EVN tăng chi phí 7.200 tỷ, Chính phủ nhắc nhở xây dựng phương án giá điện 2017

Thứ Tư, 26/04/2017, 18:52
Chiều 26-4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn trong giai đoạn 2017- 2020. Theo EVN, việc biến động chi phí đầu vào (giá than, dầu...) đang làm EVN tăng chi phí sản xuất kinh doanh thêm 7.200 tỷ đồng trong năm nay.


Tại thời điểm này, ngành điện đang thu hút sự chú ý lớn của dư luận khi theo 1 số thông tin, các phương án giá điện đã được trình Chính phủ xem xét, đặc biệt sau khi có kết quả hiệp thương giá than (một đầu vào quan trọng của điện) cũng đã có. Chưa kể đến, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng liên quan tới khung giá điện tới 2020, cơ chế điều hành giá bán lẻ điện bình quân. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin cụ thể nào được tiết lộ. Do mức độ ảnh hưởng lớn của giá điện đến kinh tế - xã hội nên Chính phủ luôn rất thận trọng trong điều hành mặt hàng này. 

Trong buổi làm việc chiều 26-4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu EVN xây dựng kịch bản giá điện 2017 theo nguyên tắc tính đủ, đúng chi phí trong giá thành, đảm bảo có lợi nhuận phù hợp, tạo dư địa thu hút đầu tư, đảm bảo an ninh năng lượng, nhất là đảm bảo thu hút đầu tư năng lượng điện gió, mặt trời và kiềm chế lạm phát. Trong năm 2017, theo tính toán của EVN, tổng chi phí sản xuất kinh doanh tăng thêm do biến động các yếu tố đầu vào (giá than, khí, dầu,…) là hơn 7.200 tỷ đồng. Con số này phần nào giúp hình dung về kết quả hiệp thương giá than, dù kết quả này chưa bao giờ được công bố chính thức (tuy đã báo cáo Thủ tướng từ 31-3). 

"Chân dung" giá điện đã rõ hơn khi EVN cho biết bị đội chi phí 7.200 tỷ trong năm nay

Tuy nhiên, EVN cho biết đã đặt ra một loạt các giải pháp giảm chi phí sản xuất để giảm gần 3.000 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm. Như vậy, vẫn còn một khoản 4.200 tỷ đồng biến động chi phí đầu vào đang treo trên đầu giá điện, cùng với khoản chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ hết của những năm vừa qua. Áp lực tăng giá điện hiển hiện rất rõ ràng.

Bên cạnh đó, EVN cũng được đề nghị làm rõ kết quả sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp trong thời gian qua và kế hoạch sắp tới, trong đó có các vấn đề về cổ phần hóa, thoái vốn, xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh, tái cơ cấu tài chính, quản trị, nhân lực, công nghệ... Tất cả những nội dung này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVN, và theo đó là giá điện. EVN và các Bộ, ngành cũng được Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ các giải pháp, nhất là các giải pháp về huy động vốn để thực hiện Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia tới năm 2020. Bên cạnh đó là đảm bảo tách bạch nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh với nhiệm vụ công ích (tách chức năng đại diện chủ sở hữu với quản lý nhà nước, tách nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị), tiêu chí đánh giá DNNN trong lĩnh vực điện năng.

Trong giai đoạn 2011- 2016, EVN được đánh giá là đã hoàn thành kế hoạch hàng năm nhà nước giao, đảm bảo cung cấp điện, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Cho đến thời điểm này, trong các “ông lớn” tập đoàn, EVN đang tỏ ra vững vàng nhất, khi than, dầu khí đang liêu xiêu vì giá thấp. 

Tính đến cuối năm 2016, tổng công suất nguồn điện trên cả nước là 42.135 MW, trong đó EVN sở hữu 25.884 MW, chiếm 61,4%. Quy mô hệ thống điện của Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới. EVN cũng đạt và vượt kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, tổng công suất nguồn điện hoàn thành trong giai đoạn 2011- 2015 là 9.852MW, bằng 125% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Năm 2016, tổng doanh thu toàn EVN đạt 278.031 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2015. Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016 của EVN và các đơn vị đều có lãi.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị EVN tập trung chỉ đạo trọng tâm, trọng điểm thực hiện các dự án nguồn, lưới điện quan trọng; xây dựng kịch bản, cân đối nguồn vốn, từng năm một trong giai đoạn 2017- 2020 và xa hơn nữa; EVN tiết kiệm chi phí tối thiểu 10%. 

Về cổ phần hóa, thoái vốn, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn EVN phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa tại các Tổng công ty phát điện, cố gắng thực hiện được trong Quý III/2017. Về nâng cao năng lực quản trị của EVN, Phó Thủ tướng đề nghị EVN chủ động rà soát, đưa vào danh mục xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của Tập đoàn theo nguyên tắc thị trường. Đối với việc cung ứng giá cả đầu vào thì Phó Thủ tướng đề nghị cân đối các yếu tố theo các kịch bản khác nhau để hoàn thành 3 văn kiện quan trọng của ngành điện là: Khung giá bán lẻ điện 2016- 2020, Cơ chế điều hành giá điện và kịch bản điều hành giá điện năm 2017. 


Vũ Hân
.
.
.