Xử lí nghiêm xe quá tải nhưng cầu đường vẫn hỏng, vì sao?

Thứ Ba, 30/01/2018, 07:59
Hiện nay, vi phạm tải trọng chủ yếu xảy ra tại một số khu vực đầu nguồn hàng, bến bãi, mỏ vật liệu, khu vực san lấp mặt bằng. Thế nhưng, cầu đường nhiều nơi vẫn hư hỏng, xuống cấp. Nguyên nhân do đâu?


Tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 32 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác  kiểm soát tải trọng phương tiện do Cục CSGT tổ chức vừa qua, các ý kiến đã tập trung trao đổi kinh nghiệm về công tác phòng chống xe quá tải, kiến nghị các khó khăn, vướng mắc đề xuất phương hướng giải quyết.

Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, theo đó lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông, còn Thanh tra giao thông kiểm tra, xử lý vi phạm tại các điểm xuất phát, điểm tập kết hàng hóa, kho, cảng, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu để ngăn chặn kịp thời các xe ôtô chở hàng quá tải trọng trước khi lưu thông trên đường; các cơ quan CSĐT xử lý nghiêm các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ; xác lập các chuyên án đấu tranh với các hành vi có biểu hiện tiêu cực trong hoạt động kiểm soát tải trọng xe.

Từ năm 2011 đến nay, Cục CSGT đã tiến hành xây dựng, hoàn thiện và cấp phát 206 cân tải trọng cho Công an các địa phương.  Riêng trên tuyến quốc lộ 1A, Bộ Công an đã tiến hành lắp đặt 14 hệ thống cân tải trọng; đối với các tuyến quốc lộ trọng điểm (quốc lộ 3, 5, 6, 14, 19, 48) lắp đặt 8 hệ thống cân tải trọng; bên cạnh đó, hằng năm UBND các địa phương trích kinh phí trang cấp bổ sung cân tải trọng cho lực lượng Công an.

Nhiều trường hợp xe chở quá tải bị xử lý, tuy nhiên vi phạm vẫn gia tăng.

Công an các địa phương đã xây dựng kế hoạch chuyên đề kiểm soát tải trọng xe, trong đó huy động các lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự… tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi quá tải trọng, vi phạm kích thước thành thùng xe; tổ chức thực hiện công tác điều tra cơ bản phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm phương tiện chở hàng quá tải…

Kết quả, năm 2017, lực lượng CSGT đã dừng, kiểm tra phát hiện và lập biên bản 56.931 trường hợp vi phạm quá khổ, quá tải, tạm giữ 3.422 phương tiện, tước quyền sử dụng GPLX 40.447 trường hợp, đã xử lý hạ tải đối với 25.628 phương tiện vi phạm với 49.708 tấn hàng. Lực lượng Công an phối hợp với Thanh tra giao thông, qua kiểm tra 28.995 phương tiện, phát hiện lập biên bản 2.949 trường hợp vi phạm quá khổ, quá tải.

Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe, ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, các quy định về vận tải đường bộ còn hạn chế; cố tình trốn tránh, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng, có thủ đoạn như: đóng cửa xe bỏ đi hay thuê container vận chuyển hàng rồi kẹp chì gây khó khăn cho việc hạ tải; cố tình gây cản trở, ùn tắc giao thông, thuê người theo dõi nơi lực lượng CSGT kiểm soát, xử lý để tìm đường khác trốn tránh… thậm chí chống lại lực lượng thực thi công vụ.

Đại tá Cao Minh Phượng, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An cho biết, CSGT Nghệ An đã ký cam kết chấp hành nghiêm túc pháp luật về ATGT với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn; xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm; khẳng định trên địa bàn Nghệ An không có việc bảo kê, bảo vệ cho phương tiện quá tải hoạt động. Tuy nhiên, đường sá làm trước hư sau, làm đến đâu hỏng đến đó. Đại tá Cao Minh Phượng đặt câu hỏi: “Tại sao không đặt vấn đề về chất lượng mà cứ cho rằng do xe quá tải?”.

Thiếu tá Trang Công Đông, Phó trưởng Phòng CSGT Công an Thanh Hoá cho biết, CSGT Thanh Hoá khai thác tối đa ưu điểm của trạm cân cố định trên quốc lộ 1A, tổ chức 2 tổ công tác tuần tra, xử lí khép kín thời gian 24/24h, kiên quyết xử lí, cưỡng chế hạ tải tại bãi; phối hợp với Công an các huyện kiểm tra các phương tiện xuất bến, lắp camera giám sát tại các mỏ, doanh nghiệp thường vận tải hàng hoá; lắp khung tải trọng khiến xe quá khổ không đi được.

Đơn vị đã thành lập 1 tổ công tác đặc biệt xử lí trên tất cả các tuyến trong tỉnh kể cả ngày nghỉ, lễ, tuyến nào có nổi cộm, phản ánh của người dân thì sẽ đến xử lí ngay. 

Đại tá Hoàng Văn Ninh, Trưởng phòng CSGT Công an Thái Nguyên cho biết, UBND tỉnh đã trang bị cho lực lượng CSGT 12 chiếc cân xách tay gọn nhẹ, có thể cơ động xử lí tại các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh, các khu vực gần bến bãi. Tại các điểm xuất bến, lực lượng CSGT đều tổ chức cân tất cả các phương tiện để đảm bảo công bằng, tránh việc bức xúc, thắc mắc trong các doanh nghiệp; yêu cầu tất cả các doanh nghiệp lớn trên địa bàn ký cam kết không vi phạm.

Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT kết luận nêu rõ, kết quả kiểm soát tải trọng cho thấy tình trạng vi phạm tải trọng trên các tuyến quốc lộ trọng điểm tiếp tục được kiểm soát, số lượng xe đường dài vi phạm rất ít. Hiện nay, vi phạm tải trọng chủ yếu xảy ra tại một số khu vực đầu nguồn hàng, bến bãi, mỏ vật liệu, khu vực san lấp mặt bằng.

Việc từng lực lượng thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm soát tải trọng trên tuyến, địa bàn phụ trách sẽ phát huy hiệu quả trong công tác kiểm soát tải trọng xe, không phải vì không phối hợp liên ngành mà quá tải “bùng phát trở lại” hay là bị “buông lỏng”, mà quan trọng là làm hết, làm đúng trách nhiệm và quyền hạn của lực lượng CSGT.

“CSGT các đơn vị, địa phương cần  thực hiện theo đúng Chỉ thị số 32 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo của lãnh đạo hai Bộ Công an - Giao thông Vận tải, từng lực lượng phải thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định và chịu trách nhiệm về hiệu quả công tác của mình; kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ; xác lập chuyên án đấu tranh với các hành vi có biểu hiện tiêu cực trong hoạt động kiểm soát tải trọng xe” – Thiếu tướng Trần Sơn Hà yêu cầu.

Phương Thuỷ
.
.
.