Đón khách du lịch sử dụng giấy thông hành:

Cần sự cạnh tranh bình đẳng

Thứ Năm, 18/12/2014, 03:08
Mô hình đón khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh) theo Quy chế 849/2004 ngày 27/8/2004 đã xóa đi hình ảnh kinh doanh du lịch lộn xộn, chụp giựt trước kia. 11 tháng đầu năm 2014, Quảng Ninh đón 7,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó dòng khách du lịch bằng giấy thông hành chiếm số lượng lớn. Đây là đối tượng tiềm năng mà các tỉnh biên giới cửa khẩu đang cần thu hút để phát triển kinh tế du lịch.

Quy chế 849 là tên gọi tắt của Quy chế về tổ chức và quản lý công dân Trung Quốc sử dụng giấy phép nhập, xuất cảnh (giấy thông hành) do Trung Quốc cấp vào Việt Nam tham qua du lịch, được ban hành kèm theo Quyết định số 849/2004/QĐ- BCA ngày 27/8/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an. Trước đây, khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam thăm quan bằng đường bộ qua các tour ngắn và dài ngày tại cửa khẩu Móng Cái đã xảy ra tình trạng lộn xộn như cắt giảm bớt hành trình tour, hướng dẫn viên không có nghiệp vụ, chặt chém giá...gây mất hình ảnh du lịch. Trước tình hình đó, Lạng Sơn là tỉnh thí điểm đầu tiên mô hình đón khách du lịch Trung Quốc theo Quy chế 849 qua cửa khẩu Hữu Nghị. Mô hình với sự quản lý chặt chẽ, bảo vệ quyền lợi của khách du lịch, đảm bảo hiệu quả kinh tế, an ninh quốc phòng, nên từng bước đưa hoạt động du lịch biên giới vào quy chuẩn quốc tế.

Tháng 11/2013, Quảng Ninh là địa phương thứ hai thí điểm mô hình đón khách du lịch theo Quy chế 849 qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái với việc thành lập CLB 849 Móng Cái. Khi đi vào hoạt động, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã tạo được hình ảnh tốt trong lòng du khách, chất lượng dịch vụ du lịch được nâng lên, tình trạng lộn xộn, cắt giảm chương trình tour, ép giá đã không còn xảy ra, xây dựng được thương hiệu cho ngành du lịch Quảng Ninh. Đặc biệt, việc cấp thẻ cho khách du lịch được tạo điều kiện nhanh chóng và thuận tiện. Cụ thể, trong 1 năm hoạt động, CLB đã đón được trên 50 nghìn khách đi theo tour ngắn và dài ngày. Tuy nhiên, theo đánh giá của CLB 849 thì lượng khách du lịch sử dụng thông hành vào Việt Nam vẫn còn hạn chế, chưa đạt được như kỳ vọng.

Đón khách du lịch Trung Quốc bằng giấy thông hành qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ngành du lịch Quảng Ninh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì cả hai mô hình 849 của Lạng Sơn và Móng Cái đều đang thực hiện việc chia hạn ngạch đón khách. Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện thí điểm mô hình đón khách du lịch theo Quy chế 849 qua cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn cũng chỉ rõ tồn tại của việc chia hạn ngạch và cần phải khắc phục. Đó là CLB 849 theo cơ chế phân bổ hạn ngạch nên còn có doanh nghiệp chưa thực sự chủ động khai thác khách và còn tư tưởng trông chờ vào hạn ngạch. Trong hoạt động đón khách cần đặt ra tiêu chí, tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp thành viên CLB để có thể loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém, bổ sung những doanh nghiệp có đủ năng lực. Và việc chia hạn ngạch không tạo ra được sự canh tranh cho doanh nghiệp để nâng cao chất lượng phục vụ vì doanh nghiệp có năng lực thực sự và năng lực chưa tốt lại cào bằng như nhau.

CLB 849 Móng Cái có 17 doanh nghiệp lữ hành quốc tế nhưng các doanh nghiệp này năng lực không giống nhau, với việc chia hạn ngạch đón khách các doanh nghiệp như nhau thì dẫn đến không có sự cạnh tranh mà kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch, trái với Luật Doanh nghiệp. Đặc biệt, việc phân chia hạn ngạch cho các doanh nghiệp đón khách như nhau đã gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, đi ngược lại với xu thế hội nhập kinh tế. 

Đón khách du lịch Trung Quốc bằng giấy thông hành qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ngành du lịch Quảng Ninh.

 Việc chia hạn ngạch lại tạo ra sức ỳ cho doanh nghiệp, dẫn tới doanh nghiệp không chịu đi khác thác, ngồi chờ phân bổ, nên không có sự cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong Luật không quy định về chia hạn ngạch cho doanh nghiệp, đây là tự CLB đề ra, nhưng nếu bỏ hạn ngạch thì CLB không còn ý nghĩa. Tuy nhiên, theo ông Thanh thì chia hạn ngạch không phải là tối ưu, chia hạn ngạch có nhược điểm và trong quá trình thực hiện nếu thấy bất cập thì phải nghiên cứu điều chỉnh.

Được biết, tỉnh Quảng Ninh đã bàn hành giá sàn tối theo kèm theo giá dịch vụ chi tiết của từng loại khách du lịch Trung Quốc bằng giấy thông hành. Như vậy, khi đã quy định giá sàn thì việc chia hạn ngạch không còn ý nghĩa nữa. Các cơ quan quản lý căn cứ vào đây để kiểm tra, giám sát và xử lý doanh nghiệp lữ hành cạnh tranh không lành mạnh về giá để hút khách.

Áp dụng mô hình đón khách du lịch theo Quy chế 849 là cần thiết đối với các tỉnh biên giới nhằm phát triển kinh tế du lịch của địa phương. Nhưng thiết nghĩ, muốn vậy cần phải kích thích doanh nghiệp chào bán, tìm khách, khai thác tour trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp có năng lực, có ý thức trách nhiệm xây dựng thương hiệu, hình ảnh cho du lịch. Do vậy cần nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung quy chế của CLB 849 để thúc đẩy tính chủ đông, sáng tạo của các doanh nghiệp thành viên trong hoạt động đón khách.

Nhật Minh
.
.
.