Vấn nạn “chết tự sướng” ở Ấn Độ

Thứ Năm, 06/10/2016, 10:40
Chết vì chụp ảnh “tự sướng” (selfie) đang là vấn đề đáng lo ngại ở Ấn Độ. Nhiều chuyên gia xã hội học còn đưa ra thuật ngữ “nỗi ám ảnh về cái chết tự sướng” để nói về vấn đề này.


Những cái chết bi thảm vì trào lưu ảnh “tự sướng”

Các phương tiện truyền thông Ấn Độ đưa tin, tuần trước, một người đàn ông ở bang Rajasthan đã cố gắng để có bức ảnh tự chụp với con rắn và không may bị nó cắn vào vai. Người đàn ông may mắn sống sót. Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ chụp ảnh tự sướng “kỳ quái” dẫn đến những hậu quả đau lòng ở Ấn Độ thời gian qua. Cơn sốt chụp ảnh tự sướng đã dẫn đến nhiều cái chết bi thảm trên khắp Ấn Độ. Thống kê cho thấy, "cái chết tự sướng" ở đất nước Nam Á này đang gia tăng.

Trong tháng 9/2016, một thiếu niên ở Punjab – bang nằm ở phía Bắc Ấn Độ đã chết sau khi chụp ảnh tự sướng với một khẩu súng chĩa vào đầu và không may bị cướp cò. Cũng trong tháng này, một học sinh nữ chết đuối khi đứng trên một tảng đá ở hồ thuộc bang Telangana để chụp ảnh. Hồi tháng 7/2016, bảy người đã chết trên sông Hằng vì cố gắng cứu một người bạn rơi xuống sông khi chụp ảnh tự sướng.

Mọi người đều muốn được nổi tiếng và trào lưu chụp ảnh tự sướng là một cách để họ chứng minh điều đó.

Để có được những bức ảnh “độc”, nhiều người bất chấp nguy hiểm để chụp ảnh. Thực tế cho thấy, có người cố gắng chụp ảnh khi đứng trước một đoàn tàu đang chạy lại gần, chụp ảnh dưới biển hoặc leo lên ngọn núi rất cao…“Có một cơn sốt chụp ảnh tự sướng ở Ấn Độ. Các bạn trẻ muốn gây ấn tượng với người khác và họ thậm chí không quan tâm đến sự nguy hiểm. Họ muốn được mọi người đánh giá là có ý tưởng táo bạo", giáo sư xã hội học Sanjay Srivastava tại New Delhi nói với phóng viên tờ DW (Đức).

Mọi người đều muốn được nổi tiếng

Các nghiên cứu gần đây ở Ấn Độ cho thấy, tỷ lệ tử vong vì chụp ảnh tự sướng cao nhất là thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 24. "Phương tiện truyền thông xã hội chi phối cuộc sống của chúng tôi. Các bạn trẻ, đặc biệt là những người sinh ra và lớn lên ở các thành phố lớn luôn muốn được khẳng định cái tôi cá nhân. Trong thời đại ngày nay, mọi người đều muốn được nổi tiếng và trào lưu chụp ảnh tự sướng là cách để họ chứng minh điều đó”, Kuldip Singh, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về hành vi con người nói.

Đại diện của Newsgram – một tổ chức nghiên cứu về các phương tiện truyền thông kỹ thuật số có trụ sở ở Mỹ nhận định rằng, mong muốn gây chú ý trên mạng xã hội đã thúc đẩy người ta chụp ảnh ở những nơi nguy hiểm, trong những tình huống “hiểm”, đôi khi là “quái” như chụp ảnh với cả động vật đã chết.

Theo nhận định của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân của trào lưu chụp ảnh tự sướng tại Ấn Độ là do sự bùng nổ trên phân khúc thị trường điện thoại thông minh. Trong báo cáo mới công bố, Morgan Stanley – “người khổng lồ tài chính toàn cầu”, nhận định, Ấn Độ có thể sẽ trở thành một trong những thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới vào năm tới. Đến cuối năm 2016, sẽ có hơn 220 triệu người sử dụng điện thoại thông minh ở Ấn Độ.

Để có bức hình “độc”, nhiều người sẵn sàng chụp ảnh ở mọi nơi, bất chấp nguy hiểm.

Trước những vấn đề đặt ra từ trào lưu chụp ảnh tự sướng, Chính phủ Ấn Độ đang xây dựng kế hoạch đưa ra cảnh báo với người dân về những khu vực du lịch nguy hiểm trên toàn quốc. Bộ Văn hóa và Du lịch Ấn Độ cho biết, sẽ đặt biển cảnh báo ở các khu vực này và yêu cầu chính quyền tất cả các bang có biện pháp cảnh báo an toàn cho khách du lịch. Trước đó, Mumbai là nơi đầu tiên ở Ấn Độ khoanh "vùng cấm chụp ảnh tự sướng” để cảnh báo người dân.

Theo thống kê của trang web Priceonomics, có ít nhất 49 trường hợp tử vong liên quan đến chụp ảnh tự sướng kể từ đầu năm 2014 trên thế giới. Thuật ngữ “cái chết vì chụp ảnh tự sướng” xuất hiện trên công cụ tìm kiếm Google lần đầu tiên vào tháng 1/2014. Câu chuyện bắt đầu khi Mohammad Chaar chụp một bức ảnh tự sướng ở Beirut, Lebanon. 

Vào đúng thời điểm đó, Mohammad Chaar thiệt mạng vì một quả bom xe. Có nhiều cái chết vì chụp ảnh tự sướng “quái” được ghi nhận như hai người Nga thiệt mạng khi chụp ảnh tự sướng với lựu đạn nhưng không may lựu đạn phát nổ; David Lopez, người Tây Ban Nha, 32 tuổi chết vì bị bò húc khi vừa chạy vừa chụp ảnh.

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.