Nhờ cậy người có uy tín vận động nhân dân giao nộp vũ khí ở Hà Giang

Thứ Bảy, 11/02/2017, 09:00
Trong cơn mưa nhỏ, gió thổi ào ào không dứt của vùng cao, chúng tôi có mặt tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Cái lạnh miền núi gặm nhấm vào da thịt như những mũi kim châm, Thượng tá Nguyễn Văn Đậu, Phó trưởng Công an huyện tiếp chúng tôi sau khi vừa xuống địa bàn tuyên truyền, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, các loại súng tự chế còn trôi nổi trên địa bàn…

Mèo Vạc là một trong những huyện nghèo nhất ở biên giới, vùng cao núi đá nằm ở phía Bắc của tỉnh Hà Giang. Với diện tích tự nhiên 57,384km², trong đó có ba xã biên giới giáp hai huyện của Trung Quốc, với địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân còn rất nhiều thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (trên 70%)… Đồng bào nơi đây gồm nhiều dân tộc sinh sống như Mông, Dao, Tày, Giáy, Lô Lô, Nùng, Kinh, Hoa…

Trước một số khó khăn thấy rõ như trình độ dân trí thấp, những năm qua, Công an huyện Mèo Vạc liên tục tham mưu các cấp, các ngành, thường xuyên mở đợt cao điểm vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, các loại súng tự chế còn trôi nổi. Để làm tốt công tác tuyên truyền, Công an huyện đã phối hợp cùng các đoàn thể ở cơ sở triển khai sâu rộng đến từng thôn xóm, buôn làng, bằng nhiều hình thức khác nhau, phong phú, đa dạng…

Người dân xã Nậm Ban giao nộp súng cho lực lượng Công an huyện Mèo Vạc.

Thượng tá Nguyễn Văn Đậu chia sẻ, yếu tố cơ bản, quan trọng nhất là các cán bộ, chiến sĩ nơi đây phải nắm chắc, hiểu rõ phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc. Từ đó khi giao tiếp, tuyên truyền mới gần gũi, đạt hiệu quả, giúp người dân thấy được sự cần thiết của việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ cho cơ quan chức năng cũng như việc không đào bới bom, mìn, lấy thuốc nổ hay phế liệu… Cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ với các già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín trong dòng họ.

Song song với công tác truyên truyền, cán bộ Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội của đơn vị còn tiến hành rà soát, xác minh, lập danh sách các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, xác minh những người sử dụng súng săn, súng tự chế… để trên cơ sở đó chủ động làm tốt công tác kiểm tra, thu hồi, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng, khoảng cách an toàn của các kho vật liệu nổ và các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy… Chỉ tính riêng sáu tháng cuối năm 2016, Công an huyện Mèo Vạc đã vận động người dân tự giác nộp vũ khí, thu hồi hàng chục khẩu súng tự chế tại địa bàn.

Kể về những khó khăn, Thiếu úy Vũ Mạnh Hoàn, cán bộ Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, do đặc thù địa bàn vùng cao, biên giới, dân cư phân bố không tập trung, trình độ dân trí còn thấp, hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế, do đó việc kiểm soát, vận chuyển, mua bán các loại vũ khí, vật liệu nổ hay thu hồi gặp rất nhiều trở ngại. 

Việc lưu giữ vũ khí không chỉ để săn bắn, bảo vệ mùa màng, nương rẫy còn mang tính kế thừa theo phong tục của dân tộc đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân từ bao đời nay nên việc vận động thu hồi đã gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, việc tập trung các buổi họp để tuyên truyền không dễ do các hộ dân ở cách xa nhau, biệt lập, đơn vị chỉ còn cách chia làm nhiều tổ công tác đi nhiều ngày tới từng nhà.

Xác định việc vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ là công tác quan trọng góp phần đảm bảo tốt ANTT tại địa bàn nên cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Mèo Vạc rất quyết liệt, thường xuyên bám sát địa bàn, tranh thủ những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số như già làng, trưởng bản… đến vận động những người còn tàng trữ súng kíp, súng săn, súng tự chế để họ hiểu tác hại của việc sử dụng những loại vũ khí này, tự giác giao nộp cho cơ quan Công an.

Bên cạnh việc đảm bảo tốt an ninh trật tự, không tiếng pháo nổ, không có vụ việc phức tạp phạm pháp hình sự trước và trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, Công an huyện Mèo Vạc cho biết, đơn vị đã có kế hoạch cụ thể trong thời gian tới để đẩy mạnh hơn nữa về công tác tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí. Cùng với đó sẽ phối hợp, tham gia tích cực với các ban, ngành, đoàn thể; kết hợp giữa vận động tập trung và vận động cá biệt, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền đến từng hộ gia đình, góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn.

Với những thành tích đạt được, năm 2016, Công an huyện Mèo Vạc được nhận Bằng khen của Tổng cục Cảnh sát; nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Hà Giang, Giám đốc Công an tỉnh…; nhiều cá nhân vinh dự được Bằng khen của Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh… Năm 2016, Công an huyện Mèo Vạc còn vinh dự được Tổng cục Chính trị CAND tặng “Cờ thi đua”.
Xuân Trường
.
.