Đơn vị nào để còn xe quá tải, đường xấu thì xử lý lãnh đạo
Theo báo cáo từ lãnh đạo Tổng cục đường bộ Việt Nam, năm 2015, các Trạm kiểm tra tải trọng xe trên cả nước đã kiểm tra 635.351 xe, phát hiện, xử lý 50.863 xe vi phạm; tước 20.289 giấy phép lái xe (GPLX), xử phạt nộp kho bạc 344,900 tỷ đồng; lượng xe vi phạm vượt tải trọng trên 100% đã giảm cơ bản, chủ yếu còn các xe vi phạm vượt tải thấp từ 30% - 50% trở xuống.
Sau khi nghe Tổng cục báo cáo, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, chúng ta chưa giải quyết triệt để xe quá tải là do sự phối hợp giữa Tổng cục với các sở chưa tốt, giữa các địa phương chưa tốt, nên mới có trường hợp đi qua 4,5 trạm không bị bắt. Gần đây, tôi yêu cầu báo cáo vụ xe đi qua 4,5 tỉnh, nhưng quá thời gian Tổng Cục đường bộ vẫn chưa thấy gì. Hỏi ra thì lãnh đạo bảo vào ngày nghỉ cuối tuần. Làm lãnh đạo phải chấp nhận hy sinh, chứ không phải sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, thứ 7, Chủ nhật cũng nghỉ, thì làm sao làm tốt được. Theo đánh giá xe quá tải giảm 91%, nhưng số còn lại mới khó vì đấy là những người còn chỗ dựa, nên cứ ngang nhiên đi khắp nơi. Tuy nhiên, khó thì khó, song nếu quyết tâm trong sáng, không gì chúng ta không làm được. “Năm nay, dứt khoát phải đưa mục tiêu: hết xe quá tải. Khu vực nào để tồn tại xe quá tải, để đường xấu, đường hỏng thì xử lý cán bộ”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ ra hàng loạt tồn tải của đơn vị này về ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác sửa chữa, bảo trì đường bộ; hệ thống biển báo, đèn tín hiệu…Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra dẫn chứng, có những doanh nghiệp gặp tôi bên Dubai nói rằng, họ có thể giúp ta giảm thời gian sửa chữa, bảo trì đường, giảm nguồn vốn đầu tư tới 40%, nhưng nhiều năm qua không vào được ngành đường bộ vì họ nói lãnh đạo đường bộ không thích nhanh.
Bộ trưởng cũng thừa nhận nếu không áp dụng khoa học công nghệ mới thì không kiểm soát được chất lượng đường, vì trong vấn đề này tồn tại nhiều thất thoát, tham nhũng. “Chúng ta một năm bố trí nguồn vốn tới 8.000-9000 tỷ sửa chữa, bảo trì đường, riêng Tổng cục Đường bộ là 7.000 tỷ đồng. “Dứt khoát phải tăng cường đổi mới nâng cao chất lượng tiến độ bảo trì bảo dưỡng, để làm sao cùng một số tiền đấy, phải làm tốt hơn, nhanh hơn, rẻ hơn. Nếu giảm được 40% của 7.000 tỷ là bao nhiêu? Là một con số không nhỏ, vậy vì sao ta lại không làm. Dù sao đây là ý kiến một chiều, tôi chưa kiểm định lại, song cũng nên xem xét,” người đứng đầu ngành giao thông bày tỏ quan điểm.
Liên quan đến vấn đề biển báo, sơn kẻ đường không phù hợp gây bức xúc, dễ dẫn đến gây tai nạn giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng tiết lộ, hiện tại còn rất nhiều biển báo giao thông bất hợp lý và chính ông cũng thường xuyên nhận được tin nhắn phản ánh của người dân dù đã chỉ đạo, nhắc nhở tháo dỡ những biển báo không phù hợp, gây bức xúc trong giao thông. “Hạ tầng tốt, xe tốt nhưng biển báo vẫn để tốc độ cũ thì ngành giao thông vận tải với chủ đề vì sự hài lòng nhất của người dân và doanh nghiệp vậy tại sao vẫn để người dân bức xúc chỉ vì biển báo?,” Bộ trưởng nêu vấn đề.
Theo Bộ trưởng, các đơn vị trong Tổng cục phải đi rà soát từng cái một về biển báo, hệ thống đèn, sơn sửa đường bởi thời gian qua ngành giao thông đã đầu tư nhiều tiền cho đường cao tốc, Quốc lộ mà biển báo để tốc độ như cũ thì rất bất hợp lý, để người dân bức xúc. Chứng minh điều này, Bộ trưởng đưa ra dẫn chứng như hầm Thanh Xuân, hầm Trung Hòa thông xe phải điều chỉnh đèn tín hiệu, nhưng lại không làm dẫn đến ùn tắc ngược trở lại.
“Đây chỉ là việc nhỏ, Tổng cục Đường bộ phải phối hợp với Sở Giao thông Vận tải để xử lý, đừng đổ lỗi cho đây là đường của Hà Nội mà không làm. Vậy, vai trò quản lý Nhà nước là ở đâu? Những biển báo giao thông không giá tri như nhánh rẽ phải đi tốc độ 40km/giờ thà vứt đi còn hơn. Trong khi chưa thay được biển báo thì nên nhổ, vất đi rồi cho cắm sau. Không làm được thì cho mấy bà bán đồng nát ra tháo luôn biển báo,” Bộ trưởng Đinh La Thăng bức xúc.