EVFTA tạo sự bứt phá cho xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU
- Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam
- Hiệp định EVFTA không chỉ tạo cơ hội cho ngành Dệt may
- Dệt may phải làm gì để nắm bắt cơ hội từ thị trường châu Âu
- Ngành dệt may trước nhiều thách thức
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam xuất khẩu sang EU năm 2018 là 42 tỷ USD, trong khi nhập khẩu 13,9 tỷ USD. EU luôn là 1 trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong thời gian qua. Ngoài ra, EU cũng là thị trường rộng lớn, họ cũng dành ưu đãi Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam.
Bà Cecilia Malmsrom, Cao ủy thương mại của EU cũng cho rằng, Hiệp định EVFTA là hiệp định tham vọng nhất mà EU ký với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Bởi EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU.
Với Hiệp định được ký kết, trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, gần như toàn bộ 100% biểu thuế và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (tối đa là 7 năm). Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết.
Bên cạnh đó, những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.
Ngành Dệt may sẽ được hưởng lợi khi EVFTA chính thức có hiệu lực. |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, đối với XK, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường và mặt hàng XK, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản, cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Khi EVFTA được thực thi, rất nhiều cơ hội gia tăng XK được mở ra cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như: Dệt may, da giày, nông, thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ,… Ông Lương Hoàng Thái nhận định, dệt may là một trong những ngành hàng khá điển hình được nhận định sẽ hưởng nhiều ích lợi khi EVFTA chính thức có hiệu lực.
Thuế quan với tất cả hàng dệt may sẽ được đưa về 0%. Trong đó, 77% mặt hàng về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. EU là thị trường đứng đầu thế giới về NK hàng dệt may và là thị trường XK lớn thứ hai của dệt may Việt Nam.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, EU vẫn là thị trường có tính chiến lược trọng điểm, lâu dài. Lý do là bởi, các đơn hàng dệt may của EU là dòng hàng có giá trị gia tăng cao hơn các thị trường khác. Năm 2019, ngành dệt may đặt ra mục tiêu XK 40 tỷ USD, trong đó, thị trường EU đứng thứ 2 sau Mỹ, chiếm khoảng 21,5%.
Lợi thế và cơ hội đều được chỉ ra, tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tận dụng được cơ hội để thâm nhập thị trường EU rộng lớn thì doanh nghiệp cần phải đáp ứng và vượt qua được thách thức về nguyên tắc xuất xứ. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI), với EVFTA, nếu không đảm bảo quy tắc xuất xứ thì hàng hóa Việt Nam không được ưu đãi. Điển hình như với ngành dệt may.
Hiện, vấn đề nguồn cung nguyên liệu ngành dệt may là thách thức. Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng khoảng 90% nguyên phụ liệu của Việt Nam đang nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của EVFTA và không được ưu đãi cộng gộp như trong hiệp định. Tuy nhiên, những yêu cầu cao về quy tắc xuất xứ trong EVFTA cũng như trong nhiều hiệp định khác là động cơ để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào ngành dệt và dệt nhuộm ở Việt Nam.
TS. Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, ngoài câu chuyện các hàng rào kỹ thuật, với EVFTA, lo ngại còn đến từ việc hàng hoá XK giá rẻ của Việt Nam vào EU có nguy cơ bị điều tra và áp thuế chống bán phá giá; hàng hoá XK có lợi thế của Việt Nam, nếu XK ồ ạt cũng có nguy cơ bị điều tra tự vệ vượt ngưỡng, điển hình như mặt hàng quần áo lót, quần áo trẻ em,... Điều này dẫn đến việc EU tăng thuế trở lại hoặc ngừng cắt giảm thuế đối với mặt hàng đó.
Hiện nay, giải pháp quan trọng còn là tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo xu hướng thị trường (xu hướng cung cầu và giá cả,…); xu hướng áp dụng các rào cản kỹ thuật (về kiểm dịch, môi trường, an toàn thực phẩm, lao động và công đoàn,…) trong thương mại từ các nước EU để có thể đưa ra cảnh báo sớm cho tất cả các đối tượng tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất hàng XK (đặc biệt là hàng nông, thủy sản) của Việt Nam. Điều này giúp các doanh nghiệp XK chuẩn bị sẵn sàng vượt qua được các rào cản kỹ thuật.