Bộ Công Thương:

Đang tính toán phương án giá điện cho 2017

Thứ Sáu, 20/01/2017, 16:08
Sáng 20-1, tức 23 Tết Âm lịch (sớm hơn 1 ngày so với năm ngoái, công bố vào 24 Tết Âm lịch) Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo công bố giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2015. Theo đó, dù vẫn bán điện dưới giá thành khoảng 2,78 đồng/kWh, EVN vẫn có lãi hơn 2.130 tỷ đồng nhờ các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác.

Giá bán điện vẫn thấp hơn giá thành, lỗ kinh doanh điện gần 400 tỷ

Cụ thể, năm 2015, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 143,68 tỷ kWh, tăng khá nhiều so với mức 128,63 tỷ Kwh thực hiện trong năm 2014. Theo đó, giá thành điện bình quân trong năm là 1.633,74 đồng/kWh, cao hơn 94,39 đồng/kWh so với giá thành 1.539,35 đồng/kW của năm trước đó. Tỷ lệ tổn thất trên hệ thống đạt 7,94%.

Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2015 là 234.736,14 tỷ đồng (thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh), cao hơn 36,7 nghìn tỷ đồng (18,5%) so với con số 198.003,52 tỷ đồng của 2014.

Trong số này, giá phát điện là 1.234,7 đồng/kWh, tăng 45,84 đồng/kWh so với mức giá 1.188,86 đồng/kWh của năm 2014;

Giá thành khâu truyền tải là 99,61 đồng/kWh, tăng 17,82 đồng/kWh so với mức giá 81,79 đồng của năm 2014, tương đương tăng 21,8%;

Giá thành khâu phụ trợ, quản lý ngành là 7,32 đồng/kWh, tăng 0,28 đồng so với mức 7,04 đồng/kWh của năm trước.

Doanh thu bán điện năm 2015 là 234.339,52 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện bình quân là 1.630,96 đồng/kWh, cao hơn 98,41 đồng so với giá bán 1.532,55 đồng/kWh của năm trước, tăng 6,4%. Tuy nhiên, giá bán điện năm 2015 tiếp tục thấp hơn giá thành là 2,78 đồng/kWh. Với số liệu này, năm 2015, lỗ từ  hoạt động kinh doanh điện của EVN là khoảng 400 tỷ đồng, thấp hơn so với con số lỗ hơn 800 tỷ của năm trước đó.

Tuy nhiên, do có các nguồn thu khác, nên tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện 2015 của EVN và các hoạt động liên quan đến điện, EVN lãi 2,132,74 tỷ đồng (cao hơn nhiều so với con số lãi 823,83 tỷ đồng năm 2014). Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2015 là 2.529,36 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết chưa có phương án điều chỉnh giá điện 2017

Giá dầu giảm “cứu” lỗ tỷ giá 5.000 tỷ đồng

Đáng chú ý, giá thành mà Bộ Công Thương cung cấp có đề cập đến khoản chênh lệch tỷ giá gần 10.000 tỷ đồng. Cụ thể, chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến 31/12/2015 của các công ty sản xuất, kinh doanh điện do công ty mẹ EVN sở hữu 100% vốn là 8.501 tỷ đồng. Chênh lệch tỷ giá của khối các công ty cổ phần có vốn góp chi phối của EVN là 1.095,76 tỷ đồng.

Ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, tổng khoản lỗ chênh lệch tỷ giá của năm chưa được tính vào giá điện là 9.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, rất may, việc giảm giá dầu đã giảm chi phí cho EVN khoảng 5.000 tỷ đồng, gánh 1 nửa lỗ tỷ giá. Phần còn lại, ông Đinh Quang Tri cho biết EVN đã xin ý kiến các Bộ, tự cân đối 3.500 tỷ. Như vậy, hiện chỉ còn khoảng 1.400 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá của năm 2015. “Theo chế độ kế toán, phần chi phí này phải hạch toán hết trong năm; nhưng EVN liên quan đến giá điện, đưa hết vào sẽ đẩy giá điện lên cao, không đưa vào sẽ lỗ; nên EVN đã báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho phép hạch toán dần trong 5 năm, khi nào có điều kiện sẽ đưa vào” – ông Đinh Quang Tri cho biết. Trước đó, công bố báo cáo tài chính quý II/2016, EVN cho biết chênh lệch tỷ giá 6 tháng này lại là hơn 6 nghìn tỷ.

Về biến động nhiên liệu 2015 ảnh hưởng đến giá điện, ông Đinh Quang Tri cho biết: Có 2 biến động lớn. Thứ nhất là than, tuy không biến động về giá nhưng có thay đổi về tiêu chuẩn độ ẩm từ 8% lên 8,5%, làm tăng chi phí hơn 200 tỷ/năm. Giá khí, giá dầu giảm giúp giảm chi phí so với dự kiến hơn 5.000 tỷ như đã đề cập, điều này giúp cho chi phí của EVN năm 2015 bớt căng thẳng và giá điện không bị đẩy lên quá cao.

Có sức ép tăng giá điện 2017

Về xu hướng giá điện năm 2017 khi thực tế có nhiều yếu tố gây sức ép tăng giá (như việc chính thức điều chỉnh giá than từ 24-12-2016 dự kiến làm chi phí của EVN tăng gần 5.000 tỷ, cùng với tỷ giá có khả năng tăng và sức ép đầu tư của EVN ngày càng lớn), ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thừa nhận có những yếu tố gây sức ép lên giá, cụ thể là giá than; tuy nhiên, đây mới chỉ là 1 trong 4 yếu tố đầu vào.

Vẫn còn nhiều chi phí chưa tính vào giá điện

“Giá điện là điều đông đảo hộ tiêu thụ điện hết sức quan tâm. Theo Quyết định 69, hàng năm đều xây dựng giá điện làm cơ sở cho điều chỉnh giá điện trong năm. Sau khi có kết quả kiểm tra giá thành, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN khẩn trương xây dựng giá cơ sở điện của 2017 - tính toán trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành của 2015, kết quả ước thực hiện của 2016 và tính toán chi phí, giá thành của 2017 để Bộ Công Thương tiến hành thẩm định giá cơ sở. Nếu có biến động của yếu tố đầu vào: nhiên liệu, tỷ giá, tỷ lệ các nguồn điện (sản lượng huy động thủy, nhiệt điện, tua bin khí...) và chi phí mua điện của các nhà máy trên thị trường điện, nếu cao hơn từ 7% trở nên mới tiến hành điều chỉnh giá. Hiện EVN đang xây dựng giá cơ sở và chưa có quyết định điều chỉnh” – ông Tuấn khẳng định.


Vũ Hân
.
.
.