Phát triển du lịch làng nghề truyền thống

Thứ Sáu, 30/11/2018, 08:01
Hiện nay, tại Hà Nội có hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm gần 30% tổng số làng nghề cả nước, trong đó có 297 làng nghề truyền thống.


Dấu vết của các làng nghề cổ xưa, thế mạnh về sản phẩm thủ công truyền thống, văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội, cảnh quan đang giúp các làng nghề thủ công Hà Nội thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan, trở thành nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc.  Nhưng, phát triển du lịch làng nghề cũng đang gặp không ít bất cập, cần được khắc phục.

Manh mún tự phát

Theo Sở Du lịch Hà Nội, làng dệt lụa Vạn Phúc hiện nay đón từ 5.000 đến 7.000 khách tới giao dịch, tham quan mỗi tháng. Tuy nhiên, đây chỉ  là một trong số các điểm đến thu hút đông khách du lịch của Thủ đô. Ngoài Vạn Phúc, các làng nghề thủ công truyền thống thường thu hút nhiều khách du lịch phải kể đến làng gốm sứ Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái, nón Chuông…

Trong đó, làng gốm sứ Bát Tràng đón hàng triệu khách mỗi năm. Du khách tìm đến với làng nghề Hà Nội không chỉ bởi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng, phong phú, mang đậm tính dân tộc mà còn bởi cơ hội được tham quan nơi sản xuất, tiếp xúc với thợ thủ công, trực tiếp tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất.

Làng lụa Vạn Phúc – một trong những điểm đến được yêu thích của du khách tại Hà Nội.

Những trải nghiệm, khám phá những giá trị văn hóa truyền thống ẩn chứa trong từng sản phẩm, trong nét sinh hoạt đời thường của người dân, khám phá cảnh quan đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ qua cổng làng, đền thờ tổ, đình cổ, nhà cổ…

Nắm bắt nhu cầu thực tiễn, nhiều năm gần đây, các làng nghề đã được nhiều địa phương quan tâm tập trung đầu tư, phát triển thành điểm đến du lịch hấp dẫn của Thủ đô.

Cụ thể, tại Hà Đông, 3 làng nghề truyền thống nổi tiếng gồm dệt lụa Vạn Phúc, rèn Đa Sỹ, mộc Thượng Mạo đã được xác định là 1 trong 6 cụm du lịch trọng điểm của Hà Nội trong quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông cũng cho hay, Hà Đông đã kết hợp nguồn đầu tư của quận và xã hội hóa ở địa phương gần 100 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích, quy hoạch đầu tư khu điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa truyền thống với diện tích 13ha. Làng nghề này đã có trên 300 cơ sở, doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất. Đáp ứng nhu cầu lưu trú, tham quan, giải trí tại địa phương có 6 khách sạn, 144 nhà nghỉ…

Tuy nhiên, đánh giá về phát triển du lịch làng nghề Hà Nội nói chung, ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, bên cạnh những mặt nổi bật thì du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội cũng đang tồn tại không ít bất cập. Hoạt động của các làng nghề vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát triển, tự sản xuất và tìm nguồn ra còn gặp khó khăn.

Cơ sở hạ tầng, kỹ thuật du lịch còn yếu. Sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch chưa đặc sắc, thiếu tính hấp dẫn, chưa có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Người dân địa phương tại làng thiếu những kiến thức chung về văn hóa, nghiệp vụ du lịch, khả năng giao tiếp với du khách nên không thể giới thiệu, bán sản phẩm hiệu quả…

Tăng cường kết nối với doanh nghiệp

Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông cũng thừa nhận, việc đưa Vạn Phúc thành điểm du lịch hấp dẫn đang gặp nhiều khó khăn. Vì mục tiêu ngắn hạn mà một số tiểu thương ở làng chấp nhận sự có mặt của hàng ngoại lai, từ đó làm xấu đi hình ảnh thương hiệu và mức độ nhiệt tình với nghề của người dân bản địa.

Giá nguyên liệu không ổn định và quá cao nên giá thành sản phẩm lụa phải tăng. Để may một chiếc áo lụa cao cấp phải chi tối thiểu từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nhưng các chất liệu pha nilon, đũi thì giá chỉ bằng 1/3.

Du khách không hiểu rõ rất dễ ngộ  nhận về chất lượng lụa Hà Đông… Việc gắn kết làng nghề với doanh nghiệp sản xuất, quảng bá, tiêu thụ chưa thực sự hiệu quả, tiền công thu về từ nghề dệt quá thấp nên truyền nghề cho thế hệ sau đang gặp khó khăn…

Để khắc phục bất cập trong phát triển du lịch làng nghề truyền thống, theo ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, giải pháp hiệu quả nhất là tăng cường kết nối doanh nghiệp. Chỉ có giải pháp này mới giải quyết được thách thức về việc cân đối giữa sự phát triển kinh tế làng nghề mà vẫn giữ gìn được nét truyền thống.

Đây cũng là giải pháp hỗ trợ  hiệu quả việc làm du lịch chuyên nghiệp. Doanh nghiệp chính là đơn vị nắm được nhu cầu, sở thích, thói quen mua sắm của khách, từ đó tư vấn, hỗ trợ đào tạo nhân công làng nghề trong công tác tiếp cận mua bán, quảng bá sản phẩm, có sự đầu tư, hỗ trợ các hộ gia đình làng nghề đổi mới theo mô hình phù hợp để phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội phân tích: Vướng mắc chính của phát triển du lịch làng nghề vẫn là bài toán về sự gắn kết cần thiết giữa nghệ nhân, làng nghề và doanh nghiệp du lịch chưa có lời giải thỏa đáng.

Nghệ nhân là nhân tố quan trọng để giữ gìn, phát triển làng nghề gắn với du lịch nhưng hiểu biết về du lịch, sản phẩm phù hợp với du khách thì họ không nắm rõ. Nghệ nhân giỏi chỉ biết làm nghề và sáng tạo, không giỏi kinh doanh.

Muốn nghệ nhân gắn kết với du lịch, cần xác định rõ nhóm ngành nghề nào phù hợp để phát triển du lịch. Khi đó, doanh nghiệp sẽ cùng các nhóm nghệ nhân, cơ quan quản lý ngồi lại xây dựng chiến lược phát triển du lịch cho làng nghề, đồng bộ từ nơi tham quan đến hoạt động hướng dẫn, trải nghiệm… cho du khách.

N.Nguyễn
.
.
.