Xe ba bánh giả danh thương binh tác oai tác quái trên đường phố Thủ đô

Thứ Bảy, 16/04/2016, 08:11
Ngày nào cũng xử lý, ít thì vài xe, nhiều có khi đến chục xe trên một tuyến đường, nhưng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội cũng thừa nhận rằng, đơn vị này không thể xử lý tận gốc tình trạng xe ba bánh hoạt động trên đường, bởi lẽ cứ tịch thu, họ lại đóng mới, rồi lại mang ra đường hoạt động…


Rất ít xe thương binh

9h sáng, phóng viên Báo CAND có mặt tại ngã bảy Ô Chợ Dừa - Kim Liên. Quan sát thấy một chiếc xe ba bánh, do người đàn ông chừng hơn 40 tuổi chở hàng cồng kềnh từ đường Kim Liên đang đi về phía đường Tôn Đức Thắng, Trung úy Nguyễn Hải Anh ra hiệu lệnh dừng xe. Chưa kịp tấp xe vào lề đường, người tài xế xe ba bánh này đã vội phân bua: “Xe này của bố mình, ông là thương binh năm nay đã 77 tuổi đang ốm ở nhà nên hôm nay nhờ mình lái giúp. Nếu các đồng chí không tin, tôi sẽ về nhà dìu ông cụ ra”. 

Không chỉ “mang” bố đang ốm nằm ở nhà ra trình bày, anh này còn kể thêm hoàn cảnh gia đình khó khăn, con nhỏ mới 4 tháng tuổi đang khát sữa, vợ thất nghiệp. Tất cả thu nhập gia đình chỉ còn biết trông chờ vào chiếc xe ba bánh đứng tên của người bố thương binh.

Cũng thời điểm này, ở góc đường hướng Hoàng Cầu rẽ sang Kim Liên, một chiếc ba bánh khác chở kính cũng đã được CSGT yêu cầu dừng lại kiểm tra. Mặc dù khoác trên mình bộ quần áo lính nhưng thực tế lái xe Nguyễn Văn Hoàng lại không phải là thương binh.

CSGT Đội số 3 xử lý các trường hợp xe ba bánh không phải do thương binh điều khiển chạy trên đường. Ảnh chụp sáng 14-3.

Khi được lực lượng CSGT yêu cầu xuất trình giấy tờ, thẻ thương binh thì người đàn ông này chỉ đưa ra được chứng minh nhân dân. Nhân lúc lực lượng CSGT không để ý, ông đã bỏ đi và để lại chiếc xe trên đường phố.

Vài phút sau, một chiếc xe ba bánh tự chế khá cũ kỹ được một người đàn ông sử dụng để chở kính đã bị lực lượng CSGT yêu cầu kiểm tra giấy tờ. Không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào có liên quan, người đàn ông này đành thành thật cho biết: Anh tên là Nguyễn Văn Hưng, quê ở Mê Linh, Hà Nội. 

Nghe lời một người bạn giới thiệu, anh Hưng bỏ ra số tiền 10 triệu đồng để mua chiếc xe ba bánh làm phương tiện chở hàng kiếm sống qua ngày. Trung bình mỗi ngày, anh thu nhập được khoảng 300.000 đồng từ việc chở hàng trong khắp các quận, huyện của Hà Nội.

“Tôi biết điều khiển xe ba bánh mà không phải thương binh là vi phạm luật nhưng vì miếng cơm manh áo”, anh Hưng phân bua. Tuy nhiên, lực lượng CSGT đã lập biên bản, tịch thu phương tiện.

Trong khoảng gần chục chiếc xe ba bánh bị kiểm tra trong vòng khoảng 1h đồng hồ tại ngã bảy này, chỉ duy nhất có một chiếc xe ba bánh là do thương binh điều khiển. Đó là trường hợp bác Phương Lâm Điền, trú tại đường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội, thương binh hạng ¼. Thế mới thấy, số lượng các thương binh điều khiển xe ba bánh trên địa bàn Hà Nội là rất ít so với thực tế số xe ba bánh đang được lưu hành chở hàng hóa gây cản trở giao thông.

Cảnh sát giao thông chỉ giải quyết được phần ngọn

Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 3 cho biết, địa bàn quận Đống Đa cũng là một trong những điểm nóng của hoạt động xe ba bánh tự dóng của Hà Nội. Từ nhiều tháng nay, không ngày nào là tổ tuần tra kiểm soát vi phạm giao thông của đội không lập biên bản xử lý vi phạm. Có những ngày Đội xử lý tới vài chục trường hợp, thế nhưng, không hiểu ở đâu, các xe vẫn cứ chạy trên đường.

Nhờ việc ra quân gắt gao, thì những người điều khiển xe ba bánh tự dóng không đi vào giờ cao điểm nữa, nhưng họ lại tranh thủ buổi trưa, hoặc lúc các tổ công tác giao ca, để hoạt động chở hàng hóa. Có thời điểm, Hà Nội làm gắt, tịch thu nhiều xe, thì một số người còn đưa cả xe ba bánh đăng ký biển tỉnh khác lên Hà Nội để hoạt động chở hàng.

Theo quy định, xe ba bánh dành cho thương binh di chuyển, chứ không phải chở hàng. Nhưng do tính chất nhỏ gọn, chở được nhiều hàng, không bị cấm giờ vào phố, thế nên nhiều người đã lợi dụng để chở thuê hàng hóa. Gần đây, bên cạnh người điều khiển xe ba bánh còn xuất hiện thêm một người ngồi cạnh.

Khi xe bị kiểm tra, người ngồi cạnh là thương binh thường lấy lý do sức khỏe yếu, nên nhờ con cháu lái giúp. Với các trường hợp này, Cảnh sát giao thông yêu cầu cả hai người phôtô hộ khẩu, chứng minh nhân dân, nếu là bố con thật, lực lượng chức năng sẽ nhắc nhở, còn nếu không phải sẽ xử phạt như bình thường.

Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã xử lý trên 400 trường hợp xe ba bánh giả danh thương binh. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm chưa thể triệt để.

“Chúng tôi mới chỉ đang xử lý phần ngọn, tức là xử lý phương tiện tự dóng lưu thông trên đường không có đăng ký, không có giấy tờ và người điều khiển phương tiện không có bằng lái. Còn những nơi sản xuất ra, tức là xử lý vi phạm từ gốc thì chúng tôi không thể can thiệp. Cũng chính vì chỉ có thể xử lý phương tiện lưu thông sai quy định trên đường, nên chúng tôi gặp không ít khó khăn. Cụ thể, khi xử lý xe thương binh không có biển kiểm soát, thì một số thương binh thật lại đứng ra xin, kể lể hoàn cảnh…”.

Vì vậy, Đại tá Đào Vịnh Thắng cho rằng, để xử lý tận gốc thì các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra xử lý tận gốc, tận nơi sản xuất. Các cấp chính quyền địa phương phải tuyên tuyền, nhắc nhở không để cho người dân lợi dụng, giả danh thương binh đi hoạt động trên đường. Có như vậy, thì mới góp phần lập lại trật tự an toàn giao thông”.

P.Huyền - N.Hương
.
.
.