Phải 12 lần làm biên bản và ra quyết định mới phạt được một xe quá tải đường bộ

Thứ Bảy, 30/12/2017, 08:29
Trước đây, lực lượng CSGT và Thanh tra GTVT khi tuần tra, kiểm soát trên đường, phát hiện phương tiện vi phạm cần tạm giữ giấy tờ gì thì ghi loại đó trong biên bản vi phạm. 

Sau đó bộ phận xử lý vi phạm ra quyết định xử phạt để tổ chức, cá nhân vi phạm chấp hành nộp phạt xong sẽ được trả giấy tờ. 

Nhưng từ tháng 8 đến nay, thực hiện các bước tiến hành xử phạt vi phạm về trật tự giao thông theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 8-8-2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 9-7-2013, để xử phạt với xe quá tải đường bộ, các tổ tuần tra, kiểm soát ngoài đường phải tiến hành một loạt bước, gồm: lập biên bản xử phạt hành chính đối với lái xe; lập biên bản tạm giữ giấy phép lái xe; ra quyết định tạm giữ giấy phép lái xe; lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện do liên đới trách nhiệm; lập biên bản tạm giữ giấy đăng kiểm xe hoặc sổ kiểm định, sau đó mới ra quyết định tạm giữ xe hoặc sổ kiểm định. 

Tiếp đó, bộ phận xử lý vi phạm của CSGT, Thanh tra GTVT phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm; làm biên bản trả giấy tờ phương tiện vi phạm xong mới có thể ra quyết định trả giấy tờ hoặc phương tiện vi phạm.

Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, để xử lý một hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, Thanh tra GTVT phải 6 lần ra văn bản đối với người và phương tiện vi phạm. Trường hợp chủ phương tiện có liên quan đến vi phạm về quá tải đường bộ, số lần ra biên bản và quyết định xử phạt phải là 12 lần. 

Tình trạng này khiến lực lượng xử lý vi phạm ngoài đường phải mất thời gian gấp đôi, gấp 3 lần so với trước đây mới có thể hoàn tất việc lập biên bản vi phạm và biên bản tạm giữ giấy tờ, phương tiện của một trường hợp vi phạm. 

Như vậy, ngoài hiệu quả xử lý không cao của lực lượng chức năng khi tiến hành kiểm soát giao thông trên đường, kéo theo đó còn là tình trạng ùn tắc, phản ứng từ tài xế do phải chờ ghi nhiều loại biên bản; nhất là những tài xế chở hàng ra vào cảng, chở hàng đông lạnh, tươi sống… và tại nơi xử lý vi phạm, người dân cũng phải chờ đợi mất thời gian nhiều hơn so với trước đây.

Ông Việt cho biết, để tránh việc xử phạt vi phạm gây kẹt xe trên tuyến ra vào cảng Cát Lái hoặc những tuyến có mật độ phương tiện dày đặc như QL1A, QL22, hoặc không gây chậm trễ thời gian giao hàng của người dân, DN…, nhiều khi Thanh tra GTVT phải linh động bằng cách giữ phụ xe và giấy tờ lại, cho tài xế chạy đi giao nhận hàng, xong việc mới quay lại ký biên bản vi phạm và các loại biên bản tạm giữ giấy tờ, phương tiện.

Đ.Thắng
.
.
.