Ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân chưa cao
- Bất an ở chợ tự phát quanh các khu công nghiệp
- Chợ tự phát gây ô nhiễm môi trường
- Chợ tự phát lấn chiếm QL14 đe dọa ATGT
Theo thống kê sơ bộ của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 239 chợ, gồm 3 chợ đầu mối, 14 chợ loại 1, 54 chợ loại 2, 168 chợ loại 3 và chợ tạm nằm rải khắp 24 quận, huyện, phần lớn lấn chiếm lòng lề đường, gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường…
Có mặt tại những con đường như đường Bùi Văn Ba (quận 7), đường 154 và Nam Cao (quận 9), Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân), Thới Hoà, Phạm Hùng nối dài (huyện Bình Chánh)... chúng tôi thấy hầu hết chợ hình thành tại các điểm đông dân cư, các vị trí giao thông thuận lợi, xung quanh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Hoạt động chủ yếu vào giờ tan tầm buổi chiều, người dân bày bán đủ các loại mặt hàng, từ thực phẩm tươi sống, rau quả, đồ gia dụng, cho đến thời trang quần áo… Chợ tự phát không những nhếch nhác, ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… mà còn gây ùn tắc giao thông.
Chiều tan tầm ngày 5-12, đến khu vực trước cổng Công ty TNHH Pou Yuen, Khu công nghiệp Tân Tạo (ven quốc lộ 1 thuộc quận Bình Tân), chúng tôi thấy dọc hai bên đường có rất nhiều người buôn bán hàng hoá đủ các loại. Lòng lề đường, thậm chí hầm đi bộ qua quốc lộ 1 ở khu vực này cũng “biến” thành chợ. Anh Trần Văn Dân, một người bán cá ở đây cho biết, chợ này là chợ công nhân, chủ yếu họp vào buổi chiều khi công nhân đi làm về. Hàng hoá bán ở một số chợ không hết thì mang về đây bán nên giá khá rẻ.
Trên đường Bùi Văn Ba , hai bên đường phía trước chợ, người dân bày bán chiếm hết lòng lề đường, khiến cho phương tiện lưu thông qua đây khó khăn, gây mất cảnh quan đô thị.
Còn tại chợ tự phát trên đường Thới Hoà, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh có chiều dài khoảng 500m. Tại đây, người dân buôn bán từ sáng đến tối, công nhân Khu công nghiệp Vĩnh Lộc và người dân tiện đường ghé mua làm cho đoạn đường này thường xuyên ùn tắc giao thông. Nhiều người bán còn vô tư bày hàng xuống lòng đường, nhất là các xe trái cây, rau, củ, quả. Nước thải được người bán đổ thẳng ra đường, trông rất nhếch nhác, mặt đường hư hỏng nặng tạo thành ổ gà rất lớn.
Được biết, trên địa bàn huyện Bình Chánh có trên 30 điểm kinh doanh tự phát rất khó dẹp. Lãnh đạo UBND huyện cho biết, giải quyết bài toán chợ tự phát không phải một sớm một chiều mà cần có thời gian. Từng bước tăng cường lập lại trật tự lòng lề đường, rồi tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong việc mua bán, đồng thời kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm...
Trải dài trên tuyến đường Phạm Hùng thuộc quận 8 có hàng chục người bày bán gia cầm lấn chiếm cả mặt đường mời gọi khách hàng, vô số gà, vịt nằm la liệt trên lề đường chiếm cả phần đường đi bộ, làm mất cảnh quan đô thị. Hơn thế nữa là mùi hôi thối từ phân của những con gà, vịt này gây mất vệ sinh, khó chịu cho người đi đường và người dân sống nơi đây.
Một số chợ tự phát trên địa bàn quận Gò Vấp như gần chợ Hạnh Thông Tây, đường Quang Trung (phường 11), trong hẻm 113 Lê Đức Thọ (phường 17), đường Dương Quảng Hàm (phường 5),… người bán dựng mái che, sạp hàng trên vỉa hè, trước cửa nhà, người mua dựng xe giữa đường, con đường này vốn chật hẹp, đến giờ tan tầm tình trạng ùn tắc giao thông càng thêm nghiêm trọng.
Chợ tự phát trên quốc lộ 1 khu vực Khu công nghiệp Tân Tạo (Bình Tân). |
Bên cạnh chợ tự phát, trên đoạn đường Võ Văn Kiệt, đoạn khu vực quận 5 đến quận 6 có hàng chục cửa hàng chành xe lên xuống hàng hóa đi các tỉnh và nhận hàng hóa từ các tỉnh về TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ. Tại đây, hằng ngày có hàng trăm lượt vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện xe máy, xe thô sơ, những chuyến hàng được chất trên xe quá khổ. Khi gặp CSGT đi tuần tra, những người này luôn tìm cách né tránh.
Những vụ tai nạn do xe máy, xe ba bánh tự chế,xe thô sơ chở hàng hoá cồng kềnh gây ra thời gian qua gây bức xúc dư luận. Do đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, tình trạng người đi bộ sai quy định vẫn rất phổ biến, có trường hợp trèo qua giải phân cách khá nguy hiểm, nhưng lực lượng chức năng chủ yếu chỉ nhắc nhở. Theo lãnh đạo Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh, tình trạng người đi bộ trái quy định vẫn diễn ra phổ biến tại thành phố. Tuy nhiên, nếu chỉ tuyên truyền mà không xử phạt thì rất khó nâng cao ý thức của người dân. Vì vậy, cần xử phạt nghiêm để tạo tác động mạnh vào tâm lý người dân.
Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh, trong năm 2018, CSGT toàn thành phố đã xử phạt 562.575 trường hợp vi phạm luật giao thông (trong đó có 12.955 trường hợp chở hàng hoá cồng kềnh) với tổng số tiền trên 231 tỷ đồng. Thời gian tới, nhất là trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2019, CSGT thành phố tiếp tục tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông.