Tăng chế tài xử lý hàng giả, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp

Thứ Ba, 22/04/2014, 00:54
Trình UBTV Quốc hội về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chiều 21/4, Chính phủ cho biết đã cân nhắc việc không nên có riêng Luật Doanh nghiệp nhà nước để đảm bảo nền hoạt động kinh doanh bình đẳng.

Thẩm tra dự luật này, Ủy ban Kinh tế đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về đánh giá Luật Doanh nghiệp hiện hành và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cũng như các hạn chế về thủ tục thành lập doanh nghiệp, vốn, góp vốn, tăng vốn, quản trị doanh nghiệp... Những khiếm khuyết đó đã trở thành nguyên nhân làm cho gia nhập thị trường, khởi sự kinh doanh và rút khỏi thị trường ở nước ta trở nên phức tạp và tốn kém hơn mức cần thiết, hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Thực tế nói trên đã và đang làm cho môi trường kinh doanh ở nước ta luôn bị đánh giá ở mức không cao trong các bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.

Xem xét những điểm mới trong dự án, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng việc sửa đổi luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, khắc phục những tồn tại. Tuy nhiên, vấn đề gian lận, hàng giả, hàng nhái, vi phạm pháp luật như thế nào thì chưa được làm rõ. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Ban soạn thảo cần nghiên cứu thể hiện các quy định theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013 đảm bảo quyền tự do kinh doanh; nghiên cứu để thể hiện các điều cấm sao cho mọi người biết và thuận lợi trong chấp hành; làm rõ mối liên quan giữa các quy định trong Luật này với Luật Quản lý đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Giải trình trước UBTV Quốc hội, Thứ trưởng Bộ KH & ĐT Đặng Huy Đông cho biết, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên cơ sở chung, công khai minh bạch về thông tin kinh doanh để các doanh nghiệp kiểm soát lẫn nhau. Ông cũng đề nghị tăng chế tài xử lý vấn đề hàng giả, hàng nhái. Với “công ty ma”, khi mạng quản lý đăng ký doanh nghiệp liên thông với Tổng cục Thuế công khai thông tin sau này sẽ đủ sức kiểm soát. Về quyền tự do kinh doanh, việc cấm bằng luật pháp hiện nay có danh mục ở các văn bản khác nhau. Với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, việc liệt kê luật hóa sẽ khó vì nhiều loại hình mới xuất hiện và biến động theo thời gian do quá trình phát triển đa dạng, phong phú.

Liên quan việc có nên khoanh vùng lập dự luật riêng cho doanh nghiệp Nhà nước, ông Đông nói, Chính phủ đã cân nhắc và cho rằng không nên có riêng Luật DNNN để đảm bảo nền hoạt động kinh doanh bình đẳng. Phần đưa vào Luật Quản lý đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quan tâm đến quyền quản lý của chủ sở hữu, còn trong luật này đưa thêm một số đặc thù riêng về quản trị doanh nghiệp, tập trung vào doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Cũng trong phiên họp hôm qua, UBTV Quốc hội cho ý kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Bấp cập nổi lên là kết quả thi hành án dân sự có tăng lên so với trước khi có Luật nhưng chưa thật bền vững (năm 2013 đạt thấp hơn so với năm 2012 và chưa hoàn thành chỉ tiêu theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội); lượng án tồn đọng tuy có giảm nhưng số việc và tiền chuyển kỳ sau vẫn còn rất lớn và có xu hướng tăng lên (năm 2013 còn tồn 239.144 việc và trên 41.597 đồng, tăng so với năm 2012). Việc phân loại án ở một số cơ quan thi hành án dân sự vẫn chưa thật chính xác, vẫn còn tình trạng chuyển từ án có điều kiện sang án không có điều kiện, trong khi Tòa án không nắm được bản án, quyết định mà Tòa án đã tuyên có được chấp hành đầy đủ hay không. Việc tổ chức thi hành án trong nhiều vụ việc còn chưa kịp thời, gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó có những trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ ràng, thiếu khả thi nhưng việc trả lời của Tòa án đối với yêu cầu của cơ quan thi hành án về giải thích bản án còn chậm, nhiều trường hợp dẫn đến khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự nhằm hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản, bền vững, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Theo Tờ trình của Chính phủ, 5 vấn đề lớn được đưa ra xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm: Phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự án Luật, vai trò trách nhiệm của Tòa án trong thi hành án dân sự, trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án, khoản tiền chậm thi hành án, xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự

M.Đ.
.
.
.