Lỏng lẻo trong quản lý khai thác khoáng sản ở Bình Thuận

Thứ Hai, 13/11/2017, 09:58
Trước thực trạng khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng (chủ yếu cát xây dựng) trái phép diễn ra phức tạp, công khai, thách thức chính quyền trên địa bàn huyện Hàm Tân, cuối tháng 10-2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn chỉ đạo Sở TN&MT cùng các sở, ngành liên quan và lãnh đạo huyện Hàm Tân xử lý dứt điểm thực trạng này. 

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền huyện, xã khi để xảy ra trong một thời gian dài. Trường hợp phát hiện cán bộ, đảng viên có hành vi “bảo kê”, móc nối, bao che, dung túng, phải xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật.

Theo nhiều người dân tại Hàm Tân, sự kiên quyết của lãnh đạo UBND tỉnh trước thực trạng này là cần thiết, nhưng chưa đủ vì tình trạng khai thác khoáng sản trái phép không chỉ xảy ra ở Hàm Tân và nguyên nhân sâu xa của vấn nạn chính là ở khâu quản lý còn lỏng lẻo. Bởi ngay cả các dự án được cấp phép khai thác hẳn hoi còn chưa quản nổi thì nói gì đến khai thác trái phép…

Nhiều mỏ ở Bình Thuận khai thác xong không khôi phục hiện trạng ban đầu.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, định kỳ hằng năm, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp cùng các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra công tác cải tạo, phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. 

Từ năm 2016 đến tháng 7-2017, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt đề án đóng cửa mỏ đối với 20/21 dự án khai thác titan, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. 

Theo đánh giá của UBND tỉnh thì các mỏ khai thác làm tốt công tác cải tạo, phục hồi môi trường, nhưng qua ghi nhận của chúng tôi từ thực tế cho thấy nhiều mỏ (nhất là mỏ khai thác titan) khi hoàn thổ chỉ làm qua loa, trồng lại cây theo kiểu “che mắt thiên hạ”. 

Các mỏ khai thác titan ở khu vực Thiện Ái (Bắc Bình), nhiều chủ đầu tư chưa san lấp lại mặt bằng theo hiện trạng ban đầu; trồng lại cây chủ yếu ở khu vực phía sát mặt đường để làm cảnh, còn ở bên trong chỉ là đồi trọc…

Một trong những nguyên nhân chính được xác định là do số tiền ký quỹ hoàn phục môi trường quá thấp, chênh lệch khá lớn so với sồ tiền bỏ ra để khôi phục môi trường. Do vậy, chủ đầu tư chấp nhận bỏ tiền ký quỹ và rút êm mà vẫn được lợi. 

Như 21 mỏ nói trên, số tiền ký quỹ chỉ hơn 9,2 tỷ đồng, trong khi đó mỗi mỏ khai thác titan rộng đến hàng chục hécta, số tiền ấy chỉ đủ để hoàn thổ, trồng lại cây cho vài mỏ… Đặc biệt là đối với 58 mỏ được cấp phép khai thác còn hiệu lực thì số tiền ký quỹ chỉ hơn 2,2 tỷ đồng, bình quân mỗi mỏ ký quỹ khoảng 38 triệu đồng - một con số không đáng kể (!).

Ông Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận, đại biểu HĐND tỉnh cho biết, trong một  báo cáo của Sở TN&MT vào tháng 12-2012 thể hiện, có 525 mỏ khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng đã nộp số tiền ký quỹ môi trường là 1,46 tỷ đồng (bình quân 5,7 triệu đồng/mỏ) nhưng sau khi giấy phép hết hạn đã không phục hồi môi trường. Sở cho biết sẽ chuyển kinh phí này cho các huyện, thành phố để thực hiện phục hồi môi trường, nhưng đến nay Sở đã chuyển tiền chưa và bao nhiêu mỏ đã phục hồi môi trường thì ngay cả ông Thiện cũng chưa được biết.

Sự quản lý lỏng lẻo còn thể hiện đối với trường hợp của Công ty Khoáng sản và Thương mại Bình Thuận. Công ty này được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản ở khu vực Suối Nhum từ năm 2009, hết hạn vào năm 2012, nhưng sau đó vẫn tiếp tục khai thác trái phép. 

Đã vậy, đến năm 2015, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận mới phát hiện công ty này còn nợ hơn 6,2 tỷ đồng tiền ký quỹ phục hồi môi trường. Đến nay công ty vẫn ngang nhiên hoạt động khai thác trái phép, không trả lại đất cho địa phương dù Sở TN&MT nhiều lần gửi công văn nhắc nhở. 

Hiện tại, công ty này cam kết sẽ hoàn tất đề án đóng cửa mỏ vào cuối năm 2017 nhưng chưa ai biết diễn tiến sẽ như thế nào, còn tiền nợ ký quỹ nhà nước cũng khó mà lấy được vì lãnh đạo công ty bảo… hết tiền!

Lý giải về vấn nạn khai thác khoáng sản trái phép, UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, từ khi Luật khoáng sản ra đời năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thực hiện, quy định về thủ tục xin cấp phép khai thác khoáng sản có giá trị cao (như vàng, titan…) và khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, đá…) là giống nhau nên các cá nhân, tổ chức khai thác khoáng sản thông thường có tâm lý e ngại xin giấy phép vì phải chờ đợi lâu và tốn kém. 

Bởi các dự án xin cấp phép chủ đầu tư phải tổ chức thăm dò, báo cáo đánh giá trữ lượng, lập hồ sơ môi trường, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ký quỹ phục hồi môi trường, thỏa thuận đền bù đất cho dân… dẫn đến không thu hút được nhà đầu tư xin cấp phép dự án khai thác. 

Trong khi đó, qua rà soát nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng thông thường của UBND các huyện, thị xã La Gi và TP Phan Thiết là khá cao nhưng khoáng sản vật liêu san lấp (ở các huyện Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân, Bắc Bình và Tuy Phong) và cát xây dựng (các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Phan Thiết, La Gi) chưa được cấp phép khai thác. 

Riêng sét gạch ngói tại huyện Tánh Linh và Đức Linh do vướng đất lúa chưa hoàn tất thủ tục đất đai để đủ điều kiện khai thác. Từ đó dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Theo các chuyên gia, những khó khăn mà UBND tỉnh Bình Thuận nêu ra là chưa sát với thực tế, bởi việc cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định hiện nay là chưa chặt chẽ, chưa hài hòa giữa các lợi ích của quốc gia, nhà nước, người dân và chủ đầu tư. Nếu đơn giản hóa, bỏ qua các khâu ràng buộc theo luật định sẽ dẫn đến tình trạng cấp phép tràn lan cộng với quản lý lỏng lẻo sẽ tàn phá môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên… 

Do đó, vấn đề chính ở đây chính là đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, chặn đứng những kẻ làm ăn gian dối, các nhóm lợi ích câu kết làm sai để dành cơ hội những người làm ăn lương thiện, tuân thủ nghiêm túc pháp luật hiện hành. 

M.Hải
.
.
.