Cần môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN sau cổ phần hóa

Thứ Hai, 21/04/2014, 14:23
Trao đổi với báo giới bên lề Hội nghị công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2013 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng: Có 2 thái cực đang diễn ra sau quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Cụ thể, những DN nào thoái vốn dưới 49% thì hầu hết chính quyền địa phương coi là DN tư nhân, không được nhiều ưu ái nữa, tín dụng thay đổi đột ngột. Còn những DN mà vốn Nhà nước vẫn chiếm trên 51% thì nghiễm nhiên vẫn được coi là DNNN và được ưu đãi. Trước đó, vào thời điểm những năm 2009, không ít ý kiến cho rằng ưu đãi của chính quyền đối với DNNN do địa phương quản lý không còn là một cản trở đối với các DN dân doanh, bởi hầu hết những DN này đã được cổ phần hóa, giải thể hoặc sáp nhập với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Số còn lại là DN công ích có lĩnh vực hoạt động đặc thù, không cạnh tranh với DN dân doanh về đất đai, mặt bằng kinh doanh, lao động hay vốn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia lại cho rằng: “DN dân doanh dang bị DNNN vốn được ưu ái tước đi nhiều cơ hội kinh doanh. DNNN do Trung ương quản lý sử dụng vị thế độc quyền trong các ngành được bảo hộ để tạo ra dòng tiền, giúp thành lập các công ty con cạnh tranh trực tiếp với DN dân doanh trong nhiều lĩnh vực, từ bất động sản cho đến sản xuất bóng đèn và dịch vụ nhà hàng, khách sạn”- một chuyên gia của VCCI nhận xét.

Minh chứng cho điều này là kết quả cuộc điều tra về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013 do VCCI công bố mới đây khi mà có khoảng 1/3 DN tham gia khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho biết, ưu đãi đối với DNNN do Trung ương quản lý là một trở ngại cho hoạt động của họ. Rõ rệt nhất là ở lĩnh vực mua sắm công với 35% DN đồng tình. Ở lĩnh vực tiếp cận đất đai và tiếp cận vốn 27% DN được khảo sát đều khẳng định DNNN được ưu đãi hơn. Khối DN này cũng nhanh chóng, đơn giản hơn hẳn khi tiến hành các thủ tục hành chính. Riêng đối với các DN cổ phần hóa, 35% DN được điều tra cho biết họ được tạo thuận lợi nhất vì trong một số trường hợp, DN vẫn có một phần vốn do Nhà nước nắm giữ, thường có quan hệ chặt chẽ với chính quyền.

Bên cạnh đó, các DN lớn về quy mô doanh thu và lao động cũng được hưởng ưu đãi. Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, Nhà nước hiện nắm cổ phần hay phần vốn kiểm soát tại 2.048 công ty trên cả nước. Lãnh đạo hoặc chủ các DN này thường đã từng là lãnh đạo trong các cơ quan Nhà nước hoặc là quản lý tại DNNN nên thường có quan hệ thân thiết với chính quyền. “Do đó họ được hưởng điều kiện thuận lợi và quan tâm hơn trong tiếp cận các nguồn lực, đấu thầu mua sắm công”- Báo cáo PCI 2013 phân tích.

Cũng theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, một số nước trên thế giới có ưu đãi riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ví dụ, ở Mỹ, 30% mua sắm cho Chính phủ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Còn Hàn Quốc lại cấm doanh nghiệp lớn đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ.

Trong khi đó, theo ông Trương Đình Tuyển, ở Việt Nam còn có sự phân biệt đối xử giữa DNNN và DN tư nhân, chưa có môi trường cạnh tranh bình đẳng. Vì vậy, quá trình tái cơ cấu DNNN vẫn cần giữ vai trò chủ đạo của khối DN này do khối DN tư nhân còn nhỏ bé, yếu về năng lực tài chính và công nghệ. Tuy nhiên, “về lâu dài cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng để DN phát triển”- ông Trương Đình Tuyển đề xuất

Huyền Thanh
.
.
.