Xe khách trá hình bùng phát trở lại
- Hà Nội đang bất lực với xe khách trá hình
- Tổ công tác đặc biệt xử lý xe khách trá hình
- Quy định rõ để ngăn chặn xe khách trá hình
- Thất thu hàng trăm tỉ đồng từ hoạt động của xe khách trá hình
Lập hồ sơ “đen” xe khách trá hình
Thông tin từ Phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho hay, mới đây Sở đã lập danh sách một loạt nhà xe hợp đồng nhưng hoạt động như xe khách tuyến cố định để đưa vào diện theo dõi, xử lý. Điều đáng chú ý là hầu hết các nhà xe này đã từng vi phạm, bị xử lý nhiều lần nhưng tiếp tục tái phạm. Lãnh đạo Sở GTVT ví dụ: xe Limousine của hãng X.E Việt Nam; Hà Lan; xe chở khách Inter Bus Lines… Công ty TNHH X.E Việt Nam có trụ sở tại Lô CC1.1.3.1 khu đô thị (KĐT) Pháp Vân (Hoàng Mai).
Cụ thể, Công ty X.E tổ chức đặt vé trên tổng đài đi các tuyến: Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình; bố trí xe đón khách tại nhiều điểm trên địa bàn thành phố; thu tiền từng khách lẻ trên xe. Một số vị trí thường xuyên hoạt động của hãng này có: Lô CC1.1.3.1 KĐT Pháp Vân; cạnh trường THPT Lương Thế Vinh (Cầu Giấy); số 2 Phố Vọng (Hoàng Mai).
Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông Hà Nội sẽ tăng cường xử lý xe khách vi phạm. |
Tương tự, đội xe Limousine của Công ty CP thương mại và Du lịch Hà Lan cũng nhận đặt chỗ trên tổng đài cho khách đi Thái Nguyên; bố trí xe trung chuyển đón khách tại nhiều điểm trong thành phố, xếp khách ngay trước cửa văn phòng, thu tiền từng khách lẻ trên xe. Đáng nói, tần suất xe chạy rất dày, khoảng 1 tiếng/chuyến.
Ngoài việc sử dụng xe Limousine, nhiều doanh nghiệp còn ngang nhiên dùng cả xe khách cỡ lớn, núp bóng “xe hợp đồng” để chạy khách liên tỉnh. Đơn cử, Công ty CP Inter Bus Lines (trụ sở số 110A Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm) tổ chức thu tiền và xác nhận đặt chỗ cho khách lẻ rồi ghép thành đoàn đi Sapa (Lào Cai)... Thậm chí, Công ty này còn sử dụng loại xe nhỏ trung chuyển, đón khách các nơi trên địa bàn thành phố rồi đưa về trụ sở Công ty, chuyển sang xe cỡ lớn.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà cho biết, Sở GTVT đã lập hồ sơ các tụ điểm đón trả khách, các doanh nghiệp thường xuyên vi phạm, lách luật để phối hợp cùng các lực lượng liên quan xử lý. “Thời gian qua, vi phạm có chiều hướng tái diễn, chúng tôi đã đề nghị các lực lượng liên quan và chính quyền địa phương cùng vào cuộc để giải quyết dứt điểm”, ông Hà cho hay.
Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội đã kiến nghị Công an TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an tại địa bàn phối hợp với Thanh tra Sở GTVT tổ chức điều tra cơ bản, nắm tình hình từng địa bàn, lập danh sách các tụ điểm, tuyến đường, khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng vi phạm của phương tiện, nhà xe, văn phòng đại diện…
Cùng đó, cần nắm bắt được các đối tượng có biểu hiện “cò mồi” cho các đơn vị vận tải, lái xe vi phạm các quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị; chủ động phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Đề xuất nắn lộ trình 400 lượt xe khách quá cảnh chống ùn tắc
Bên cạnh việc xử lý nghiêm xe khách trá hình, mới đây, Sở GTVT Hà Nội cũng đã có kiến nghị UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT “nắn” lộ trình 400 lượt xe khách quá cảnh để tránh ùn tắc khu vực trung tâm. Văn bản kiến nghị nêu rõ, 400 lượt xe này không có điểm đầu, điểm cuối tại các bến xe Hà Nội, chỉ là quá cảnh trên tuyến Vành đai 3 Hà Nội, vì vậy việc nắn lộ trình không gây tác động nhiều.
Cụ thể, các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh hoạt động thông qua địa bàn Hà Nội (tuyến không có điểm đầu, cuối tại bến xe của Hà Nội- quá cảnh) có hành trình hoạt động trên đường Vành đai 3 trên cao (đoạn từ Võ Văn Kiệt, Cầu Thăng Long, đường Phạm Văn Đồng, đường Vành đai 3 trên cao (đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến ngã ba Pháp Vân) được điều chỉnh theo các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ các tỉnh phía Nam TP Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc và Tây Bắc TP Hà Nội, gồm các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn có hành trình đi qua đường vành đai 3 trên cao, đường Phạm Văn Đồng.
Hành trình chạy xe sau khi điều chỉnh sẽ từ bến xe các tỉnh phía Nam TP Hà Nội, cao tốc Pháp Vân, Cầu Giẽ - đường Vành đai trên cao - cầu Thanh Trì - đường dẫn cầu Thanh Trì - đường Nguyễn Văn Linh- Cầu Vượt đường 5- đường 5 kéo dài- đường Hoàng Sa - đường Trường Sa - đường Võ Văn Kiệt - Bắc Thăng Long (hoặc cầu Thanh Trì – QL1- QL3)... bến xe các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn. Các tuyến từ các tỉnh phía Đông, Đông Nam (gồm các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng) đi các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc (gồm các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu) đi theo hành trình QL5 cũ hoặc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hướng lên QL2 (hoặc đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai) đi theo hành trình sau: Các tỉnh phía Đông, Đông Nam đi theo QL5 (hoặc đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Vành đai 3- QL5) – cầu Đông Trù - đường Hoàng Sa - đường Trường Sa- đường Võ Văn Kiệt – QL2 (hoặc đường Cao tốc Nội Bài – Lào Cai), (hoặc có thể đi theo hướng QL5 - QL1 - QL3 đến các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn) đi các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc và ngược lại.
“Một khi hoàn tất điều chỉnh hơn 400 lượt xe quá cảnh này, không chỉ Vành đai 3 mà cả các tuyến đường phụ cận cũng sẽ giảm đáng kể áp lực giao thông. Xe không có điểm đầu/điểm cuối ở Hà Nội thì không có lý do gì để đi qua các tuyến đường trung tâm thành phố gây tắc nghẽn”, Phó Giám đốc Sở GTVT bày tỏ.