Đảm bảo an toàn giao thông tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Thứ Bảy, 05/12/2015, 07:22
Qua khảo sát, các lực lượng chức năng Hải Phòng đề nghị chủ đầu tư cần lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu tại nút giao đường 356 Đình Vũ và một số biển hạn chế tốc độ. Nếu không có đèn tín hiệu sẽ gây nguy hiểm cho phương tiện khi ra khỏi đường cao tốc.


Đến thời điểm nay, tuyến đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cơ bản hoàn tất. Nhà thầu và đơn vị thi công đang lắp hoàn thiện hệ thống biển báo, biển cấm, khu vực quay đầu cho xe vi phạm về tải trọng khu vực cuối tuyến tại nút giao đường 356 Đình Vũ - Hải Phòng để chuẩn bị cho việc thông xe toàn tuyến vào ngày 5-12. Các cơ quan chức năng đang triển khai lực lượng đảm bảo TTATGT trên toàn tuyến.

Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khởi công tháng 5-2008 với tổng đầu tư 45.487 tỷ đồng. Toàn tuyến có chiều dài 105,5km, qua địa bàn 4 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Điểm đầu là vòng xoay giao cắt với đường vành đai 3 thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên, TP Hà Nội. Điểm cuối là cảng Ðình Vũ, quận Hải An, TP Hải Phòng.Trong đó, đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng dài 33km.

Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trước khi thông xe toàn tuyến.

Đây là tuyến đường có tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc loại A, với vận tốc thiết kế đạt 120km/h, được thiết kế 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp. Toàn tuyến có 31 cầu lớn, 9 cầu vượt sông, 22 cầu vượt nút giao thông, 21 cầu trung/dài 1km/một cầu và 124 cống chui dân sinh. Toàn tuyến có 39 vị trí giao cắt trực thông (đường ngang vượt đường cao tốc bằng cầu vượt hoặc đường ngang đi dưới cao tốc bằng hầm chui), gồm đường gom hai bên kết nối các đường dân sinh địa phương. 

Tổng chiều dài đường gom là 164,8km. Trên tuyến có hai trạm thu phí lớn đặt ở vị trí đầu tuyến tại tỉnh Hưng Yên với quy mô 14 làn thu phí và cuối tuyến tại TP Hải Phòng với quy mô 16 làn thu phí. Ngoài ra, còn các trạm nhỏ bố trí trên nút giao với các đường quốc lộ với quy mô 4-10 làn thu phí. Đoạn tuyến 75km được thông xe áp dụng mức thu phí tiêu chuẩn là 1.500 đồng/km/xe. Mức thu phí lưu thông trên đoạn tuyến này thấp nhất là 110.000 đồng đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng. 

Mức phí cao nhất đối với xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng container 40 feet là 600.000 đồng. Tuyến cao tốc sẽ giảm tải cho QL5, rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng còn khoảng 1,5 giờ  so với trước đây là 2,5 giờ.

Để bảo đảm TTATGT cho các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc, Bộ GTVT có văn bản đề nghị UBND các địa phương, đơn vị liên quan có phương án bảo đảm ATGT trước khi thông xe toàn tuyến. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc đi qua chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn người điều khiển phương tiện chấp hành các quy định pháp luật về ATGT. Tuyên truyền cho người dân sống cạnh đường cao tốc không lấn chiếm hành lang, phá hàng rào, không mở quán bán hàng cũng như đi bộ, đi xe máy vào đường cao tốc, không để trẻ em ném đất đá vào các phương tiện gây mất ANTT, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Bộ GTVT đề nghị các địa phương chỉ đạo Ban ATGT, Sở GTVT tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, các nhà xe hoạt động trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng không dừng đỗ, đón trả khách trái quy định, tăng cường công tác xử lý qua thiết bị giám sát hành trình; tổ chức phân làn phân luồng cho các phương tiện từ các tuyến đường tỉnh, đường huyện… tách, nhập vào tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, chống ùn tắc giao thông tại các điểm nút giao vào đường cao tốc.

Dự kiến, sau khi thông xe toàn tuyến, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ điều chỉnh phân luồng xe tải, xe contaner đi vào đường cao tốc để hạn chế phương tiện đi qua khu vực nội thành Hải Phòng. Qua đó, tạo điều kiện cho đơn vị thi công dự án nâng cấp, sửa chữa QL 5 đảm bảo tiến độ, đảm bảo TTATG, hạn chế ùn tắc giao thông kéo dài như thời gian vừa qua. 

Sau khi thông xe toàn tuyến, lưu lượng xe tải và xe container lưu thông trên cao tốc sẽ tăng. Do đó, đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thiện trạm cân tải trọng tại đầu vào khu vực Đình Vũ. Tuy nhiên, qua khảo sát, các lực lượng chức năng Hải Phòng đề nghị chủ đầu tư cần lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu tại nút giao đường 356 Đình Vũ và một số biển hạn chế tốc độ. Nếu không có đèn tín hiệu sẽ gây nguy hiểm cho phương tiện khi ra khỏi đường cao tốc.

Phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cao nhất là 840.000 đồng/lượt

Ngày 5-12, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ thông xe toàn tuyến. Chủ đầu tư đã đưa ra mức phí toàn tuyến từ vành đai 3 Hà Nội đến cảng Đình Vũ (Hải Phòng) cho mỗi lượt xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 160.000 đồng; cao nhất là 840.000 đồng cho xe tải trên 18 tấn, xe container. Chặng từ Hà Nội đến nút giao đường tỉnh 353 để đi Đồ Sơn hoặc vào trung tâm Hải Phòng có mức phí thấp nhất là 145.000 đồng, cao nhất là 765.000 đồng. 

Chặng Hà Nội đến nút giao quốc lộ 38B thuộc tỉnh Hải Dương có mức phí thấp nhất là 75.000 đồng, cao nhất là 100.000 đồng. Chặng Hà Nội đến nút giao quốc lộ 39 thuộc tỉnh Hưng Yên mức phí thấp nhất là 30.000 đồng, cao nhất là 170.000 đồng. Phương tiện đi vào trạm thu phí sẽ dừng lại nhấn nút lấy thẻ trong máy phát tự động. Sau khi nhận thẻ, barrier sẽ tự động mở cửa cho xe đi qua. Theo dữ liệu trên thẻ, nhân viên thu phí tại cửa ra sẽ tính mức phí, thu tiền và in hóa đơn cho khách hàng. Nếu lái xe làm mất hoặc hỏng thẻ sẽ phải bồi thường 200.000 đồng. 

Tuyến cao tốc được thiết kế 6 làn xe, tốc độ tối đa 120.000km/h, tối thiểu 60km/h, được các chuyên gia giao thông đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Tuyến đường được trang bị hơn 58 camera với cự ly 2 km/chiếc để theo dõi toàn bộ hoạt động phương tiện và có phương án cứu trợ khi bị tai nạn. Tuyến cao tốc này được kỳ vọng sẽ giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên quốc lộ 5, tuyến có mật độ lưu thông vận chuyển hàng hóa lớn nhất cả nước. (Phạm Huyền)

Đăng Hùng
.
.
.