Thế trận an ninh ở vùng cao biên giới

Thứ Sáu, 17/08/2018, 08:07
Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp; trong đó đặc biệt dựa vào đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín, Công an huyện Tây Giang đã xây dựng thế trận an ninh vững chắc, đảm bảo bình yên một dải biên cương, phên giậu của Tổ quốc…


Ở huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, mỗi già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được xem là “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, an ninh biên giới và TTATXH. 

Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp; trong đó đặc biệt dựa vào đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín, Công an huyện Tây Giang đã xây dựng thế trận an ninh vững chắc, đảm bảo bình yên một dải biên cương, phên giậu của Tổ quốc…

Các chiến sĩ Công an Tây Giang sinh hoạt cùng các em thiếu nhi ở cơ sở.

Một ngày cuối tháng Bảy, chúng tôi ngược đường rừng lên huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Khi chúng tôi đến trụ sở Công an huyện, đa số cán bộ chiến sĩ đã đi cơ sở để tuyên truyền phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị và TTATXH địa bàn. 

Đại tá Võ Văn Hai, Trưởng Công an huyện Tây Giang chia sẻ rằng, ở Tây Giang hiện có hơn 90% dân số là người đồng bào Cơ Tu. Với các tộc họ Cơ Tu, già làng là cây cao bóng cả được mọi người nghe theo, có thể bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. 

Già làng, trưởng bản có uy tín có vai trò, vị trí đặc biệt trong cộng đồng; có khả năng tập hợp được đồng bào. Do đó, thời gian qua, lực lượng Công an huyện đã phối hợp chặt chẽ cùng các phòng nghiệp vụ chức năng của Công an tỉnh Quảng Nam luôn chú trọng đúng mức, tranh thủ các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số để đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đảm bảo ANTT địa phương. 

Nhờ vậy nên 70 thôn đã thành lập được 70 tổ tự quản ANTT và 70 nhóm nòng cốt, 62 tổ hòa giải, với 1.233 thành viên tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” theo Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ. 

Đã xuất hiện các mô hình hoạt động có hiệu quả, như mô hình “Bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, giữ gìn ANTT khu vực biên giới”; “Thôn không có tội phạm về tệ nạn xã hội”; “Quản lý chìa khóa xe máy của người dân”; mô hình tự quản về “Bố trí, sắp xếp dân cư trong cộng đồng thôn”, giúp vận động thu hồi 185 súng tự chế, không để xảy ra tai nạn giao thông...

Theo chân tổ công tác Công an huyện Tây Giang về xã Lăng, chúng tôi có dịp trò chuyện với già làng Bríu Phố. Rót mời khách bát nước lá rừng đậm chát, thơm ngon, già Bríu Phố chậm rãi nói: 

“Việc nâng cao nhận thức bảo vệ an ninh tại thôn bản cũng chính là bảo vệ bình yên cuộc sống của mình nên bà con nghe theo già làng. Mỗi người dân phải tự giác bảo vệ chấp hành pháp luật, an ninh biên giới, không làm điều xấu ảnh hưởng đến ANTT tại địa phương, có đời sống lành mạnh và tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Để người dân nghe theo trước hết già làng phải làm gương, sau đó cùng Công an vận động, nói một lần không được thì nhiều lần, cuối cùng người dân cũng hiểu thôi”… 

Không chỉ có già làng Bríu Phố, trên địa bàn huyện Tây Giang có gần 80 trưởng thôn, già làng, những người thật sự có uy tín, đa số là cán bộ nghỉ hưu, đảng viên đã phối hợp với chính quyền xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản, ANTT như “Dòng tộc tự quản”, “Tộc họ văn hóa”, “Khu dân cư không có tội phạm”… góp phần làm giảm tội phạm, giữ bình yên cho bản làng.

Hà Vy
.
.