Tri ân thế hệ tiền bối CAND và đồng bào vùng căn cứ địa cách mạng

Thứ Bảy, 06/08/2016, 19:40
Đoàn đại biểu gần 200 đồng chí là lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ Báo CAND từ các vùng, miền trên toàn quốc đã về nguồn, dâng hương, dâng hoa, báo công tại Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương.


Ngày 6-8, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Báo CAND phát hành số đầu tiên (1/11/1946 - 1/11/2016), Đoàn đại biểu gần 200 đồng chí là lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ (CBCS), công nhân viên đại diện cho những người làm Báo CAND từ các vùng, miền trên toàn quốc đã tham gia hoạt động về nguồn, dâng hương, dâng hoa, báo công tại Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương (Khu di tích), xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang; tri ân đồng bào vùng căn cứ địa cách mạng và giao lưu văn hóa, văn nghệ với Công an tỉnh Tuyên Quang.

Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập làm Trưởng đoàn. Cùng tham dự hoạt động về nguồn có các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Biên tập, các phóng viên, biên tập viên, công nhân viên Báo CAND.

Về phía Công an tỉnh Tuyên Quang có các đồng chí: Đại tá Nguyễn Hồng Sâm, Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang; Thượng tá Phạm Kim Đĩnh, Phó Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang; Đại tá Nguyễn Văn Bảo, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích; đại diện chính quyền địa phương xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang...

Đoàn Báo CAND trong chuyến về nguồn.

Tại Khu di tích,  Thiếu tướng Phạm Văn Miên cùng đại diện lãnh đạo các Ban, cán bộ, phóng viên, công nhân viên Báo CAND đã thành kính làm lễ dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng, liệt sĩ  CAND; báo công trước Tượng đài Bảo vệ An ninh Tổ quốc những thành tích mà Đảng bộ và đơn vị Báo CAND đã đạt được trong 70 năm xây dựng và trưởng thành...

Thiếu tướng Phạm Văn Miên thắp hương tri ân Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ CAND

Thiếu tướng Phạm Văn Miên nêu rõ, trong suốt 70 năm qua, các thế hệ làm Báo CAND đã không ngừng thi đua, cố gắng, khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu vì sự nghiệp báo chí cách mạng, góp sức xâv dựng đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh và xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh.

Hiện nay, Báo CAND có 10 Ban, 1 Cơ quan đại diện và 4 Văn phòng thường trú;  các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và Chi hội Nhà báo đã phát huy tốt chức năng nhiệm vụ của mình, đồng thời là cầu nối đoàn kết cán bộ, phóng viên, công nhân viên,  công nhân viên thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy và kế hoạch công tác của Ban Biên tập.

Đoàn Báo CAND nghe giới thiệu về Khu di tích.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp và sự quan tâm của Đảng uỷ Tổng cục Chính trị CAND đối với các hoạt động của Đảng bộ và đơn vị, Đảng uỷ Báo CAND đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao nhận thức chính trị, có bản lĩnh chính trị vững vàng. 

Luôn luôn bám sát tôn chỉ mục đích, đổi mới, Báo CAND và các  số Chuyên đề ổn định và phát triển, bám sát tiêu chí "Nhân văn- Tin cậy- Kịp thời", các ấn phẩm của Báo CAND có uy tín trong xã hội . Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Nhiều năm liên tục, Báo CAND đều được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ và của Bộ Công an.

Với những đóng góp trong 70 năm qua, Báo CAND đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhiều tổ chức chính trị xã hội các tỉnh, thành phố tặng nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương chiến công hạng Nhất; 2 Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba; 2 Huân chương Quân công hạng Nhất; Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và nhiều phần thưởng cao quý khác của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương...
Đoàn Báo CAND trong chuyến công tác về nguồn.

Trước Anh linh của Bác và các Anh hùng, liệt sỹ CAND, toàn thể CBCS, CNV Báo CAND xin quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; nguyện phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện và sáng tạo của mình vì sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, báo chí CAND nói riêng...

Sau lễ dâng hương, các thế hệ những người làm Báo CAND đã tham quan Khu di tích Nha Công an Trung ương; nghe cán bộ Khu di tích giới thiệu về lịch sử của lực lượng CAND trong thời kỳ 1946-1954, cũng như quá trình hình thành và phát triển của Khu di tích... 

Tiếp nối là chương trình văn nghệ giao lưu đặc sắc với những ca khúc, điệu múa của đoàn thanh niên Báo CAND, đoàn thanh niên Công an tỉnh Tuyên Quang...

Chương trình giao lưu văn nghệ trong chuyến về nguồn.

Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND thăm hỏi các gia đình chính sách.

Thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách vùng căn cứ địa cách mạng

Trong chuyến đi về nguồn tại Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương,  Báo CAND đã thăm xã Minh Thanh và tặng quà cho 10 gia đình chính sách trên địa bàn xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND CAND đã xúc động phát biểu, trở về mảnh đất Minh Thanh, Tuyên Quang, căn cứ địa cách mạng, nơi có Nhà in Báo Rèn luyện, tiền thân của Báo CAND, mỗi cán bộ, chiến sỹ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên Báo CAND càng hiểu sâu sắc thêm về các tiền bối CAND thời kỳ cách mạng đã làm báo trong điều kiện khó khăn, gian khổ thế nào; hiểu thêm tấm lòng của đồng bào khu căn cứ địa cách mạng đã đùm bọc, giúp đỡ lực lượng CAND nói chung, những người làm Báo CAND nói riêng từ giai đoạn kháng chiến chống Pháp.

Thiếu tướng Phạm Văn Miên gửi lời tri ân và bày tỏ cảm ơn chính quyền, bà con trong xã Minh Thanh thời gian qua đã góp phần cùng với Ban Quản lý Khu di tích luôn chăm nom Khu di tích, trong đó có Nhà in Báo Rèn luyện của những người làm Báo CAND... 

Nhân dịp này đoàn đã tặng quà cho 10 gia đình chính sách trên địa bàn xã Minh Thanh.

Chuyến đi về nguồn của các thế hệ những người làm báo CAND chỉ gói gọn trong một ngày nhưng rất có ý nghĩa. Qua đợt sinh hoạt chính trị này, mỗi CBCS Báo CAND đã nhận thức sâu sắc hơn về truyền thống lịch sử của lực lượng CAND nói chung, truyền thống 70 năm Báo CAND phát hành số đầu tiên nói riêng; nhất là khi đến thăm di tích Nhà in Báo Rèn luyện, mỗi CBCS đều dâng trào cảm xúc, tri ân các thế hệ làm báo CAND. 

Những cống hiến, đóng góp của các thế hệ tiền bối CAND đã truyền thêm ngọn lửa nhiệt huyết, niềm đam mê để mỗi CBCS Báo CAND nguyện tiếp nối truyền thống vẻ vang, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng lao động, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an.  

Ngày đầu làm báo Công an mới và Nội san "Rèn luyện" 

Ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam ra đời cùng với chính quyền cách mạng non trẻ. Công tác tuyên truyền trên mặt trận giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn này là một vấn đề cấp thiết, đòi hỏi lực lượng Công an Việt Nam phải sớm thành lập một cơ quan ngôn luận công khai. 

Chỉ sau 3 tháng chuẩn bị, ngày 1/11/1946, tờ Báo Công an Mới số 1 của Công an Việt Nam ra mắt bạn đọc, phát hành rộng rãi trên toàn quốc- đây là dấu mốc quan trọng, sau này được chọn là ngày Báo CAND phát hành số đầu tiên.

Mới ra được 3 số thì cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ vào đêm 19/12/1946, nhưng Công an Mới đã thực hiện xuất sắc vai trò nhiệm vụ của người chiến sĩ xung kích trên mặt trận chính trị tư tưởng của Đảng, của lực lượng CAND trong thời kỳ mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Kế tục sự nghiệp của Công an mới - Nội san "Rèn luyện" ra đời trong kháng chiến chống pháp (21/2/1948 - 10/1954). 

Năm 1947, đi đôi với việc di chuyển cơ quan, ổn định nơi đóng cơ quan tại khu căn cứ địa Việt Bắc, Nha Công an Trung ương phải tập trung thực hiện công tác bảo vệ công cuộc kháng chiến, chống âm mưu giặc lập chính phủ bù nhìn, chống phá cách mạng. Nha Công an Trung ương đã phát động phong trào thi đua lập công phá tề, trừ gian.

Đầu năm 1948, Nha Công an Trung ương phát động phong trào "Luyện cán bộ, lập chiến công". Phong trào này mang đầy đủ hai nội dung vừa xây dựng lực lượng, vừa chiến đấu và công tác, đã thôi thúc Nha Công an Trung ương xúc tiến việc ra tờ báo nội bộ để phục vụ huấn luyện, giáo dục CBCS Công an và động viên khí thế lập công trên mọi lĩnh vực hoạt động của lực lượng Công an. Bằng sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách trong hoàn cảnh kháng chiến, Nha Công an Trung ương đã tiếp tục công việc xuất bản báo,  trước mắt là xuất bản Nội san "Rèn Luyện".

Ngày 21/2/1948 - Ngày kỷ niệm lần thứ 2 thành lập Việt Nam Công an Vụ, tờ báo nội bộ mang tên Rèn Luyện đã ra số đầu tiên tại căn cứ địa Việt Bắc.

Bốn tháng đầu (từ số 1 đến số 4 - ra mỗi tháng 1 số), Rèn Luyện phải nhân bản bằng máy chữ không dấu (hồi đó Nha Công an chưa có máy chữ có dấu tiếng Việt). Đánh máy xong phải đánh dấu bằng bút viết tay và kẻ tít, vẽ tranh mỗi lần được 1 “táp” 5 tờ. Vì nhân bản bằng máy chữ nên số lượng phát hành số 1 chỉ có 15 bản, 3 số sau tăng lên 20 bản (ngày đó Nha Công an chưa có máy in rônêô).

Từ số 5 (21/6/1948), Nha Công an đã xuất bản Rèn Luyện bằng cách in đá, chấm dứt thời kỳ nhân bản bằng máy chữ. Số lượng in nhờ đó đã nâng lên 200 rồi 500 bản mỗi kỳ. Rèn Luyện đã phát hành đến khắp các Khu, Sở, Ty Công an, vào đến cả Sở Công an Nam Bộ... 

A.Hiếu- T.Xuân-T.Ngọc-C.Thắng-A.Quỳnh
.
.