Chống độc quyền để tạo cạnh tranh bình đẳng

Thứ Năm, 04/08/2016, 08:49
Chống độc quyền để tạo cạnh tranh bình đẳng là ý kiến của chuyên gia kinh tế, TS Lưu Bích Hồ tại Hội thảo “Xây dựng chính sách cạnh tranh toàn diện: kinh nghiệm quốc tế và bài học kinh nghiệm với Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 3-8 tại Hà Nội.



Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), trong 140 nền kinh tế về cạnh tranh, Việt Nam xếp thứ 71 về cạnh tranh trên thị trường nội địa; xếp thứ 77 về hiệu quả chống độc quyền; xếp thứ 64 về mức độ phân phối thị trường của một số tập đoàn.

Theo nhận định của CIEM, 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng giảm dần, mức trung bình giai đoạn 1990-2007 là 7,8%; giai đoạn 2007-2012 còn 6,7%. 2012 đến nay chỉ khoảng 5,8%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm dần, nền tảng kinh tế vĩ mô kém vững chắc, nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô hiện hữu, thường trực trong nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, Việt Nam hội nhập sâu rộng và không thể tiếp tục đà tăng trường giảm dần như hiện nay. 

Chỉ có cải cách, khôi phục đà tăng trưởng mức 7 – 7,5%, Việt Nam mới giảm dần khoảng cách với các nước trong khu vực. Việt Nam không thể tiếp tục dùng chính sách phía cầu (như nới rộng chính sách tiền tệ, mở rộng tài khóa, đầu tư nhà nước…), sẽ gây nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô trở lại. Cần có giải pháp tốt hơn như nâng cao năng suất lao động, hiệu quả nguồn lực để tăng trưởng kinh tế bền vững.

“Chúng ta cải cách nền kinh tế đã 30 năm, dư địa cải cách đã chạm trần. Muốn tăng trưởng, chúng ta phải “đổ” trần để tạo ra tăng trưởng mới. Cốt lõi của cải cách kinh tế lần 2 là tập trung xây dựng chính sách cạnh tranh. Nghị quyết 19 của Chính phủ đã giao cho CIEM đến 2017, phải trình đề án chính sách cạnh tranh toàn diện. Cái này như một kịch bản cải cách mới”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nói. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có nền kinh tế thị trường nhưng hiện nay rất méo mó. 

Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho rằng, cơ quan Nhà nước đang tham gia quá nhiều vào kiểm soát thị trường bằng mệnh lệnh hành chính mà không tuân thủ các quy luật tự nhiên. Điều đó dẫn đến sự lệch lạc cả xu hướng thị trường và ứng xử của nhiều doanh nghiệp, người dân. 

Với kinh nghiệm 20 năm rà soát thị trường cạnh tranh, bà Lanchlan Rosalie (Ủy ban Năng suất của Úc) cho rằng, yếu tố đầu tiên của cạnh tranh là loại bỏ kiểm soát hạn ngạch nhập khẩu. Các lĩnh vực do DNNN độc quyền như điện, viễn thông… tạo điều kiện cho tư nhân tham gia. 

Theo bà Lanchlan Rosalie, nguyên tắc cốt lõi của cạnh tranh là chống độc quyền. Tách biệt yếu tố độc quyền, chức năng công và thương mại nhà nước. Hạn chế hành vi độc quyền định giá. Loại bỏ ưu đãi của DNNN, thúc đẩy cạnh tranh giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân. 

“Cần thực hiện nguyên tắc cạnh tranh trung lập với các nội dung về thuế, nợ… DNNN không được hưởng ưu đãi về thuế, đồng thời phải chịu chi phí như DN khác chứ không nhận ưu đãi. Trung lập về quản lý, bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân. Bảo đảm ngân sách nhà nước cũng được sử dụng ưu đãi cho tất cả doanh nghiệp”, bà Lanchlan Rosalie cho biết.

L.Hiệp
.
.
.