Công ước chống tra tấn và sự tham gia của Việt Nam trong thực thi Công ước của LHQ

Thứ Sáu, 12/10/2018, 15:06

Sáng nay 12-10, tại TP Hồ Chí Minh, Cục pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về Hồ sơ bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn.

 

Để chuẩn bị cho Phiên trình bày và bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn) diễn ra vào giữa tháng 11-2018 tới tại Thụy Sĩ, sáng 12-10, tại TP Hồ Chí Minh, Cục pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về Hồ sơ bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh phát biểu chủ trì  hội thảo

Phát biểu chủ trì hội thảo, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp cho biết, Công ước chống tra tấn là một trong 9 công ước cốt lõi về quyền con người của LHQ, được thông qua và có hiệu lực từ 6-1987. 

Việt Nam đã tích cực, khẩn trương phê chuẩn Công ước bằng việc vào ngày 28-11-2014, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13. Sau khi Công ước chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam, ngày 17-3-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 364/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Công ước.

Các đại biểu phát biểu góp ý tại Hội thảo

Trên cơ sở này, Bộ Công an đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ nhất về các biện pháp Việt Nam đã tiến hành để thực hiện nghĩa vụ thành viên Công ước theo hướng dẫn của LHQ, có tham khảo kinh nghiệm từ báo cáo quốc gia của các thành viên khác của Công ước và hướng dẫn của các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế. 

Sau nhiều nỗ lực của Ban soạn thảo và các cơ quan, đơn vị có liên quan, ngày 28-4-2017, Báo cáo quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi đệ trình lên Uỷ ban chống tra tấn của LHQ.

Tham dự hội thảo, đại biểu các trường Đại học CSND, Đại học ANND, Trung cấp CSND 6, Công an tỉnh Đồng Nai, VKSND, Hội phụ nữ TP Hồ Chí Minh,... lần lượt phát biểu góp ý các nội dung Dự thảo: Giới thiệu về Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn – những nỗ lực thực thi công ước và quá trình xây dựng dự thảo Báo cáo; Bài phát biểu của Trưởng đoàn Việt Nam tại Phiên trình bày và bảo vệ; Báo cáo quốc gia và 14 phụ lục kèm theo đệ trình LHQ (Việt Nam đã nộp lên Uỷ ban chống tra tấn vào năm 2017); Danh mục cập nhật các thông tin, số liệu có liên quan phục vụ cho việc bảo vệ Báo cáo quốc gia;…

Ghi nhận các góp ý, thay mặt Ban tổ chức hội thảo, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cũng đã thông tin thêm nhiều nội dung liên quan mà đại biểu quan tâm.

 Ban tổ chức cho biết từ nay đến ngày Đoàn công tác liên ngành lên đường sang Thuỵ Sĩ, sẽ có nhiều hoạt động tương tự nhằm thu thập các ý kiến phản biện đa chiều, kinh nghiệm của các chuyên gia để từ đó hoàn thiện hồ sơ, góp phần bảo đảm sự thành công của việc trình bày và bảo vệ các nội dung của Báo cáo quốc gia. 

Hội thảo cũng góp phần tuyên truyền về Công ước chống tra tấn và sự tham gia của Việt Nam trong thực thi Công ước của LHQ.

Thái Bình
.
.