Cách làm mới trong khai thác khoáng sản giúp người dân miền núi cao

Thứ Tư, 06/01/2016, 09:59

“Khai hoang, cải tạo đồng ruộng, thủy lợi kết hợp khai thác khoáng sản” hiện là một cách làm mới mà chính quyền địa phương huyện Tây Giang (Quảng Nam) đang áp dụng.

 

Qua đó, tài nguyên khoáng sản của địa phương được khai thác đúng mức, đồng thời công trình dân sinh,  đất hoa màu, đồng ruộng cho người dân cũng được cải tạo đáng kể, nhất là những lúc khó khăn trong mùa mưa lũ…

Ngày 6- 1- 2016, ông Bh'riu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang (Quảng Nam) cho biết: Dự án “Khai thác, cải tạo đồng ruộng, thủy lợi kết hợp tận thu khoáng sản” tại thôn A Ró, xã Lăng, huyện Tây Giang (Quảng Nam) là một cách làm mới, có lợi cho người dân, được triển khai tại địa phương.

Dự án “Khai thác, cải tạo đồng ruộng, thủy lợi kết hợp tận thu khoáng sản” tại thôn A Ró, xã Lăng, huyện Tây Giang (Quảng Nam) đang trong giai đoạn thi công.

 Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ra Quyết định phê duyệt Phương án Khai hoang, cải tạo đồng ruộng, thủy lợi kết hợp tận thu khoáng sản tại thôn Aró, xã Lăng, huyện Tây Giang cho Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu tư Phát triển Lâm nông nghiệp Việt Nam từ ngày 18- 9- 2015. Khu vực thực hiện phương án khai hoang với tổng diện tích đất thực hiện Dự án là gần 16 héc ta.  Cách thức triển khai là hạ thấp độ cao và san lấp để tạo các thửa ruộng bậc thang, kết nối với hệ thống thuỷ lợi A Ró để đảm bảo chủ động tưới tiêu, không bị ngập úng trong quá trình sản xuất sau này. Diện tích cải tạo thành đất sản xuất lúa nước gần 11 ha, diện tích cải tạo thành đất màu hơn 5 ha.

Sơ đồ vị trí khai hoang của dự án và quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Nam về Dự án “Khai thác, cải tạo đồng ruộng, thủy lợi kết hợp tận thu khoáng sản” tại thôn A Ró, xã Lăng, huyện Tây Giang.

 Theo ông Trần Bảy, Phó Chủ tịch HĐQT, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Lâm nông nghiệp Việt Nam đơn vị chủ đầu tư dự án thì:  Năm 2014, công ty lập dự án “Khai hoang, cải tạo đồng ruộng, thủy lợi kết hợp tận thu khoáng” tại thôn Aró, xã Lăng, huyện Tây Giang (Quảng Nam) với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã được triển khai gần 3 tháng nay, dự kiến đến hết năm 2016 hoàn thành. Ông Bảy cho biết, trước đó, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn tỉnh Quảng Nam, trữ lượng vàng ở đây không lớn. Tuy nhiên nếu có đầu tư khai thác cơ giới ở quy mô nhỏ, kết hợp với san lấp, cải tạo đồng ruộng thì có thể tận thu được một lượng vàng để bổ sung kinh phí cho việc cải tạo đất đồi bãi thành đất trồng lúa nước kết hợp với đầu tư hệ thống giao thông thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả. Đặc biệt, với vàng sa khoáng tận thu, công ty đào ao nước, lấy nước từ suối về lóng rồi điều qua khe, không hề sử dụng loại hóa chất nào nên không ảnh hưởng đến đến môi sinh, môi trường", ông Bảy cho biết.

Ông Trần Bảy, Phó Chủ tịch HĐQT, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Lâm nông nghiệp Việt Nam đơn vị chủ đầu tư dự án.
Được biết, tại văn bản đồng ý của Bộ Công Thương cũng cho rằng: “Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho việc cải tạo đất nông nghiệp hiện nay còn rất hạn chế, nhu cầu sử dụng đất ruộng trồng lúa nước của các hộ dân vùng núi bức thiết. Vì vậy, việc thu hồi khoáng sản vàng trên diện tích đất cải tạo nhằm bù đắp một phần nguồi kinh phí cho việc cải tạo, kết hợp với đầu tư hệ thống giao thông thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là phù hợp với tình hình thực tế và không trái với Luật Khoáng sản, góp phần tận thu tài nguyên, ngăn chặn được nguy cơ khai thác trái phép vàng sa khoáng tại khu vực trên”.
Hoài Thu
.
.
.