Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019

Xử phạt vi phạm theo quy định mới - người dân đồng thuận

Thứ Hai, 13/01/2020, 08:22
Sau gần một tuần triển khai kiểm tra nồng độ cồn theo quy định mới, lực lượng CSGT các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã xử phạt nhiều trường hợp vi phạm. Điều đáng nói, với mức phạt cao và sự vào cuộc nghiêm khắc xử lý của lực lượng CSGT đã được người dân đồng tình, ủng hộ…


Những chuyển biến tích cực ở TP Đà Nẵng

Là một trong những thành phố lớn, cùng với thói quen uống rượu, bia của một bộ phận dân cư, lượng du khách đến Đà Nẵng hàng năm tăng vọt kéo theo sự tăng nhanh của khách sạn, nhà hàng, quán nhậu... Để hạn chế tai nạn giao thông và các tác hại khác liên quan đến rượu, bia, sau khi Nghị định 100-2019/NĐ-CP có hiệu lực, cùng với công tác tuyên truyền Công an TP Đà Nẵng đã bố trí lực lượng phối hợp tuần tra đảm bảo TTATGT, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Có mặt tại điểm chốt tại đường Nguyễn Tri Phương, cạnh Công viên 29-3, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, vào tối 8-1, chúng tôi nhận thấy việc kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng Công an được thực hiện bài bản, gọn gàng. 

CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Công an huyện Di Linh lập biên bản một người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe.

Trung tá Lê Minh Đương, cán bộ Đội CSGT- Trật tự, phụ trách tổ công tác tại đây cho biết,  Công an quận Thanh Khê đã tăng cường lực lượng và tần suất kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm. Các tổ kiểm tra có lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Công an phường... phối hợp, hỗ trợ CSGT thực hiện nhiệm vụ. 

Đặc biệt, các tổ công tác còn có lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy mang theo que thử để kiểm tra đối với tài xế có biểu hiện sử dụng ma túy.  Trong vòng 2 giờ đồng hồ, tổ công tác của Trung tá Lê Minh Đương đã kiểm tra gần 70 tài xế ôtô, 8 trường hợp điều khiển xe máy. Tất cả các trường hợp được kiểm tra đều chấp hành tốt hiệu lệnh và không có trường hợp nào vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

Tại đường ven biển đường Nguyễn Tất Thành (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), khi lực lượng Công an lập chốt để kiểm tra, hàng loạt quán nhậu dọc tuyến vắng vẻ hẳn so với thường ngày. Hơn 2 giờ với 10 lượt kiểm tra xe máy và 50 xe ôtô, tổ công tác chỉ phát hiện một trường hợp lái xe máy vi phạm. 

Đó  là anh T.X. (52 tuổi, trú quận Sơn Trà), với nồng độ cồn là 0,3mg/1 lít khí thở. Với lỗi này anh T.X bị xử phạt 4,5 triệu đồng, tước bằng lái xe 1 tháng, đồng thời tạm giữ phương tiện.

Tại chốt kiểm tra trên đường Lê Duẩn của tối 7-1, phóng viên cũng ghi nhận sự đồng tình, hợp tác của các tài xế khi được dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn. Trong vòng 1 giờ, có hơn 40 lái xe ôtô được kiểm tra nhưng chỉ có một trường hợp vi phạm với nồng độ cồn đo được là 0,283mg/1 lít khí thở. Tài xế vi phạm sử dụng ôtô thuê liên tục gọi điện cho người thân nhờ “trợ giúp”. 

Với sự kiên quyết của Thiếu tá Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, Đội phó Đội CSGT-Trật tự Công an quận Hải Châu và các thành viên tổ công tác, sau hơn 30 phút, tài xế này mới ký vào biên bản vi phạm. Theo Nghị định 100/2019, tài xế này sẽ bị xử phạt 17 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 17 tháng về vi phạm nồng độ cồn; bị tạm giữ phương tiện 7 ngày để xử lý theo quy định. 

Tương tự, tại các điểm chốt khác của Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng và Công an các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, chúng tôi ghi nhận việc kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông đều thực hiện đúng quy trình, quy định. Các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tuy mềm dẻo nhưng cương quyết nên hầu hết người được kiểm tra đều chấp hành và đồng tình với việc đã uống rượu, bia thì không lái xe.

Để không bị vi phạm, nhiều người sau khi ăn nhậu ở nhà hàng, quán ăn đã chủ động đi xe taxi, grab bike, hoặc nhờ người khác chở về. Một số nhà hàng, quán nhậu ở Đà Nẵng đã “níu khách” đến quán bằng việc hỗ trợ xe đưa về nhà, hoặc miễn phí tiền taxi đối với nhóm khách từ 4 người trở lên. 

Việc kiểm tra các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn và các vi phạm khác khi tham gia giao thông sẽ được Công an TP Đà Nẵng thực hiện liên tục, thường xuyên. Chế tài nghiêm khắc theo Nghị định số 100/2019 sẽ có tác dụng răn đe giáo dục mạnh mẽ, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông và nhiều hệ lụy khác do rượu, bia gây ra.

Người dân Tây Nguyên đồng thuận, ủng hộ cao

Thượng tá Nguyễn Quang Vịnh, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, qua 5 ngày đầu thực hiện Nghị định 100/2019, lực lượng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk  đã kiểm tra và phát hiện 136 trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 120 trường hợp đi xe máy, 16 trường hợp điều khiển ôtô. 

Đáng chú ý, vào tối 1-1, trong lúc tuần tra trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, lực lượng CSGT phát hiện một trường hợp điều khiển xe ôtô có biểu hiện say xỉn nên dừng xe kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy nồng độ cồn của người này lên đến 0,4 mg/l khí thở. CSGT đã xử phạt 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng.

Anh Nguyễn Tuấn Long (trú tại TP Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Thời gian gần đây, đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xuất phát từ nguyên nhân lái xe điều khiển phương tiện sau khi sử dụng đồ uống có nồng độ cồn như bia, rượu... Rất nhiều người vợ đã mất chồng, con mất cha chỉ vì một vài cốc bia, chén rượu. Do đó, tôi rất ủng hộ việc xử phạt thật nặng những người điểu khiển phương tiện có hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Mong các nội dung của Nghị định mới sẽ được thực hiện nghiêm trong thực tiễn đời sống”. 

Còn theo anh Nguyễn Hữu Hùng (trú đường Hùng Vương, TP Buôn Ma Thuột) việc sử dụng rượu, bia từ lâu đã trở thành thói quen của không ít người, cùng với đó là việc nhiều người hay “ép” nhau uống rượu.

“Vui đâu chưa thấy nhưng “rượu vào lời ra”, uống nhiều rượu, bia thường dễ dẫn đến những hành vi lệch chuẩn, nhất là sau khi sử dụng bia, rượu lại điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì rất dễ xảy ra tai nạn. Trước đây, tình trạng này chưa được kiểm soát tốt là do chế tài xử lý chưa thực sự mang tính răn đe. Tôi nghĩ, việc nâng mức phạt, tăng thời gian tước giấy phép lái xe đối với người vi phạm về nồng độ cồn là hoàn toàn hợp lý nên đồng tình ủng hộ”, anh Hùng cho biết.

Tại Lâm Đồng, theo ghi nhận của PV Báo CAND, khi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực với những chế tài hết sức nghiêm khắc, ý thức của người tham gia giao thông đã được nâng lên rõ rệt. Phần lớn những người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông được lực lượng chức năng kiểm tra đều không sử dụng rượu, bia. 

Trung tá Mai Xuân Huệ, Phó Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an TP Đà Lạt cho biết, từ ngày 1-1-2020 tới ngày 6-1, Đội CSGT-TT Công an TP Đà Lạt đã 4 đợt phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng và Công an các phường trên địa bàn đồng loạt ra quân kiểm tra nồng độ cồn và các chất kích thích khác đối với người điều khiển xe ôtô, xe máy và xe đạp. 

Trong 4 đợt ra quân, lực lượng chức năng đã dừng hàng trăm phương tiện qua chốt và kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt. 

Điều đáng mừng là hầu hết những người điều khiển các phương tiện khi tham gia giao thông đều nghiêm túc chấp hành các quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông. 

Do đó, sau 4 đợt ra quân, Đội CSGT-TT Công an TP Đà Lạt đã dừng và đo nồng độ cồn của hàng trăm tài xế nhưng mới chỉ phát hiện 6 trường hợp ghi nhận có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông và một trường hợp dương tính với chất ma túy. 

Có thể thấy, những điều chỉnh trong xử lý lỗi vi phạm quy định về nồng độ cồn được quy định tại Nghị định 100/2019 đã và đang được dư luận ủng hộ, đồng thuận cao. 

Với việc triển khai nghiêm túc Nghị định 100/2019, tin rằng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nói chung, vi phạm về nồng độ cồn nói riêng sẽ từng bước được hạn chế; góp phần bảo đảm an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông, nhất là dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang đến gần.

T.Lai - V.Thành – K.Lịch
.
.
.