một cách lâu dài, bài bản hơn và có sự tham gia tích cực hơn của cơ quan quản lý nhà nước, đoàn hội để người làm nghề, dù đầu tư theo xu hướng nào cũng yên tâm hơn.

N.Nguyễn
.
.
.